Ngày 19/11/1989, nhân dân Phú Yên đi bầu HĐND 3 cấp, trong đó HĐND tỉnh được bầu 60 đại biểu tại 23 tổ bầu cử. Nhân dân đã lựa chọn những đại biểu thay mặt mình đứng vào bộ máy Nhà nước để điều hành công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn sau khi tỉnh tái lập còn nhiều khó khăn, thử thách.
Đồng chí Huỳnh Trúc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 1989-1994 (trái) và đồng chí Nguyễn Tường Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 1989-1994 (phải) - Ảnh: TƯ LIỆU |
Từ ngày 10-12/12/1989, HĐND tỉnh (khóa II) nhiệm kỳ 1989-1994 họp kỳ họp thứ nhất. HĐND tỉnh bầu thường trực HĐND tỉnh gồm 3 đồng chí: Huỳnh Trúc, Chủ tịch HĐND; Nguyễn Thị Miễn, Phó Chủ tịch HĐND và Nguyễn Hoàng Hạnh, Thư ký HĐND. Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND cũng bầu các ban của HĐND tỉnh. Ban Pháp chế HĐND gồm 5 thành viên do ông Hoàng Công Chạm làm trưởng ban; Ban Văn hóa - xã hội HĐND có 8 thành viên do ông Nguyễn Sĩ Dư làm trưởng ban; Ban Kinh tế, Kế hoạch và Ngân sách HĐND có 8 thành viên do ông Hồ Văn Hòa làm trưởng ban.
HĐND tỉnh nhiệm kỳ 1989-1994 có vị trí đặc biệt, là nhiệm kỳ đầu tiên có cơ quan Thường trực HĐND tỉnh. Thường trực HĐND giữ vai trò quan trọng trong việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND, phát huy chức năng HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương theo luật định. HĐND tỉnh đã thể chế các nội dung đường lối đổi mới mà Nghị quyết Đại hội VI, VII của Đảng Cộng sản Việt Nam và các nghị quyết của Tỉnh ủy Phú Yên đề ra; cụ thể hóa các nghị quyết của Quốc hội, nghị định, chỉ thị của Chính phủ thành các nghị quyết của HĐND tỉnh vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương.
Một số nghị quyết của HĐND tỉnh có ý nghĩa tích cực góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc của địa phương và khơi dậy phong trào quần chúng như: nghị quyết sử dụng tiền miễn thuế nông nghiệp theo Di chúc của Bác Hồ đưa điện về nông thôn huyện Tuy Hòa và TX Tuy Hòa, nghị quyết về cấp đất ở đô thị Tuy Hòa, nghị quyết về lập quỹ đền ơn đáp nghĩa, nghị quyết tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt và bão năm 1993… được nhân dân hoan nghênh. HĐND tỉnh ra Nghị quyết ban hành quy định hành vi vi phạm hành chính và mức xử phạt. Đây là nghị quyết thể hiện sự sáng tạo của HĐND tỉnh dựa vào tình hình thực tế địa phương, đã ban hành trước khi có quy định của Hội đồng Bộ trưởng. Về sau đối chiếu nội dung các quy định của HĐND tỉnh phù hợp với quy định của Chính phủ.
Hoạt động giám sát, kiểm tra của HĐND tỉnh đã góp phần giải quyết các vụ việc tiêu cực, vi phạm về quản lý đất đai, kinh tế tài chính, quyền dân chủ và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong hoạt động giám sát, kiểm tra, HĐND tỉnh dựa vào Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các cơ quan bảo vệ pháp luật và sự ủng hộ của nhân dân. Do đó, các kết luận, kiến nghị của HĐND tỉnh qua giám sát, kiểm tra mang tính khách quan và chính xác.
Giai đoạn 1989-1994 là thời kỳ diễn ra công cuộc đổi mới đất nước được tiến hành sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Cử tri trong tỉnh thường xuyên quan tâm bày tỏ ý kiến, nguyện vọng trong nhiều vấn đề kinh tế - xã hội và chính sách như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, miền núi, đô thị; phát triển kinh tế nhiều thành phần, mở rộng giao lưu mua bán, hình thành mạng lưới thương nghiệp đa dạng rộng khắp, hàng hóa lưu thông phân phối trong và ngoài nước ngày càng phong phú… Đại biểu HĐND tỉnh thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri đã lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri để phản ánh cho HĐND và các cấp có thẩm quyền để giải quyết. Đại đa số ý kiến cử tri đều phấn khởi, tin tưởng và đồng tình ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng bộ và chính quyền tỉnh.
Nhìn tổng thể, HĐND tỉnh nhiệm kỳ 1989-1994 đã làm tốt nhiệm vụ trong 21 kỳ họp, đã thông qua 29 nghị quyết, trong đó có 14 nghị quyết chuyên đề đề cập đến nhiệm vụ, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương, phòng chống tham nhũng… Các chủ trương của Chính phủ và chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy được cụ thể hóa trong tổ chức thực hiện khá rõ ràng và sáng tạo, mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Thực hiện chức năng quyết định và chức năng giám sát, qua các kỳ họp, HĐND tỉnh đã có các nghị quyết về những chủ trương và biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của tỉnh, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh - quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh. Đây là nhiệm kỳ đầu tiên Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định thành lập cơ quan Thường trực HĐND. Hoạt động đôn đốc, kiểm tra của Thường trực HĐND cùng với hoạt động giám sát của các ban HĐND và đại biểu HĐND trong tỉnh trong nhiệm kỳ đã thúc đẩy UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo, điều hành việc thực hiện các nghị quyết HĐND, cũng như việc chấp hành pháp luật và thực hiện các quy định của các cơ quan nhà nước cấp trên làm cho các nghị quyết của HĐND và các chủ trương, chính sách của cấp trên được thực thi có hiệu quả, đi vào cuộc sống. Việc thực thi tổ chức cơ quan thường trực HĐND, các ban HĐND theo luật mới đã góp phần khắc phục có hiệu quả tính hình thức, hoạt động HĐND đạt hiệu quả tốt hơn.
Tại kỳ họp thứ nhất của HĐND tỉnh khóa II (ngày 12/12/1989), HĐND tỉnh đã bầu đồng chí Nguyễn Tường Thuật làm Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí Bùi Sơn Hải, Nguyễn Thành Quang, Trần Minh Mạch và Nguyễn Thị Nhơn được bầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Các đồng chí Đào Tấn Lộc, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh; Nguyễn Ngọc Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp; Trần Văn Mười, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Phan Đắc Tổng, Quyền Giám đốc Công an tỉnh; Hoàng Tự Điển, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH; Nguyễn Cúc, Giám đốc Sở Thủy sản; Trần Đắc Nhị, Giám đốc Sở Tài chính; Lê Mao, Giám đốc Sở Thủy lợi; Trần Nhật Thăng, Giám đốc Sở Y tế; Đỗ Vĩnh Tân, Giám đốc Nhà máy đường Đồng Bò được bầu làm Ủy viên UBND tỉnh.
Ngày 10/1/1990, UBND tỉnh họp và phân công đồng chí Nguyễn Tường Thuật phụ trách kế hoạch - ngân sách - nội chính và miền núi; đồng chí Trần Minh Mạch phụ trách khối văn xã - nhà đất - quy hoạch - xây dựng - thi đua và Văn phòng UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thành Quang phụ trách khối sản xuất nông - công nghiệp; đồng chí Bùi Sơn Hải phụ trách khối lưu thông phân phối kiêm Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu; đồng chí Nguyễn Thị Nhơn phụ trách khối kinh tế tổng hợp, trực tiếp phụ trách ngành vật tư.
Văn phòng UBND tỉnh do ông Nguyễn Tài làm Chánh Văn phòng. Các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh có 30 sở, ban ngành…
UBND tỉnh nhiệm kỳ 1989-1994 đã định ra cơ chế làm việc và kế hoạch hoạt động thông qua các hội nghị giao ban hàng tuần và hội nghị chuyên đề với các bộ phận giúp việc và các sở, ban ngành trực thuộc. Ngoài ra, UBND tỉnh có quy chế hoạt động, xây dựng mối quan hệ hợp tác giải quyết công việc với các cơ quan đơn vị Trung ương đóng tại địa phương như điện lực, bưu điện, học viện ngân hàng… nhờ đó tạo mối quan hệ tốt trong hoạt động. Đối với các cơ quan thuộc Khối Nội chính như Viện KSND, TAND tỉnh, UBND tỉnh có lịch làm việc định kỳ thường xuyên từ 3-6 tháng/lần và tham gia ý kiến về hoạt động của cơ quan này. Trong mối quan hệ với MTTQ tỉnh và các đoàn thể như LĐLĐ, Hội Nông dân, Hội LHPN, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND tỉnh cũng có quy chế phối hợp hoạt động. Nhờ vậy đã phát huy được sức mạnh khối đoàn kết toàn dân trong nhiệm vụ xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh - quốc phòng. |
PHAN THANH - ĐÀO NHẬT KIM