Thực tế cuộc chiến tranh chống lại tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary kéo dài bao nhiêu năm? Từ năm 1972 khi chúng ta đang tập trung vào cuộc chiến tranh giải phóng Tổ quốc thì bọn Pol Pot - Ieng Sary đã bộc lộ bản chất phản động, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta, khơi ngòi cho cuộc chiến tranh kéo dài đến năm 1989 khi chiến tranh kết thúc, bộ đội tình nguyện Việt Nam rút về nước.
Lực lượng vũ trang của tỉnh An Giang trên trận địa đánh trả quân Pol Pot xâm lược năm 1978 - Ảnh: TL |
Đại tướng Phạm Văn Trà (nguyên Bộ trưởng Quốc phòng) khẳng định thực chất Pol Pot - Ieng Sary đã có những hoạt động chống phá ta từ năm 1972. "Năm 1972, tập đoàn giết hại nhiều người Campuchia vô tội và đánh chiếm biên giới nước ta. Sau hòa bình, Pol Pot - Ieng Sary đã ra Thổ Chu, Kiên Giang nói đưa gần 500 người dân vào đất liền, nhưng sau đó chúng giết chết hết rồi đánh đảo Phú Quốc"(1). Đến cuối năm 1976, các cuộc tiến công của quân Pol Pot vào lãnh thổ Việt Nam ngày càng tăng, quy mô ngày càng lớn, có nơi tiến sâu vào tới 15km (Kiên Lương, Kiên Giang), làm cho tình hình biên giới Tây Nam hết sức căng thẳng. Chỉ tính từ tháng 4/1975-6/1977, Pol Pot xâm phạm biên giới Việt Nam trên 2.000 lần, gây tổn thất hơn 4.000 người. Những cuộc tiến công của quân đội Pol Pot không phải là hành động bộc phát mà được chuẩn bị kỹ lưỡng, mang tính hệ thống, hành động tàn bạo.
Chiến tranh biên giới Tây Nam chính thức mở đầu bằng sự kiện ngày 30/4/1977, khi quân Pol Pot sử dụng lực lượng cấp sư đoàn và lực lượng địa phương các tỉnh biên giới, bất ngờ đồng loạt tiến công xâm lược toàn tuyến biên giới của tỉnh An Giang. Phạm vi không gian cuộc chiến tranh diễn ra trên địa bàn các tỉnh biên giới, nơi đối đầu trực tiếp giữa hai bên. Pol Pot luôn luôn tập trung lực lượng mạnh, thời điểm cao nhất lên đến 23 sư đoàn bộ binh cùng các quân binh chủng mạnh, lực lượng các quân khu và tỉnh trên tuyến biên giới giáp Việt Nam. Tổng số quân cao nhất lên đến 120.000 với nhiều loại vũ khí hiện đại.
Chia lửa cùng với quân dân cả nước, nhân dân Phú Yên đã có hàng ngàn lượt chiến sĩ, cán bộ chuyên gia tình nguyện sang nước bạn chiến đấu, giúp nhân dân, chính quyền cách mạng Campuchia giải phóng, xây dựng lại đất nước phồn vinh như ngày hôm nay. Có những người sau này trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao của tỉnh nhà như: đồng chí Đào Tấn Lộc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; đại tá Trần Văn Mười, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; Nguyễn Hồng Thái, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh; đại tá Phạm Lớp, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh… Xương máu, mồ hôi, nước mắt của những người con Phú Yên đổ xuống trên chiến trường nước bạn đã góp phần tô thắm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt ba nước Đông Dương nói chung và giữa Việt Nam và Campuchia nói riêng, đập tan âm mưu phá hoại cách mạng, chia rẽ tình đoàn kết lâu đời giữa ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương. |
Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước và nhân dân Campuchia, thực hiện đường lối quốc tế của Đảng, Chính phủ ta và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là tự giúp mình”, sau khi đánh bại âm mưu gây chiến tranh xâm chiếm Tổ quốc ta ở biên giới Tây Nam của Pol Pot, lực lượng ta chuyển thành đội quân tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế, giúp cách mạng và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, phối hợp chặt chẽ với lực lượng cách mạng Campuchia mở cuộc tiến công chiến lược trên khắp chiến trường Campuchia. Ngày 7/1/1979, thủ đô Phnôm Pênh được hoàn toàn giải phóng, chính phủ và quân đội Pol Pot tan rã tháo chạy, chế độ diệt chủng của Pol Pot sụp đổ. Không chỉ thực hiện quyền tự vệ, quân đội và nhân dân Việt Nam giúp người dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng của Pol Pot - được đánh giá là "tàn bạo và kỳ lạ nhất trong lịch sử loài người". Một cuộc chiến tranh đặc biệt và tàn khốc khi ở phía Pol Pot không có chế độ tù binh, ngược lại phía Việt Nam đã trả hàng vạn tù binh về quê làm ăn sinh sống. Thời điểm đó, bộ đội ai cũng hiểu rằng để lọt vào tay Pol Pot là chỉ có chết nên thường thủ cho mình một quả lựu đạn để sẵn sàng “cưa đôi”. Những gì mà khủng bố IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng) hôm nay làm thì Pol Pot đã làm từ lâu, không chỉ với bộ đội Việt Nam mà cả với người dân của chúng. Hàng triệu người Khmer chết dưới lưỡi liềm, cuốc, xẻng, búa, rìu của Pol Pot đã nói lên tất cả. Theo số liệu thống kê của Hội đồng Mặt trận đoàn kết xây dựng và bảo vệ tổ quốc Campuchia điều tra về tội ác của Pol Pot - Ieng Sary, từ năm 1975-1979, số người bị sát hại là hơn 2,7 triệu. Hàng ngàn trường học, bệnh viện, hàng trăm ngàn ngôi nhà bị phá hủy.
Bộ đội Việt Nam dựng lại nhà cho người dân Campuchia - Ảnh: TL |
Bộ đội Việt Nam đã cứu nguy cho dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, giúp nhân dân Campuchia hồi sinh. Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, sự giúp đỡ của Việt Nam với Campuchia trước nạn diệt chủng này là "trong sáng, vô tư, chí tình chí nghĩa". "Cùng với thời gian, sự giúp đỡ và tình đoàn kết giữa Việt Nam - Campuchia sẽ trở thành biểu tượng của tình đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng", thượng tướng Lê Chiêm nói (2).
Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng phát biểu: “Chúng tôi không bao giờ quên được hành động anh hùng và công ơn to lớn của quân tình nguyện Việt Nam. Đội quân nhà Phật không chỉ giúp quân đội Campuchia chiến đấu mà còn làm nhiều nhiệm vụ giúp nhân dân Campuchia hồi sinh. Công lao của cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam to lớn, không kể hết được. Có thể nói nếu không có sự giúp đỡ của quân đội và nhân dân Việt Nam, Campuchia không thể lớn mạnh như bây giờ”. Trong chuyến thăm Việt Nam ngày 4/1/2012, ông Hun Sen tiếp tục khẳng định: “Trên thế giới này, có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot? Câu trả lời chính là nhân dân và quân đội Việt Nam!”.
Vậy mà, ở cái thời điểm đó nhiều thế lực quốc tế đã hà hơi tiếp sức cho “cái xác thối” Pol Pot, kêu gào rằng: “Việt Nam xâm lược Camphuchia”. Và 30 năm sau, những chiến công chính nghĩa của cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam một lần nữa được minh chứng khi nhiều thành viên của chính quyền quái thai Khmer Đỏ đã bị Liên Hợp Quốc đưa ra xét xử về tội ác chống lại loài người… Khẳng định, không phải vô cớ mà nhân dân Campuchia gọi quân tình nguyện Việt Nam là “Đội quân nhà Phật”.
Là người lính tình nguyện đã trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường nước bạn, trực tiếp chứng kiến sự tàn phá của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary và nhận thấy sự hồi sinh của dân tộc, nhân dân Camppuchia hôm nay, tôi luôn tự hào về những đóng góp nhỏ bé của mình vào sự nghiệp giải phóng, xây dựng đất nước bạn. Mãi mãi phấn đấu rèn luyện để giữ gìn những nét đẹp của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, của “đội quân nhà Phật” theo như cách gọi trìu mến của nhân dân Campuchia.
------------------
(1), (2)Phát biểu tham luận của đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng và phát biểu tham luận của thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia "40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979-7/1/2019)" diễn ra ngày 28/12/2018 do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy An Giang tổ chức.
Đại tá NGUYỄN BÁ THUYẾT
(Nguyên Chủ nhiệm Chính trị - Trường Quân sự tỉnh)