Thứ Sáu, 18/10/2024 09:26 SA
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Giá trị lịch sử và ý nghĩa hiện thực ngày nay
Thứ Ba, 07/05/2019 06:16 SA

Cách đây 65 năm, vào ngày 7/5/1954, ba chữ Điện Biên Phủ đã làm cho tiếng tăm dân tộc Việt Nam lừng lẫy khắp năm châu. Chiến thắng góp một tín hiệu tích cực về sự thay đổi của thời đại trên đất nước Việt Nam. Chiến thắng cũng đã đóng góp tích cực vào sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, tham gia có hiệu quả vào việc hình thành một thế giới bình đẳng giữa các dân tộc trong thời đại mới trên thế giới.

 

Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng tung bay trên nóc hầm Tướng De Castries, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng - Ảnh: TƯ LIỆU

 

Nhà văn Thép Mới đã viết: “Nói đến Việt Nam ngày nay, bạn nước ngoài nghĩ ngay đến tên Hồ Chí Minh. Sau tên quý yêu của lãnh tụ ta, còn có một danh từ Việt Nam nữa mà người ở khắp thế gian vào nửa cuối thế kỷ XX này khá thuộc - danh từ Điện Biên Phủ - Đối với đồng chí, anh em thân và bạn bè xa gần, danh từ đó bát ngát một niềm tự hào chung. Nó vang lên như kèn xung trận, hát mãi ngợi chào tự do, sáng như cả một rừng hoa ban và thơm mãi như hương lúa đồng quê, như cốm mới, như đời đời máu của chúng ta thơm thắm”(1).

 

Ngược dòng lịch sử, đến năm 1953, cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc bước sang năm thứ 8. Quân đội ta ngày càng trưởng thành cả về thế và lực, làm chủ nhiều khu vực rộng lớn ở Tây Nguyên, Liên khu 5, Cao - Bắc - Lạng và một số tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Quân đội Pháp ngày càng lâm vào thế bị động, lúng túng và có nguy cơ bị thất bại về quân sự. Để cứu vãn tình thế nguy ngập, chính phủ Pháp cử tướng Henri Navarre sang Việt Nam giữ trọng trách là Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, hòng làm thay đổi cục diện chiến trường.

 

Đông Xuân 1953-1954, để đối phó với hướng tiến công chủ yếu của quân ta lên Tây Bắc Việt Nam và Thượng Lào, Navarre đổ quân xuống Điện Biên Phủ và nhanh chóng biến nơi đây thành một tập đoàn phòng ngự mạnh, gồm 49 cứ điểm, chia làm 3 phân khu với quân số lúc cao nhất là 16.200 tên.

 

Để đánh bại kế hoạch quân sự Navarre, làm thất bại âm mưu xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận.

 

Nhận trọng trách từ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với các đồng chí của mình bằng mọi cách huy động tổng lực của quân và dân cả nước vào trận quyết chiến. Với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, bằng sức người là chính, bộ đội ta đã kéo những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn qua núi cao. Bộ đội và dân công sử dụng hơn 21.000 chiếc xe đạp thồ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km.

 

Lực lượng xe đạp thồ được biên chế thành từng đoàn theo địa phương, mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội từ 30-40 xe, chia thành các nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc cao. Đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên là một sự kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới…

 

Tài tình hơn, sau khi cân nhắc trong 11 ngày đêm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” để tiêu diệt và làm suy yếu dần đối phương; đồng thời giảm thương vong ở mức thấp nhất cho bộ đội ta.

 

Chính vì vậy, trải qua 3 đợt tấn công liên tục bắt đầu từ ngày 13/3, sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đến ngày 7/5/1954, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp lúc bấy giờ - “pháo đài khổng lồ không thể công phá” của quân đội thực dân Pháp bị tiêu diệt hoàn toàn.

 

Tướng Christian de Castries, bộ tham mưu và sĩ quan, binh lính tập đoàn cứ điểm đầu hàng Việt Minh vô điều kiện, buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, Lào và Campuchia.

 

Bộ đội ta kéo pháo phục vụ Chiến dịch Điên Biên Phủ - Ảnh: TƯ LIỆU

 

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân năm 1953-1954 là thắng lợi to lớn nhất của quân đội và nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

Kẻ thù thất trận ở Điện Biên Phủ là chủ nghĩa đế quốc thực dân - không chỉ là đế quốc Pháp mà còn là can thiệp Mỹ - đi ngược lại trào lưu của thời đại, là kẻ thù của thời đại. Thắng lợi đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trên con đường phát triển cách mạng Việt Nam, đưa đến việc ký kết Hiệp định Genève, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

 

Thắng lợi của kháng chiến chống Pháp với trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng Tháng Tám, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới. Miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và miền Nam tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, hoàn thành độc lập dân tộc, dân chủ và thống nhất đất nước.

 

Lý giải nguyên nhân quân đội viễn chinh Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ, Tướng Henri Navarre thú nhận: “Quân viễn chinh Pháp không những phải chống chọi với một đội quân chính quy mà còn phải đương đầu với cả một dân tộc”(2).

 

Nhà sử học Mỹ Berna Fol cũng đánh giá rằng: “Điện Biên Phủ vừa là một thất bại chính trị hết sức nặng nề, vừa là một thất bại quân sự vô cùng thảm hại. Vì đó là lần đầu tiên cường quốc thực dân bị một nước thuộc địa đánh bại”(3).

 

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đóng góp kinh nghiệm quý giá vào kho tàng lý luận giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta. Đây cũng là nguồn lực quan trọng để nhân dân ta tiến lên hoàn thành thắng lợi sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước; xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc sau này.

 

Bài học chiến thắng Điện Biên Phủ là sẵn sàng xả thân vì nước, đạp bằng mọi gian khổ, chiến đấu kiên cường, dũng cảm và mưu trí, sáng tạo vì độc lập, tự do của Tổ quốc, mãi mãi có tính thời sự trong thời đại đất nước hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới hiện nay.

 

Phát huy tinh thần chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong bối cảnh mới, chúng ta cần tiếp tục đổi mới tư duy, tạo bước đột phá về lý luận và chính sách để phát triển bền vững. Tập trung nghiên cứu, tổng kết, dự báo chính xác những vấn đề mới nảy sinh; nhận thức, luận giải thấu đáo, giải quyết trúng và đúng các yêu cầu cần thiết của sự nghiệp đổi mới. Cần nêu cao hơn nữa tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

 

Kỷ niệm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, tưởng nhớ đến công lao của Đảng, Bác Hồ; tri ân những đồng chí, đồng đội và đồng bào đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và hòa bình, dân chủ thế giới. Chúng ta tự hào về những thành tựu to lớn đã đạt được trong công cuộc đổi mới. Sức mạnh Việt Nam làm nên chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” đã nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước, niềm tự tôn dân tộc và khơi nguồn những động lực mới cho sự phát triển của đất nước.

 

Tất cả chúng ta nguyện đồng tâm nhất trí, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, khát vọng hòa bình; tiếp tục đổi mới sáng tạo, ra sức thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác, chiến đấu, giành thêm nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước trên con đường chủ nghĩa xã hội.

 

----------------------------------

(1)-Thép Mới, Từ Điện Biên Phủ đến 30-4, NXB TP HCM, 1985, tr. 43.

(2)- Henri Navarre: Đông Dương hấp hối, NXB. Plong, Paris, 1958, Bản dịch của Viện Sử học

(3)-F.Engels (1974), Tuyển tập luận văn quân sự, QĐND, HN, tr. 165.

 

NGUYỄN VĂN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek