Thứ Hai, 21/10/2024 08:48 SA
Chính phủ sớm báo cáo Quốc hội về phương án cơ cấu lại nguồn thu(*)
Thứ Tư, 31/10/2018 07:00 SA

LTS: Quốc hội vừa thảo luận tại hội trường về Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019-2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017. ĐBQH Đinh Văn Nhã, Đoàn ĐBQH Phú Yên có bài phát biểu thảo luận về vấn đề này. Báo Phú Yên trân trọng trích đăng bài phát biểu trên.

 

ĐBQH Đinh Văn Nhã phát biểu tại buổi thảo luận - Ảnh: CTV

 

Về đánh giá các thành tựu đạt được, xét dưới góc độ quan hệ nhân quả, kinh tế là gốc, là cơ sở nền tảng của nền tài chính quốc gia bền vững. 3 năm qua, nhờ có nhiều chính sách vĩ mô tích cực, phù hợp, có môi trường thuận lợi, các rào cản khó khăn phát triển được tháo gỡ nên quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh, đạt bình quân khoảng 6,57%. Nhờ đó, nhiệm vụ tài chính ngân sách đã đạt được toàn diện các mục tiêu chủ yếu đề ra.

 

Đánh giá tổng quát các kết quả nổi bật đáng nhấn mạnh, đó là chính sách tài khóa về thực chất đã được điều hành chặt chẽ, phối hợp đồng bộ hơn giai đoạn trước với chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát được lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hợp lý đạt được mục tiêu đề ra hàng năm.

 

Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế 3 năm qua, không đạt được mức phấn đấu cao bình quân 6,7%/năm, phải kiên định không điều chỉnh các chính sách tăng thu, phải cắt giảm thuế quan để hội nhập kinh tế quốc tế, giá dầu thô giảm sâu gần 2 năm liên tục, nhưng 3 năm qua thu ngân sách nhà nước luôn vượt dự toán khoảng 4% đáp ứng nhu cầu chi thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, bảo đảm tăng chi cao hơn cho các chính sách xã hội đã ban hành và cân đối nguồn lực, thực hiện tốt nhiều chính sách an sinh xã hội mới, góp phần nâng cao đời sống, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, người nghèo, bảo đảm trả nợ công đúng hạn, tăng tích lũy cho đầu tư phát triển cao hơn so với mục tiêu đề ra.

 

Quy tắc mang tính chất “vàng” của Hiến pháp để quản lý điều hành có kỷ cương, kỷ luật về ngân sách như mọi khoản thu, chi ngân sách phải có dự toán được duyệt đã từng bước được tuân thủ nghiêm, đã đi vào cuộc sống. Tốc độ tăng nợ công, bội chi ngân sách đã giảm năm sau so với năm trước, có cơ sở để phấn đấu hoàn thành đạt được mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn.

 

Cải cách thủ tục hành chính; hiện đại hóa; ứng dụng khoa học, công nghệ; công khai, minh bạch; đề cao vai trò giám sát của cộng đồng theo các thông lệ tốt của quốc tế trong quản lý tài chính ngân sách, tài sản công đã được quan tâm, chú trọng áp dụng, đạt được nhiều kết quả, luôn có vị trí trong tốp đầu so với các ngành, các lĩnh vực khác, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao.

 

Về một số khó khăn, thách thức lớn đang đặt ra nổi lên trong 2 năm còn lại, đến năm 2020 cần có giải pháp mạnh để thực hiện, cụ thể:

 

Thứ nhất, cân đối thu chi ngân sách nhà nước dự báo sẽ căng thẳng và áp lực cao hơn 3 năm trước. Do quy mô và tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp trong nước, cả doanh nghiệp cũ và mới thành lập còn mỏng manh, năng suất lao động chưa cao, giá trị gia tăng từ sản xuất tạo ra còn thấp, trong khi vẫn phải kiên định không điều chỉnh các chính sách thuế để tăng thu nên dự báo tăng thu ngân sách 2 năm tới cao hơn 3 năm trước là rất khó khăn, trong khi nhu cầu chi để cân đối nguồn lực đáp ứng nhiệm vụ chi cải cách tiền lương, tăng chi đầu tư công, tăng chi cho an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững đa chiều, quốc phòng, an ninh là rất lớn.

 

Vì vậy, để thực hiện tốt các nhiệm vụ tài chính, ngân sách trong 2 năm tới, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt kết quả cao, thực chất hơn các cơ chế, chính sách pháp luật phát triển kinh tế đã đề ra và các kiến nghị mà 88 ĐBQH tham gia thảo luận rất tâm huyết trong 2 ngày cuối tuần qua.

 

Cần siết chặt hơn kỷ cương, kỷ luật trong thi hành công vụ, đề cao trách nhiệm và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành trong việc giải quyết các đề xuất, kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là việc thực hiện đúng thời hạn theo quy định Chính phủ về thời gian trả lời kiến nghị của các địa phương và doanh nghiệp.

 

Trong quản lý điều hành thực hiện chi ngân sách nhà nước đã được Quốc hội phê duyệt hàng năm phải đảm bảo đúng dự toán, chuyển nguồn, ứng trước chi đầu tư phát triển, quyết toán chi phải đúng pháp luật, không để các vi phạm xảy ra như 3 năm vừa qua.

 

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải thực chất hơn, đúng nghĩa “thắt lưng buộc bụng”, chống hình thức và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có vi phạm, báo cáo Quốc hội theo đúng quy định pháp luật khi Quốc hội xem xét phê duyệt báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm.

 

Thứ hai, do phân cấp nguồn thu giữa Trung ương và địa phương, hệ thống các chính sách, chương trình hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội còn dàn trải (21 chương trình mục tiêu, 2 chương trình mục tiêu quốc gia và các hỗ trợ chính sách khác khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng) nên vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương 3 năm qua theo quy định Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước không được bảo đảm.

 

Dự báo đến năm 2020 không đạt mục tiêu đề ra nếu không có quyết sách đột phá để cơ cấu lại nguồn, tăng thu ngân sách Trung ương và điều chỉnh nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương.

 

Kết quả thực hiện 3 năm qua cho thấy, thu ngân sách Trung ương bị hụt thu 2 trong 3 năm, tỉ trọng thu ngân sách Trung ương bị giảm so với giai đoạn trước, không đạt mục tiêu đề ra. Trong khi đó, thu ngân sách địa phương bình quân vượt thu khoảng 50.000 tỉ đồng/năm do HĐND cấp tỉnh phân bổ sử dụng.

 

Chi ngân sách Trung ương, ví dụ chi đầu tư phát triển năm 2018 chiếm 47% trong tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước, địa phương 53%. Sau khi chi hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương chỉ còn lại 22%, do đó không thể cân đối bố trí vốn để triển khai các dự án công trình trọng điểm quốc gia do các bộ ngành quản lý, đặc biệt là công trình hạ tầng giao thông, công trình thủy lợi quy mô lớn.

 

Từ đó, đề nghị Chính phủ sớm báo cáo Quốc hội xem quyết định phương án cơ cấu lại nguồn thu để tăng thu ngân sách Trung ương. Trước mắt, cần tập trung tăng thu ngân sách Trung ương từ nguồn thu bán vốn nhà nước, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do Trung ương đầu tư, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước. Chỉ nên bố trí tập trung bổ sung khoản vốn này cho các dự án công trình trọng điểm quốc gia.

 

Đối với dự án công trình hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương để thực hiện đúng nguyên tắc Trung ương cam kết với địa phương, đồng thời địa phương cam kết với Trung ương, Chính phủ cần xem xét trình Quốc hội quyết định phân bổ vốn cho các địa phương có cam kết bố trí đủ phần vốn góp, vốn đối ứng để thực hiện các dự án đầu tư đúng tiến độ, không để xảy ra tình trạng như hiện nay.

 

----

(*) Tựa đề do tòa soạn đặt

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek