Chiều 9/11, theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Quốc hội thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch.
Trước đó, vào ngày 24/10 và 2/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật này. Vấn đề nhiều đại biểu quan tâm thảo luận nhất vẫn là quy hoạch xây dựng tỉnh.
Quy hoạch xây dựng cụ thể hóa quy hoạch tỉnh
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, bao gồm quy hoạch xây dựng tỉnh theo pháp luật về xây dựng là hoàn toàn phù hợp với Luật Quy hoạch 2017.
Quy hoạch xây dựng tỉnh là sự cụ thể hóa của quy hoạch tỉnh về mặt kỹ thuật chuyên ngành, nó không ngang cấp với quy hoạch tỉnh và hiện là cơ sở pháp lý quan trọng về mặt kinh tế, kỹ thuật đối với các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch vùng liên huyện…
Theo ông Vũ Hồng Thanh, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (nay là quy hoạch xây dựng tỉnh theo dự thảo Luật sửa đổi) đã được triển khai thực hiện rộng rãi. Đến nay, có 58 quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, 5 quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
15 địa phương đang tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, trong đó có 6 nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt và hai đồ án quy hoạch đã được phê duyệt.
Như vậy, việc bãi bỏ ngay quy hoạch vùng tỉnh hiện chưa có thời gian và căn cứ để tích hợp vào quy hoạch tỉnh sẽ có thể gây ra các tác động phức tạp về kinh tế, xã hội mà chưa thể lường hết được.
Ngoài ra, với điều kiện hiện tại của nước ta, việc lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp như một số nước tiên tiến có điều kiện kinh tế phát triển cần có thời gian.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế này, việc bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh (quy hoạch xây dựng vùng tỉnh) để thay thế bằng quy hoạch tỉnh chưa nhận được sự đồng tình của các chuyên gia, các hiệp hội chuyên ngành vì cho rằng nội dung của quy hoạch tỉnh theo Điều 27 của Luật Quy hoạch là các phương án phát triển ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh; lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế; các phương án phát triển ngành của các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Các nội dung này chỉ thể hiện những quan điểm, phương hướng, định hướng khung, không mang tính cụ thể và chi tiết.
Trong khi đó, đồ án quy hoạch xây dựng tỉnh thể hiện nhiều nội dung, bao gồm thuyết minh, bản vẽ, chỉ dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng, làm cơ sở triển khai lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch các khu chức năng và các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị như cấp nước, thoát nước, chuẩn bị kỹ thuật, xử lý nước thải, nghĩa trang trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh không trùng lắp với nội dung quy hoạch tỉnh; quy hoạch xây dựng tỉnh chỉ cụ thể hóa nội dung quy hoạch tỉnh với mức độ cụ thể, chi tiết hơn để đáp ứng yêu cầu quản lý và đầu tư xây dựng.
Với chức năng quản trị quốc gia, Chính phủ cũng cho rằng quy hoạch xây dựng là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh, tuân thủ tính thứ bậc theo quy định của Luật Quy hoạch 2017. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như quy định tại dự thảo Luật.
Đồng tình với việc có quy hoạch xây dựng tỉnh, đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho rằng quy hoạch xây dựng tỉnh là khâu quan trọng trong hệ thống quy hoạch xây dựng quốc gia hiện nay. Đây là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, có chuyên ngành sâu và đã được thực hiện theo luật chuyên ngành, giúp cụ thể hóa các định hướng sử dụng về không gian, đất đai, môi trường trên địa bàn.
Còn quy hoạch tỉnh là quy hoạch chung gồm các lĩnh vực nhằm phát triển kinh tế - xã hội nằm trong không gian của một địa giới hành chính. “Quy hoạch xây dựng tỉnh có vai trò trong công tác quản lý, chứa đựng các tính toán về hệ thống hạ tầng về kinh tế, kỹ thuật, làm cơ sở cho phát triển về xây dựng quy hoạch và có định hướng phát triển của tầm vóc đô thị, tạo sự phân cấp của hệ thống đô thị để xác định các khu chức năng, thể hiện mối quan hệ kết nối giữa các đô thị và trục đô thị mang tính chất liên vùng kinh tế theo chiến lược quốc gia”, đại biểu nói.
Đồng quan điểm trên, các đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh), Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nhìn nhận phải có quy hoạch xây dựng tỉnh vì đây là quy hoạch có tính chất đặc thù kỹ thuật cao.
Quy hoạch xây dựng tỉnh có vai trò định hình không gian vật thể của vùng đô thị, nông thôn và các khu chức năng đặc thù trong tỉnh trên cơ sở nhu cầu và dự báo sự phát triển kinh tế - xã hội.
Quy hoạch xây dựng tỉnh mang tính quan hệ biện chứng, không tách rời với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, là điều kiện và sự tiếp tục của nhau.
Theo các đại biểu, phát triển thiếu yếu tố bền vững là do quy hoạch xây dựng của tỉnh chưa phù hợp, vì vậy, quy hoạch xây dựng tỉnh là căn cứ để địa phương có thể triển khai được các chương trình đầu tư công vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật và nâng cấp để mở rộng hệ thống đô thị, đảm bảo theo phát triển về dân cư, mật độ lao động, nhà ở, thương mại.
Cần làm rõ sự khác nhau giữa quy hoạch xây dựng tỉnh và quy hoạch tỉnh
Tuy nhiên, cũng có ý kiến trái chiều về vấn đề quy hoạch xây dựng tỉnh. Theo đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), Luật Quy hoạch vừa là luật hình thức, vừa là luật nội dung.
Luật quy định về thủ tục, quy trình, đồng thời quy định những vấn đề để luật chuyên ngành cụ thể hóa. Luật cũng quy định một số nội dung của quy hoạch để triển khai thực hiện.
Theo đó, những gì đã chuyển từ luật chuyên ngành vào Luật Quy hoạch rồi thì phải bỏ đi. Quy hoạch tỉnh đã bao gồm toàn bộ các nội dung của quy hoạch xây dựng tỉnh nên không cần cụ thể hóa nữa.
Ông nêu thực tế nhiều quy hoạch ban đầu rất đẹp, nhưng trong quá trình triển khai quy hoạch đã bị phá vỡ vì chúng ta điều chỉnh thường xuyên nên các khu đô thị giờ cũng “méo mó”, đó là do chúng ta chưa tuân thủ các nguyên tắc.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) phân tích, quy hoạch xây dựng tỉnh lập theo phương pháp tích hợp là sự tiến bộ mà nhiều nước trên thế giới đã và đang triển khai.
Quy hoạch xây dựng tỉnh là một hợp phần trong quy hoạch tỉnh. Qua hai kỳ họp và đến thời điểm này, cơ quan soạn thảo và các giải trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa chứng minh, làm rõ được sự khác nhau về nội dung giữa hai loại quy hoạch này.
Do vậy, ông đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm rõ nội hàm của quy hoạch xây dựng tỉnh và quy hoạch tỉnh, vì đây là vấn đề rất quan trọng. Nguyên tắc khi rà soát, điều chỉnh các nội dung này, phải lấy Luật Quy hoạch làm gốc, không được quy định trái và không được trùng lặp.
Giải trình làm rõ thêm các ý kiến, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã báo cáo giải trình với Quốc hội nhiều lần về vấn đề quy hoạch xây dựng tỉnh.
Cho rằng, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là thỏa đáng, Bộ trưởng mong muốn, Quốc hội ủng hộ theo hướng giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì đó là ý kiến của cơ quan soạn thảo và Chính phủ, tức là vẫn giữ quy hoạch xây dựng tỉnh.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá các ý kiến của các đại biểu đều có lý lẽ thuyết phục và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói rõ các vấn đề mà các đại biểu quan tâm.
Do còn có những ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, sẽ có phiếu xin ý kiến để đại biểu thể hiện chính kiến.
Ông đề nghị Chính phủ cung cấp đủ tài liệu để đại biểu có đầy đủ thông tin trước khi quyết định.
Theo TTXVN/Vietnam+