Thứ Bảy, 12/10/2024 05:23 SA
Sơn Hòa tháng ba
Thứ Năm, 19/03/2020 07:37 SA

Đường phố thị trấn Củng Sơn hôm nay. Ảnh: LẠC VIỆT

Vào những ngày tháng ba này cách đây 45 năm, quân và dân huyện Sơn Hòa đã chứng kiến và góp phần đánh bại cuộc “rút lui chiến lược” của binh lính quân lực Việt Nam cộng hòa tháo chạy về đồng bằng theo đường 7; giải phóng huyện nhà vào ngày 25/3/1975, góp sức cùng quân, dân trong tỉnh giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày 1/4/1975 và cùng cả nước hoàn thành thắng lợi sứ mệnh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Sơn Hòa có địa thế chiến lược quân sự thuận lợi và hết sức quan trọng của tỉnh, là một bộ phận của hành lang chiến lược Liên khu 5, có đường 7 (nay là quốc lộ 25) nối liền từ đồng bằng Tuy Hòa đến Tây Nguyên, kết nối giữa miền xuôi và miền ngược. Chính vì vậy mà khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều chú trọng đến vùng đất này, để làm bàn đạp tấn công, càn quét đánh phá vùng căn cứ cách mạng của ta ở miền núi, đồng thời tấn công lấn chiếm đồng bằng Tuy Hòa và các tỉnh duyên hải miền Trung. Sơn Hòa cũng là nơi chế độ Sài Gòn từng quản thúc Luật sư Nguyễn Hữu Thọ một thời gian dài tại thị trấn Củng Sơn.

 

Huyện đầu tiên của tỉnh được giải phóng

 

Sau khi bị đánh bất ngờ, thất thủ ở Buôn Ma Thuột và mở cuộc hành quân tái chiếm bất thành, các lực lượng phản kích bị bộ đội ta tiêu diệt nhanh chóng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định rút bỏ Quân đoàn 2 từ Tây Nguyên theo đường 7 về vùng đồng bằng ven biển. Ngày 15/3/1975, hơn 15.000 quân chủ lực còn lại của quân đoàn này cùng vợ con hộc tốc tháo chạy dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Biệt động quân, đại tá Phạm Duy Tất vừa được đặc cách chuẩn tướng.

 

Theo “Lịch sử LLVT tỉnh Phú Yên, 1945-2005”: Cùng với triển khai các hướng, các mũi tấn công chuẩn bị tiêu diệt địch trên tuyến đường 5 (Tuy Hòa 1), ngày 15/3/1975, Sở chỉ huy tiền phương ra lệnh cho Tiểu đoàn 96 hành quân cấp tốc lên Củng Sơn bắt liên lạc với Sư đoàn 320 của ta sẵn sàng tiêu diệt địch rút chạy từ Tây Nguyên xuống đồng bằng khi chúng vừa đặt chân đến đây. Đúng như dự đoán tài tình của Sở chỉ huy tiền phương, sau khi tháo chạy theo đường 7 đến Sơn Hòa, địch chuyển hướng, bắt cầu phao vượt sông Ba từ Thạnh Hội qua đường 5.

 

23 giờ 30 ngày 23/3, Tiểu đoàn 96 bắt liên lạc được với Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) ở phía tây quân lỵ Củng Sơn. Tình hình của quân địch ở đây đang rất hoang mang, dao động. Ban chỉ huy Trung đoàn 64 và Ban chỉ huy Tiểu đoàn 96 quyết định nhanh chóng siết chặt vòng vây, tiến công tiêu diệt địch, giải phóng thị trấn Củng Sơn. Công tác chuẩn bị chiến đấu tiến hành rất khẩn trương và thuận lợi nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng bộ, chính quyền nhân dân cách mạng và lực lượng vũ trang tỉnh với bộ đội chủ lực.

 

Sáng 24/3, địch ở Củng Sơn có hiện tượng tháo chạy, sau khi binh lính Quân đoàn 2 bị bộ đội và dân quân du kích của ta chặn đánh tơi tả suốt dọc đường 5 ở bờ Nam sông Ba. Lúc này, cầu Ai Nu đã bị phá, công binh ta làm ngầm chưa xong, hỏa lực tăng cường vẫn chưa đến. Chỉ huy Trung đoàn 64 điện cho chỉ huy Sư đoàn 320, đề nghị cho đơn vị tiến công địch ngay bằng lực lượng hiện có, không chờ tăng viện và được chấp nhận.

 

Đúng 10 giờ ngày 24/3, hỏa lực súng cối của Trung đoàn 64 bắn dồn dập vào các mục tiêu địch làm chúng hoang mang, rối loạn ngay từ phút đầu. Một bộ phận địch tháo chạy về phía sông Ba theo hướng đường 5. Ở hướng phía tây, Tiểu đoàn 7 có 4 xe K63 tăng cường xuất kích đánh thẳng vào khu quận lỵ Củng Sơn. Địch dùng pháo bắn chặn quyết liệt, nhưng bộ đội ta vẫn kiên quyết đánh vào mục tiêu và làm chủ khu vực Tịnh Sơn lúc 15 giờ 45 cùng ngày.

 

Trên hướng tiến công thứ yếu phía bắc, Tiểu đoàn 9, đi đầu là Đại đội 10 đột phá qua Hòn Ngang rồi đánh thẳng vào khu dồn và sân bay, hạ một chiếc HU1A. Đến 16 giờ, qua đài kỹ thuật, ta thu được tin tướng Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2 và Quân khu 2 ra lệnh cho thuộc cấp ở Củng Sơn phá hết xe, pháo và bằng mọi cách rút về Tuy Hòa để bảo toàn lực lượng. Chớp lấy thời cơ, lực lượng ta tăng cường các mũi tấn công cùng lúc, lần lượt làm chủ từng khu vực và làm chủ quận lỵ Củng Sơn. Ngày 25/3/1975 huyện Sơn Hòa hoàn toàn được giải phóng.

 

Chung tay dựng xây cuộc sống mới

 

Bước ra khỏi chiến tranh, Sơn Hòa đối mặt với muôn vàn khó khăn, toàn huyện không nơi nào là không có dấu vết bom đạn, ruộng đồng hoang hóa. Thời điểm đó, toàn huyện chỉ có 20ha lúa nước, 2.000ha đất khai hoang phục hóa, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật hầu như không có gì đáng kể, giao thông đi lại rất khó khăn. Nhân dân từ các ấp chiến lược của chế độ cũ trở về quê hương, ổn định nơi ăn, chốn ở, cùng nhau vượt qua chặng đường khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại. Đảng bộ huyện đã đề ra chủ trương tự lực tự cường, khôi phục sản xuất, tự cung, tự cấp lương thực, thực phẩm để ổn định cuộc sống; các cấp, các ngành hoạch định nhiều dự án, nhiều chương trình, trong đó mở trường dạy học, chăm sóc sức khỏe, lo cái ăn cái mặc cho dân là ưu tiên hàng đầu, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng.

 

Qua 45 năm chung sức, đồng lòng, cùng nhau xây dựng quê hương, Sơn Hòa hôm nay đã có sự đổi thay đáng kể. Tháng ba này, về với Củng Sơn, về với các làng buôn của Sơn Hòa đâu đâu cũng mang lại cảm giác yên bình, người dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

 

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Tô Phương Bắc cho biết: Năm 2019, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 4.900 tỉ đồng; thu ngân sách đạt 53,6 tỉ đồng. Đến nay, toàn huyện đạt 17 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; có 2 xã (Sơn Xuân và Sơn Định) đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng bào dân tộc thiểu số nhiều năm qua đã đi vào định canh, định cư, làm ruộng lúa nước, trồng cây công nghiệp ngắn ngày, trọng tâm là trồng mía. Trên địa bàn huyện nhiều doanh nghiệp hoạt động, trong đó Nhà máy đường KCP với công suất 8.000 tấn mía cây/ngày, góp phần đắc lực giúp địa phương xóa đói, giảm nghèo. Tỉ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm và hiện còn 2,84%. Chương trình bê tông giao thông nông thôn, đường làng, hẻm phố được triển khai đồng bộ, tạo bộ mặt khang trang cho các khu dân cư. Hàng năm, các chỉ tiêu về xã hội như tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng, y tế, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, giải quyết việc làm cho người lao động… đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

 

Cùng với chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, huyện Sơn Hòa đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng, luôn xem đây là nhiệm vụ then chốt. Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa Nay Y Blung chia sẻ: Đảng bộ huyện Sơn Hòa luôn phát huy truyền thống đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên; gắn đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng. Hiện nay, Huyện ủy Sơn Hòa tập trung chỉ đạo đại hội các tổ chức cơ sở đảng và chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025. 

 

Phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, giàu lòng yêu nước và hào khí tháng ba, Đảng bộ, toàn dân và toàn quân huyện Sơn Hòa tiếp tục phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, tập trung khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh tốc độ phát triển một cách toàn diện và bền vững, xây dựng Sơn Hòa ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa Nay Y Blung

LẠC VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek