Chủ Nhật, 13/10/2024 15:16 CH
Sắp xếp lại mạng lưới báo chí theo hướng chuyên sâu (*)
Thứ Ba, 12/11/2019 07:00 SA

ĐBQH Nguyễn Hồng Vân phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: QH

LTS: Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra, ĐBQH tỉnh Phú Yên Nguyễn Hồng Vân gửi câu hỏi đến Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Những câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Hồng Vân được hai bộ trưởng trả lời trực tiếp tại phiên họp. Báo Phú Yên trích đăng nội dung này.

 

* ĐBQH Nguyễn Hồng Vân chất vấn:

 

- Vấn đề thứ nhất về quy hoạch, quản lý mạng lưới báo chí: Hiện nay, số lượng báo in, đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử đã đăng ký và chưa đăng ký đang hoạt động là rất lớn, vậy Bộ TT-TT đưa ra giải pháp gì nhằm hạn chế những thiếu sót cơ bản như đã nêu ra trong báo cáo?.

 

- Vấn đề thứ hai, việc xây dựng cơ sở dữ liệu là nền tảng để xây dựng Chính phủ điện tử, tuy nhiên những cơ sở dữ liệu dùng chung trong quốc gia như: lĩnh vực đất đai, hộ tịch, hộ khẩu, đăng ký doanh nghiệp và một số lĩnh vực khác trong báo cáo nêu triển khai còn quá chậm. Vậy, đề nghị bộ trưởng cho biết các giải pháp đột phá nào để khắc phục tình trạng trên nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tới.

 

Và tôi cũng xin được chuyển nội dung câu hỏi này đến Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng?

 

* Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời:

 

Như chúng ta biết, Việt Nam đã triển khai Chính phủ điện tử từ năm 2000, sau 20 năm đã đạt được nhiều kết quả khích lệ; được Liên Hợp Quốc xếp thứ 88/193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận nhiều vấn đề chưa đạt được. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

- Về quy hoạch và quản lý mạng lưới báo chí, phát thanh, truyền hình: Hiện nay, cả nước có 868 cơ quan báo chí, gồm báo, tạp chí, đài phát thanh - truyền hình. Trước thực tế này, Trung ương nhận thấy phải sắp xếp lại theo hướng mỗi một tờ báo, tạp chí, đài phát thanh theo hướng chuyên sâu của từng loại hình nhằm phản ánh toàn cảnh xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chấn chỉnh hoạt động báo chí trong một thời gian chúng ta buông lỏng hoạt động này. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có quy hoạch báo chí; cùng với đó, Bộ TT-TT cũng đã ban hành kế hoạch về hoạt động này và được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 4/2019. Đến tháng 6, bộ ban hành kế hoạch trong năm 2019 sẽ quy hoạch xong các cơ quan báo chí của khoảng 40 hội và đến năm 2020 thực hiện xong quy hoạch, báo chí của các bộ, ngành và địa phương.

 

- Về xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung: Chúng ta đang có khoảng 5 cơ sở dữ liệu dùng chung mang tính nền tảng quốc gia. Trong đó có 3 cơ sở dữ liệu tương đối ổn định; 2 cơ sở dữ liệu bị chậm, gồm: cơ sở dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu đất đai. Tháng 10 vừa qua, tôi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách về dự án dân cư, đã bàn bạc và tìm ra giải pháp thực hiện vấn đề này. Hiện dự án này đã được phê duyệt, đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn và đã bố trí vốn, Bộ Công an triển khai.

 

Hiện nay, 75 triệu dữ liệu người dân đã được quét, đưa vào hệ thống. Bộ TT-TT sẽ hỗ trợ tích cực, phấn đấu đến năm 2020 cơ sở dữ liệu dân cư cơ bản hoàn chỉnh.

 

- Về dữ liệu đất đai: Chúng tôi đã làm việc với Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà để tìm giải pháp triển khai. Trước đây, chúng ta nghĩ đó là một dự án rất lớn, nhưng hiện nay chúng ta nên hiểu việc triển khai theo hướng 1 cộng 63. Tức là có 63 địa phương và 1 phần tập trung. Năm nay sẽ hoàn thành việc thiết kế sơ bộ, tiêu chuẩn kết nối, một số nền tảng để đầu năm 2020 tất cả 63 tỉnh, thành và cơ quan bộ, ngành Trung ương triển khai đồng loạt.

 

* Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời thêm:

 

Tôi xin phép được phát biểu làm rõ thêm những nội dung chỉ đạo và kết quả triển khai thực hiện của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.

 

Xác định tầm quan trọng của việc xây dựng Chính phủ điện tử, ngày 1/7/2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết 36 về ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển kinh tế - xã hội cũng như hội nhập quốc tế. Thực hiện nhiệm kỳ này, ngày 7/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 17, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong việc xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2025, nhấn mạnh những nội dung mà ĐBQH quan tâm.

 

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện thể chế. Chính phủ giao các cơ quan xây dựng các nghị định về quản lý và kết nối cơ sở dữ liệu, bảo mật thông tin cá nhân, xác thực và định danh điện tử. Bộ Nội vụ sửa Nghị định 110 về văn thư lưu trữ để tiến tới lưu trữ điện tử. Chính phủ sẽ nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Chính phủ điện tử.

 

Thứ hai, về nền tảng hạ tầng công nghệ. Đây là vấn đề rất quan trọng, cần sớm ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0. Đây là điều rất quan trọng để cho các cơ quan, nhà mạng căn cứ vào quy chuẩn, tiêu chuẩn để đảm bảo các phần mềm được kết nối. Hạ tầng công nghệ thông tin phải đảm bảo an ninh thông tin.

 

Về hạ tầng dùng chung, hiện nay chúng ta đã có mạng và truyền số liệu các cơ quan của Đảng và Chính phủ. Chúng ta đã có trục liên thông văn bản quốc gia, gửi nhận văn bản quốc gia được khai trương vào ngày 12/3/2019 và hoạt động rất hiệu quả.

 

Thứ ba, nền tảng dữ liệu Chính phủ điện tử dựa trên cơ sở dữ liệu và dữ liệu mở để hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số ở xã hội số. Hiện nay, những cơ sở dữ liệu ở cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm chúng ta đã cơ bản hoàn thành và đã tinh lọc được 85 triệu thẻ bảo hiểm xã hội. Chúng ta đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp do Bộ KH-ĐT quản lý; cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính liên quan đến thuế, liên quan hải quan đang được Bộ Tài chính hoàn thiện. Đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì tới đây Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp để nghe Bộ trưởng Công an báo cáo để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Đồng thời cũng bổ sung vốn đầu tư công dự phòng cho vấn đề này. Đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thì đang tiếp tục xem xét để xử lý.

 

Theo lộ trình, cuối tháng 11 này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia và có thể đưa một số dịch vụ công, như: nộp thuế doanh nghiệp, cấp đổi giấy phép lái xe trong nước và quốc tế, đăng ký khuyến mại, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thông báo khuyến mại, cấp điện hạ áp, cấp điện trung áp và thu tiền điện vào thực hiện. Tiếp theo quý I/2020 sẽ cung cấp danh mục dịch vụ công, đó là thu thuế cá nhân, cấp đăng ký khai sinh, thu tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thu phí, lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy, đăng ký giao dịch đảm bảo, cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký kinh doanh.

 

Văn phòng Chính phủ đánh giá cao sự phối hợp của các bộ Tài chính, Tư pháp, Công an, KH-ĐT, Công thương, Bảo hiểm xã hội và các địa phương trong việc thực hiện quyết liệt vấn đề này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...

 

----------------

(*) Tựa đề do Tòa soạn đặt

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek