Thứ Sáu, 18/10/2024 13:19 CH
Nhớ mãi kỷ niệm lần đầu được gặp đại tướng Lê Đức Anh
Thứ Sáu, 26/04/2019 06:58 SA

Nguyên Chủ tịch Lê Đức Anh

Trước ngày miền Nam giải phóng, tôi hoàn toàn chưa biết đến tên ông - Lê Đức Anh - nhưng sau ngày giải phóng, qua sách báo tôi mới biết vị danh tướng này trước đó đã làm chính quyền và quân đội Sài Gòn khiếp sợ biết chừng nào!

 

Trên báo chí Sài Gòn vào những năm 1973-1974, chính quyền Sài Gòn thường lu loa rằng “Việt cộng vi phạm Hiệp định Paris 1973, nhất là ở Chương Thiện, U Minh…”. Đó là chúng muốn nói đến những trận đánh tận sào huyệt kẻ thù của bộ đội Quân khu 9 thuộc quyền chỉ huy của Tư lệnh Sáu Hòa (bí danh của đồng chí Lê Đức Anh lúc ấy) gây cho địch những tổn thất nặng nề.

 

Những ngày cuối tháng 4/1975, lúc đó tôi được giao tổ chức một bộ phận nổi dậy tại quận 5 Sài Gòn. Tôi thấy quân địch bị dồn ép từ các nơi về Sài Gòn tập trung một số lượng lớn binh lính và xe pháo ở quận 5 nhằm chạy về miền Tây theo quốc lộ 4 (tức là phần quốc lộ 1 từ TP Hồ Chí Minh đi Cà Mau ngày nay) với âm mưu co cụm để “Tử thủ miền Tây”.

 

Nhưng âm mưu này không thực hiện được do quốc lộ 4 bất ngờ bị một cánh quân của bộ đội ta như lưỡi dao thép chọc ngang tại Long An và khóa chặt, làm cho quân địch không thoát được về miền Tây nên mất ý chí chiến đấu và rã ngũ tại chỗ. Sau này, tôi mới biết cánh quân đó là Đoàn 232 mà người chỉ huy là tướng Lê Đức Anh - một vị tướng chiến trường nổi danh bách chiến bách thắng. Từ đó, tôi tìm hiểu thêm về ông và luôn mong có dịp được gặp vị tướng huyền thoại này.

 

Mãi đến hơn 10 năm sau ngày giải phóng, tôi mới có dịp được gặp mặt ông lần đầu, nhưng không phải tại Việt Nam mà trên đất bạn Campuchia. Số là cuối quý I/1985, tôi được Tỉnh ủy Phú Khánh phân công tham gia Đoàn Chuyên gia giúp bạn K tại tỉnh Stung Treng, làm chuyên gia nông nghiệp dài hạn thuộc biên chế của Tổng đoàn Chuyên gia Việt Nam tại Campuchia.

 

Thời ấy, đất nước ta còn khó khăn lắm, mà nước bạn Campuchia đang bắt đầu hồi sinh nên càng khó khăn hơn. Chuyên gia giúp bạn thời ấy chỉ được cấp một ít sinh hoạt phí, ở một tỉnh miền núi như Stung Treng thì thiếu thốn trăm bề, không có phương tiện liên lạc, muốn gửi thư về nhà phải chờ vài tháng có xe của đoàn về nước mới gửi được.

 

Vật dụng thân thuộc hàng ngày là chiếc radio nhỏ và khẩu súng K59 (do đoàn cấp). Nhiệm vụ của tôi lúc bấy giờ là căn cứ tình hình thực tiễn của bạn, giúp bạn xây dựng bộ máy của Ty Nông lâm nghiệp, xây dựng các giải pháp quản lý ngành nông lâm nghiệp và hướng dẫn về công tác quản lý ngành.

 

Do vậy, ngoài việc hàng ngày bố trí thời gian đến Ty Nông lâm nghiệp để hướng dẫn bạn giải quyết một số công việc chuyên môn, còn cần tìm hiểu về đội ngũ cán bộ để giúp xây dựng tổ chức Đảng Nhân dân Cách mạng (tức Đảng Nhân dân ngày nay) và hàng tuần tổ chức đi thực tế xuống huyện, xã nắm tình hình, tất nhiên là chỉ đối với các xã đảm bảo an ninh.

 

Sau mấy tháng ổn định công việc, đến tháng 9/1985, tôi được Tổng Đoàn Chuyên gia triệu tập về Phnôm Pênh để dự một lớp tập huấn về các nội dung và phương pháp giúp bạn K trong giai đoạn mới. Thời đó, đường sá đi lại khó khăn lắm.

 

Theo đường 13 về Krachê trên đất bạn không đảm bảo an ninh, nên phải đi xe Uaz ngược về cửa khẩu Đức Cơ sang Việt Nam, vòng vào TP Hồ Chí Minh để lên Tây Ninh qua cửa khẩu Mộc Bài để sang đất bạn về Phnôm Pênh. Một chuyến đi như thế mất 3 ngày đường.

 

Tôi nhớ lúc ấy TP Phnôm Pênh còn hoang vắng lắm, trụ sở của Tổng Đoàn Chuyên gia ở gần đường Mao Trạch Đông, xem như thuộc khu vực gần trung tâm nhưng cũng cảm thấy quạnh hiu, muốn tìm chỗ ăn tô hủ tíu Nam Vang cũng mất nửa giờ đi bộ.

 

Lớp tập huấn chuyên gia được tổ chức trong thời gian 10 ngày, nội dung khá phong phú: từ việc nghiên cứu khái quát về đất nước và con người, lịch sử, phong tục của nước bạn, đến thực trạng kinh tế, xã hội, thực tế chiến trường K, về những vấn đề quốc tế liên quan nước bạn, phương pháp chuyên gia, một số chủ trương lớn của phía ta và phía bạn…

 

Báo cáo viên là các đồng chí thành viên Ban lãnh đạo của Tổng Đoàn Chuyên gia, trong đó có 6-7 đồng chí lúc đó đang là Ủy viên Trung ương, còn lại đều là cấp Thứ trưởng. Sáng ngày cuối của chương trình tập huấn, tôi và các học viên được nghe giới thiệu đại tướng Lê Đức Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Tư lệnh Chiến trường K, Trưởng Ban lãnh đạo Tổng Đoàn Chuyên gia sẽ nói chuyện với cả lớp về thực trạng tình hình chiến trường K, phương pháp tổ chức làng (phum) tự chiến đấu và những chủ trương mới của Bộ Chính trị ta liên quan công tác giúp bạn K.

 

Tôi ngồi ở hàng ghế thứ hai, gần sát bục giảng, chưa kịp ổn định thì thấy bên cánh gà có một đồng chí rất cao lớn bước nhanh vào đứng trên bục giảng, làm rung cả bục giảng. Đó là đại tướng Lê Đức Anh - vị tướng huyền thoại mà tôi ngưỡng mộ và luôn mong có lần được gặp - đang đứng trên bục giảng trước mặt tôi.

 

Ông cao lớn, chắc cũng hơn 1m85, dáng nhanh nhẹn, khỏe mạnh của một người theo con đường binh nghiệp, mái tóc muối tiêu, mắt nhìn thẳng xuống các học viên (lúc đó chúng tôi đều biết ông hỏng một mắt nên không ai ngạc nhiên khi thấy một phía mắt không linh hoạt, nhưng con mắt còn lại thì rất sáng và có uy).

 

Bằng chất giọng Huế có hơi pha, ấm áp, ông chào hỏi và động viên các chuyên gia từ các tỉnh, các quân khu vượt mọi khó khăn nguy hiểm để về dự lớp và ông cũng khen ngợi các chuyên gia đã vì nhiệm vụ quốc tế của Đảng phải xa Tổ quốc, xa gia đình, thực hiện lời kêu gọi “giúp bạn là tự giúp mình” của Trung ương.

 

Sau đó, ông khái quát về tình hình chiến trường K sau chiến thắng tại biên giới KPC - Thái Lan trong mùa khô 1984-1985, kết quả của công trình K8 theo chủ trương chung của phía bạn và ta, về việc chuyển hình thái chiến tranh du kích của phía Pôn Pốt và chủ trương xây dựng làng tự chiến đấu. Ông dặn dò: không phải chỉ chuyên gia quân sự, an ninh mới tham gia xây dựng làng tự chiến đấu mà mọi chuyên gia đều phải tham gia theo góc cạnh chuyên môn của mình, vì nếu ở cơ sở bị Khơ Me đỏ quấy phá không yên ổn, thì công tác chuyên gia giúp bạn sẽ không có tác dụng gì.

 

Ông cũng phân tích chủ trương mới của Bộ Chính trị là phải sớm hoàn thành công việc giúp bạn, để bạn tự chủ hơn và ta cũng từ đó thoát khỏi việc bị bao vây cấm vận. Muốn vậy, theo ông, phải tập trung chuyển ngay, chuyển dứt khoát từ phương châm “ta giúp, bạn làm” trước nay sang phương châm “bạn làm, ta giúp”, phải tin tưởng bạn và tuyệt đối không can thiệp vào việc quản lý cụ thể của bạn, cái gì mà phía bạn chưa có kinh nghiệm hỏi ta thì chỉ gợi ý cách làm nhưng không bắt buộc.

 

Thực hiện càng nhanh thành công theo phương châm này thì sau 4-5 năm nữa hoàn toàn có thể yên tâm rút đi, bạn tự lực giải quyết được công việc nước bạn, ta mới có thể xóa đi lý do mà các thế lực thù địch nêu ra nhằm bao vây cấm vận ta.

 

Ông phân tích các vấn đề một cách đơn giản, dễ hiểu, dẫn từ các chủ trương lớn xuống đến các phương pháp, phương châm cụ thể, khái quát được toàn bộ yêu cầu của cả chương trình tập huấn, đã làm cho chúng tôi hiểu rõ vấn đề hơn.

 

Trong thời gian giải lao giữa buổi, tôi đang do dự tìm cách nào để được trực tiếp nói chuyện cùng ông vì lúc đó đang có mấy đồng chí thành viên Ban lãnh đạo tổng đoàn vây quanh trao đổi cùng ông, thì chợt ông nhìn sang phía tôi và chủ động bước đến hỏi một cách vui vẻ: “Đồng chí chuyên gia trẻ này đang công tác ở đâu?”. Tôi báo cáo ông: “Thưa bác, cháu đang làm chuyên gia nông nghiệp tại tỉnh Stung Treng”.

 

Ông hỏi kỹ về tình hình ở Stung Treng, sau đó ân cần hỏi thăm về gia đình tôi và gửi lời thăm đến gia đình, nhất là với ba tôi mà theo như ông nói là thăm “người bạn già hai thời kỳ chiến đấu”, làm tôi rất xúc động. Chắc là thấy tôi quá gầy nên ông dặn tôi phải chú ý chăm lo sức khỏe, để “có sức mà công tác cách mạng lâu dài”. Tình cảm chân tình, thân mật của ông giống như một bậc cha chú đang dặn dò con cháu mình.

 

Ông nói với tôi: “Stung Treng và các tỉnh Đông Bắc là quê hương đồng chí Bu Thoong và cũng là cái nôi của cách mạng Campuchia, dân có cảm tình với cách mạng Việt Nam. Nhưng do điều kiện địa lý nên sản xuất khó khăn, đời sống nhân dân còn khổ lắm, trình độ dân trí thấp nên sẽ bị Pôn Pốt lừa gạt do đó phải giúp bạn làm tốt công tác tư tưởng và chỉ đạo sản xuất tốt”. Ông còn dặn: “Phải sớm triển khai phương châm “bạn làm, ta giúp”. Muốn vậy phải xây dựng được sớm chi bộ Đảng và nhất thiết không can thiệp vào việc điều hành thường xuyên của bạn, kể cả việc sắp xếp cán bộ…”.

 

Tôi ghi nhớ lời dặn của ông, sau lớp tập huấn về lại Stung Treng, tôi đổi ngay phương pháp công tác chuyên gia tại Ty Nông lâm nghiệp. Mỗi tuần tôi chỉ đến ty 3 buổi với những bài giảng về chuyên ngành với lãnh đạo ty và phòng có liên quan, không can thiệp vào việc điều hành, nếu bạn có gì không rõ muốn hỏi, thì đến Đoàn Chuyên gia cùng tôi trao đổi một số cách làm và bạn tự giải quyết.

 

Tôi cũng tập trung giúp theo dõi phát triển đảng viên Nhân dân Cách mạng (lúc tôi mới sang, cả ty chỉ có một đảng viên là trưởng ty), phát triển thêm được 2 đảng viên mới, đến tháng 5/1986 lập được Chi bộ Đảng Nhân dân Cách mạng tại Ty Nông lâm nghiệp. Nhờ đó được Trưởng đoàn (bấy giờ là đồng chí Huỳnh Trúc) biểu dương là hoàn thành nhiệm vụ sớm và đề xuất với Tổng Đoàn Chuyên gia và Tỉnh ủy Phú Khánh cho tôi về sớm trước 1 năm so với thời hạn 3 năm như quyết định lúc giao nhiệm vụ.

 

Những năm sau này, khi được bầu làm ĐBQH khóa VIII, XIII, làm đại biểu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, IX, X và tham gia BCH Trung ương khóa X, XI, tôi có nhiều dịp được gặp đồng chí Lê Đức Anh, nhưng ấn tượng lần đầu tiên được gặp ông tại Campuchia vẫn là sâu sắc nhất, nhất là tình cảm ân cần, chân tình của ông dành cho một cán bộ cấp dưới tuổi con cháu như tôi làm tôi mãi mãi không quên.

 

Tôi kể lại kỷ niệm này với mong muốn được xem như một nén hương thắp lên thành kính vĩnh biệt ông. Dù ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng nhưng trong lòng tôi cũng như nhiều thế hệ người Việt Nam thì đại tướng Lê Đức Anh, vị tướng chiến trường bách chiến bách thắng huyền thoại, vị Chủ tịch nước trong giai đoạn đầy khó khăn của đất nước đã sát cánh cùng tập thể lãnh đạo xông pha phá thế bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, đưa đất nước hội nhập và nâng cao vị thế trên trường quốc tế, sẽ luôn sống mãi cùng non sông, đất nước.

 

ĐÀO TẤN LỘC

Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek