Thứ Năm, 17/10/2024 22:22 CH
Nhìn thẳng hạn chế, đưa kinh tế phát triển nhanh và bền vững (*)
Thứ Bảy, 01/06/2019 08:00 SA

Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tham dự kỳ họp thứ 7 - Ảnh: CTV

Ngày 31/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019. Đại biểu Nguyễn Hồng Vân, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên có bài phát biểu gửi đến Ban Thư ký kỳ họp Quốc hội. Báo Phú Yên trích giới thiệu bài phát biểu này đến bạn đọc.

 

Tôi thống nhất với những kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019. Tôi cũng thống nhất với những ý kiến phát biểu của các ĐBQH tỉnh đã phát biểu tại kỳ họp vào ngày 30/5. Qua nghiên cứu các báo cáo tôi nhận thấy:

 

Trong năm qua, tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp với những yếu tố thuận lợi và thách thức đan xen, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại, nhưng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bám sát phương châm hành động “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, qua đó nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, như: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách Nhà nước tăng khá, chi ngân sách Nhà nước được đảm bảo; hiệu quả đầu tư, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) được cải thiện; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng; xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng cao; tiềm lực khoa học và công nghệ tiếp tục được tăng cường; hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp mở rộng, nhất là khu vực vùng dân tộc thiểu số, miền núi...

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: (1) năng suất lao động còn thấp so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. (2) giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước còn chậm; (3) việc thực hiện các dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, trong khi nhiều nhu cầu mới phát sinh; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước; (4) sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, thách thức; (5) ứng dụng công nghệ cao còn chậm, tỉ lệ chưa cao. Cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và ứng dụng công nghệ, nhất là các công nghệ tiên tiến theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần tiếp tục được hoàn thiện. Nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học chưa mang lại hiệu quả. (6) đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tuy có phát triển về mọi mặt, nhưng hiện nay tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bị thiên tai còn cao, nguy cơ tái nghèo lớn... Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do hạ tầng giao thông ở khu vực này chưa được đầu tư đồng bộ, chưa tương xứng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi... (7) việc tăng giá bán lẻ điện chưa được tuyên truyền, vận động, giải thích trước cho nhân dân hiểu rõ để tạo sự đồng thuận. Nhiều cử tri và nhân dân rất bức xúc về chính sách mua bán điện và hoạt động của ngành Điện trong thời gian qua...

 

Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Thực tiễn cho thấy, cấp ủy, chính quyền, cá nhân người đứng đầu ở đâu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, cụ thể, sâu sát thực tiễn, đổi mới sáng tạo, chủ động linh hoạt hơn thì ở đó đạt được kết quả tốt hơn. Đây cũng là kinh nghiệm rất quan trọng đối với từng cấp, từng ngành trong chỉ đạo điều hành thời gian tới. Cần nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận những mặt còn hạn chế, yếu kém để có những giải pháp phù hợp, kịp thời khắc phục, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững.

 

Từ những kết quả đạt được và cả khó khăn, hạn chế nêu trên, qua các cuộc giám sát, khảo sát, làm việc với các cơ quan, đơn vị và trên cơ sở kiến nghị của cử tri, tôi có một số kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan sớm thực hiện một số nội dung sau:

 

Thứ nhất, cần phải đánh giá toàn diện về thực trạng thu hút đầu tư qua các hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian qua, qua đó đề ra những cơ chế, chính sách và giải pháp để nâng cao hiệu quả trong công tác thu hút đầu tư ở nước ta.

 

Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước với nguồn kinh phí tổ chức rất lớn, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư này, số lượng dự án được ký cam kết đầu tư nhiều, nhưng số dự án đã triển khai theo cam kết còn ít, có dự án kéo dài (gia hạn nhiều lần), làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và các địa phương nói riêng. Vì vậy, cần thiết phải đánh giá toàn diện về thực trạng trên, đánh giá những kết quả đạt được, những mặt chưa làm được, tìm ra nguyên nhân chủ quan và khách quan, qua đó đề ra những cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao hiệu quả trong công tác thu hút đầu tư trong thời gian tới.

 

Thứ hai, cần đánh giá toàn diện về kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ KH-CN giai đoạn 2016 đến 6 tháng đầu năm 2019, trong đó có đánh giá chất lượng, hiệu quả ứng dụng trong thực tế của các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh; các dự án, đề tài khoa học đã triển khai tại các doanh nghiệp ... trong thời gian qua. Theo Nghị quyết 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 quy định dành 2% tổng chi ngân sách Nhà nước cho hoạt động KH-CN. Tuy nhiên, nhìn chung sự phát triển KH-CN hiện nay chưa tương xứng với nguồn kinh phí đã đầu tư cho lĩnh vực này (ngân sách Nhà nước và các nguồn khác ngoài ngân sách Nhà nước).

 

Thứ ba, cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói chung và khu vực miền núi tỉnh Phú Yên nói riêng. Trong đó có việc sớm nâng cấp, mở rộng quốc lộ 25, quốc lộ 29, quốc lộ 19C qua địa bàn tỉnh Phú Yên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội khu vực này.

 

Thứ tư, Chính phủ cần đánh giá toàn diện về các chính sách mua - bán sỉ giá điện đối với các loại hình cạnh tranh tham gia thị trường điện hoặc không tham gia thị trường điện của các nhà máy sản xuất điện, như: nhà máy điện mặt trời, điện sinh khối, điện gió, nhiệt điện, thủy điện... Đồng thời cần đánh giá toàn diện và công khai rõ cho cử tri biết về chính sách bán lẻ giá điện trong thời gian qua, để nhân dân biết.

 

Thứ năm, hiện nay chưa có sự phối hợp tốt giữa cơ quan quản lý đường bộ với ngành điện trong việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng đường bộ với hạ tầng lưới điện (điện ngầm bắt qua cầu đường bộ....). Kiến nghị Bộ Công thương với Bộ GT-VT quan tâm đến vấn đề này.

 

----------------

(*) Tựa đề do tòa soạn đặt.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek