Thứ Bảy, 19/10/2024 02:33 SA
Dấu ấn Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (2010-2015)
Thứ Năm, 21/03/2019 07:00 SA

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XV được tổ chức tại Nhà văn hóa Diên Hồng, TP Tuy Hòa từ ngày 14-17/9/2010 với sự tham dự của 330 đại biểu đại diện hơn 29.260 đảng viên.

 

Tham dự đại hội còn có các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Tỉnh ủy viên các khóa; các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; đại diện các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đơn vị và cá nhân Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động. Đến dự đại hội còn có các đồng chí lãnh đạo của 3 tỉnh bạn Khánh Hòa, Bình Định và Gia Lai. Về dự và chỉ đạo đại hội có đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và các đồng chí đại diện các ban của Trung ương Đảng.

 

 

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV có nhiệm vụ: kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ qua, khẳng định những thành tựu, ưu điểm, phân tích nguyên nhân của những khuyết điểm, yếu kém và những bài học kinh nghiệm; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho toàn Đảng bộ trong 5 năm nhiệm kỳ XV (2010-2015).

 

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đánh giá toàn diện, cụ thể những thành tựu đạt được cũng như các mặt tồn tại, khuyết điểm sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

 

Trong lĩnh vực kinh tế: Nền kinh tế tiếp tục có bước tăng trưởng khá, tốc độ GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 12,3%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 15,6 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đến cuối năm 2010, tỉ trọng các ngành trong cơ cấu GDP dự kiến như sau; công nghiệp - xây dựng chiếm 34,9%; dịch vụ chiếm 36,4% nông - lâm - thủy sản chiếm 28,7%.

 

Về thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; mạng lưới trường lớp đã đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, chất lượng giáo dục ở các cấp học có tiến bộ, cơ sở vật chất, thiết bị trường học được tăng cường; hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ có tiến bộ, chất lượng các đề tài, dự án được nâng lên; giải quyết việc làm mới cho 126.370 lao động, tỉ lệ thất nghiệp thành thị giảm từ 5,5% năm 2005 xuống còn 4,8% năm 2010, tỉ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn đến năm 2010 đạt 85%; công tác xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công và xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ở các địa phương; mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở từng bước được củng cố và phát triển, có nhiều cơ sở y tế tư nhân tham gia chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình được tăng cường; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng được quan tâm; các hoạt động văn hóa, lễ hội phát triển đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung; phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được chú trọng, tính đến năm 2010 ước có 80% số gia đình, 70% thôn, buôn, khu phố và 85% cơ quan được đẩy mạnh; chất lượng báo chí, phát thanh, truyền hình ngày càng được nâng lên.

 

Quốc phòng - an ninh được tăng cường, chú trọng xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, gắn thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các “điểm nóng”, các vụ gây rối được giải quyết cơ bản, kịp thời, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát động sâu rộng.

 

Công tác nội chính; tổ chức và hoạt động các cơ quan tư pháp trong tỉnh tiếp tục được đổi mới theo chủ trương cải cách tư pháp của Bộ Chính trị. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được phối hợp chặt chẽ, đúng pháp luật. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

 

Công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh. Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng tỉnh - cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng bước đầu hoạt động có kết quả.

 

Về công tác vận động quần chúng; công tác tuyên truyền giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước cho các tầng lớp nhân dân được tăng cường. Hệ thống tổ chức Mặt trận, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Công đoàn, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh được củng cố, kiện toàn. Các cuộc vận động xây dựng cơ sở, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, thực hiện dân chủ ở cơ sở, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, cứu trợ xã hội, nhân đạo từ thiện, phối hợp xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân… được đẩy mạnh, đạt kết quả thiết thực.

 

Về xây dựng tổ chức bộ máy và hoạt động của Nhà nước; bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn và từng bước đổi mới hoạt động theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động của HĐND các cấp ngày càng được cải tiến; chất lượng các kỳ họp, quyết định của HĐND được nâng cao. Việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, tiếp xúc cử tri của các đại biểu HĐND triển khai nghiêm túc. Hoạt động của UBND các cấp có chuyển biến, năng lực, hiệu quả quản lý được thực hiện đạt kết quả bước đầu.

 

Công tác tổ chức xây dựng Đảng: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được tăng cường, đổi mới. Công tác tổ chức, xây dựng Đảng có nhiều tiến bộ, công tác cán bộ đã bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới; nhận xét, đánh giá phân loại cán bộ hàng năm được thực hiện đúng quy trình, chặt chẽ. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, gắn nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ, chỉ đạo xử lý cơ bản các vụ việc nổi cộm còn tồn đọng ngay từ đầu nhiệm kỳ và thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của cấp ủy hàng năm.

 

Về những khuyết điểm, yếu kém, báo cáo chính trị nêu rõ: Nền kinh tế có phát triển khá, nhưng quy mô nền kinh tế nhỏ, cơ cấu kinh tế giữa các ngành, lĩnh vực chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm, kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội được đầu tư tăng nhiều, nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển; công tác xóa đói giảm nghèo còn có mặt hạn chế, tình trạng tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới ở một số vùng khó khăn có chiều hướng gia tăng; chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền còn có sự chênh lệch, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân còn thấp, thiết chế văn hóa cơ sở còn thiếu thốn, nhưng chưa được quan tâm; việc kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an ninh - quốc phòng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; cải cách tư pháp có mặt chưa tập trung, thiếu đồng bộ; công tác điều tra, truy tố, xét xử có mặt còn hạn chế, cải cách thủ tục hành chính hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn xảy ra nhưng giải quyết chưa triệt để; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền trên một số lĩnh vực còn lúng túng, không kịp thời, một số vụ việc xử lý thiếu chặt chẽ, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị có tiến bộ, nhưng còn chậm; hoạt động của hệ thống chính trị ở một số địa phương, cơ sở còn yếu; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên còn hạn chế; chất lượng sinh hoạt một số chi bộ chưa đạt yêu cầu, tự phê bình và phê bình còn yếu, công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ.

 

Từ những việc làm được, chưa được trong nhiệm kỳ 2005-2010, Báo cáo chính trị rút ra 5 bài học kinh nghiệm:

 

Một là, xác định đúng vấn đề trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện tốt các chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong việc ổn định và phát triển tỉnh nhà.

 

Hai là, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải có quyết tâm lớn; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhất là những vấn đề mới vì lợi ích chung, thúc đẩy cải cách hành chính mạnh mẽ, từ đó vừa tạo ra sức mạnh khơi dậy được nội lực ở địa phương vừa tranh thủ được sự giúp đỡ của Trung ương và thu hút các nguồn đầu tư từ bên ngoài vào tỉnh.

 

Ba là, trong xây dựng Đảng phải luôn chăm lo xây dựng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đặc biệt là bảo đảm sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Trước hết phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, phát huy trí tuệ của tập thể, nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân.

 

Bốn là, quan tâm chăm lo công tác xây dựng cơ sở, chú trọng xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nhất là cơ sở xã, phường, thị trấn ngày càng vững mạnh, tạo chuyển biến thực sự trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

 

Năm là, phải luôn nắm vững quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, không ngừng phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong việc tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh.

 

Báo cáo chính trị nhận định trong 5 năm tới (2010-2015) là giai đoạn có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, mục tiêu và phương hướng tổng quát của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên trong 5 năm 2010-2015 được xác định là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa Phú Yên phát triển nhanh và bền vững phấn đấu đạt mức bình quân chung của cả nước; tạo đà để đến 2020, Phú Yên cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp.

 

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang trao Huân chương Hồ Chí Minh cho tỉnh Phú Yên tại lễ Kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển (ngày 1/4/2011) - Ảnh: MINH KÝ

 

Để hoàn thành mục tiêu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà trong nhiệm vụ chủ yếu của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2010-2015, báo cáo chính trị đã đưa ra 10 giải pháp để chỉ đạo thực hiện như sau:

 

Một, tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện 3 nhiệm vụ có tính đột phá; xây dựng hoàn thành kết cấu hạ tầng khu kinh tế Nam Phú Yên giai đoạn 1 và một số công trình giao thông quan trọng; tạo một bước chuyển biến trong việc thực hiện mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững trong nông nghiệp và nông thôn; đầu tư phát triển nguồn nhân lực.

 

Hai, tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch trên các lĩnh vực, nhất là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển sản phẩm, ngành, lĩnh vực gắn xây dựng quy hoạch với xây dựng các cơ chế chính sách để tổ chức thực hiện quy hoạch.

 

Ba, tiếp tục triển khai thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến việc tạo lập và vận hành đồng bộ, có hiệu quả các loại thị trường, tập trung vào các thị trường hàng hóa và dịch vụ, thị trường bất động sản, lao động, tài chính và khoa học công nghệ.

 

Bốn, tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho quá trình phát triển.

 

Năm, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, cải thiện môi trường kinh doanh;

 

 

Sáu, gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội;

 

Bảy, tiếp tục nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước;

 

Tám, đẩy mạnh công tác dân vận, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động xây dựng cơ sở;

 

Chín, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;

 

Mười, không ngừng xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức;

 

Đại hội đã bầu ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2010-2015, gồm 55 đồng chí: Đào Tấn Lộc, Huỳnh Tấn Việt, Lê Nhường, Phạm Đình Cự, Trần Quang Nhất, Lê Văn Trúc, Nguyễn Ngọc Ẩn, Nguyễn Hữu Hiệp, Lương Mộng Sanh, Nguyễn Văn Tân, Lương Minh Sơn, Nguyễn Ngọc Thọ, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thành Long, Lê Minh, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Hồng Vân, Nguyễn Thị Minh Hiền, Cao Thị Hòa An, Lê Tấn Hổ, Võ Minh Thức, Trần Hữu Thế, Phan Đình Phùng, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Hữu Thọ, Hà Trung Kháng, Lê Hoàng Sang, Đào Bảo Minh, Lê Đủ, Trần Văn Cư, Hồ Văn Tiến, Ngô Bá Lánh, Biện Minh Tâm, Nguyễn Như Thức, Đặng Lê Tiến, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Thành Trí, Đào Tấn Cam, Lê Thanh Phương, Phạm Văn Cường, Nguyễn Phất, Phan Vũ Nhân, Trần Văn Khoa, Nguyễn Trọng Huyền, Nguyễn Đình Triết, Nguyễn Bá Nhiên, Nguyễn Hữu Phúc, Đặng Thị Kim Chi, Phạm Thanh Phong, Huỳnh Văn Tuyến, Lê Văn Phước, Ngô Đức Toàn, Trương Phước Cường và đồng chí Lê Văn Trương.

 

Đại hội đã bầu 14 đồng chí đại biểu chính thức: Phạm Đình Cự, Phạm Văn Hóa, Nguyễn Ngọc Thọ, Vũ Văn Phúc, Nguyễn Đình Triết, Nguyễn Văn Tân, Bá Thanh Kia, Võ Minh Thức, Nguyễn Xuân Chiến, Trịnh Thị Nga, Huỳnh Tấn Việt, Lê Văn Trúc, Lê Kim Anh, Y Thông và 1 đồng chí đại biểu dự khuyết: Nguyễn Thanh Tra thay mặt cho Đảng bộ đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

 

Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 1 (khóa XV) họp vào ngày 16/9/2010. Nội dung: Bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy.

 

Hội nghị đã bầu 15 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Đào Tấn Lộc, Huỳnh Tấn Việt, Phạm Đình Cự, Nguyễn Ngọc Thọ, Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Đình Triết, Phạm Văn Hóa, Võ Minh Thức, Lương Minh Sơn, Lê Văn Trúc, Trần Quang Nhất, Y Thông, Cao Thị Hòa An, Trần Hữu Thế; đồng chí Đào Tấn Lộc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tái đắc cử chức Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy: Huỳnh Tấn Việt, Phạm Đình Cự; bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy hồm 14 đồng chí (9 chuyên trách, 3 kiêm chức), đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, các ủy viên: Lương Minh Sơn, Lê Minh, Nguyễn Phi Trung, Mai Hắc Lợi, Hồ Văn Khoái, Nguyễn Văn Bính, các ủy viên kiêm chức: Huỳnh Văn Tuyển, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Hồng Vân. Tháng 9/2010, đồng chí Lương Minh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thay đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp luân chuyển làm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

 

Tháng 3/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định luân chuyển phân công đồng chí Hoàng Văn Trà, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2010-2015, giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy.

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân tỉnh ta đã tiếp tục phấn đấu, giành được nhiều thành tựu rất quan trọng và tương đối toàn diện. Nền kinh tế của tỉnh phát triển ổn định và đạt mức tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển đáng kể; một số dự án lớn đang được triển khai, sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh. Bộ mặt nông thôn, miền núi, các đô thị có nhiều đổi mới, khởi sắc. Văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Dân chủ xã hội và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều tiến bộ. 

 

PHAN THANH BÌNH - ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek