Tiếp tục Chương trình làm việc, ngày 30/10, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Thực hiện hiệu quả giám sát chuyên đề
Đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, báo cáo cho thấy, đối với Nghị quyết số 32/2016/QH14 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình; hoàn thành 17/23 nhiệm vụ theo Kế hoạch; ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và bộ tiêu chí về huyện nông thôn mới; phê duyệt đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020; ưu tiên đầu tư cho phát triển sản xuất gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung phát triển theo chuỗi giá trị ở 3 cấp độ; số xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới vượt mục tiêu đề ra; chuỗi nông sản an toàn được hình thành trên diện rộng và tiếp tục được củng cố. Việc xử lý số nợ đọng xây dựng cơ bản đạt kết quả đáng khích lệ, có 44 tỉnh cơ bản xử lý dứt điểm nợ đọng.
Tuy nhiên, còn 3 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không hoàn thành đúng tiến độ theo Kế hoạch; 16 tỉnh nợ đọng xây dựng cơ bản, đặc biệt có 3 tỉnh, thành phố có số nợ đọng cao, trên 150 tỉ đồng. Chính phủ chưa báo cáo việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân người đứng đầu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định, có hành vi tham nhũng, trục lợi trong quá trình thực hiện Chương trình. Sự phát triển hợp tác xã chưa tương xứng, đóng góp của hợp tác xã vào GDP còn rất khiêm tốn.
Đối với Nghị quyết số 43/2017/QH14 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đã được ban hành tương đối đầy đủ, cơ bản bao quát đến các đối tượng, các công đoạn trong chuỗi sản phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra được đổi mới và triển khai đồng bộ, quyết liệt. Việc xử lý vi phạm nghiêm minh hơn. Vấn đề về tồn dư hóa chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã có lộ trình và giải pháp giải quyết dứt điểm. Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm được triển khai quyết liệt, đồng bộ...
Tuy nhiên, một số nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết còn chưa được triển khai thực hiện nghiêm túc, một số nội dung chưa được làm rõ. Việc cập nhật, thực thi pháp luật tại địa phương còn chậm. Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn đang trong quá trình hoàn thiện gây khó khăn trong triển khai thực hiện. Việc kiểm soát thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc còn hạn chế; tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới diễn biến phức tạp.
Đối với Nghị quyết số 56/2017/QH14 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhiều nội dung về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Chương trình hành động về hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã được Chính phủ ban hành. Việc ban hành các nghị định, quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của một số bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Cơ chế một cửa liên thông được triển khai có hiệu quả. Nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm và đơn giản hóa.
Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế mới chỉ tập trung về số lượng mà chưa chú trọng tới chất lượng và vị trí việc làm. Số đầu mối không tăng nhưng chưa được sắp xếp tinh gọn; chưa ban hành tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ.
Chỉ rõ hạn chế của từng lĩnh vực
Đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn gồm: Nghị quyết số 33/2016/QH14, Nghị quyết số 44/2017/QH14; Nghị quyết số 55/2017/QH14, Báo cáo được Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày cho thấy rõ những điểm hạn chế của từng lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Theo đó, trong lĩnh vực công thương, vướng mắc tại một số dự án xử lý còn chậm như xử lý tranh chấp, công tác quyết toán hoàn thành tại một số hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (hợp đồng EPC).
Một số dự án, doanh nghiệp khó khăn trong việc vay vốn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và triển khai bán đấu giá. Tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm có diễn biến phức tạp. Một số tiêu chí trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước chưa đạt mục tiêu đề ra. Năng lực của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ còn yếu.
Ở lĩnh vực tài nguyên và môi trường, một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật bảo vệ môi trường chưa được sửa đổi kịp thời. Số quy chuẩn kỹ thuật địa phương còn ít. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn hạn chế. Việc di dời, hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất nằm trong các khu dân cư, vùng đô thị vào các khu, cụm công nghiệp còn chậm.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo ghi nhận hạn chế với việc: Tiến độ xây dựng các đề án còn chậm so với kế hoạch, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm còn nhiều.
Hiệu quả của chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số chưa cao; việc tuyển dụng cán bộ cử tuyển gặp khó khăn. Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia còn một số tồn tại nhất định như chất lượng ngân hàng đề thi, tính bảo mật trong quy trình thi dẫn đến xảy ra sai phạm nghiêm trọng tại một số địa phương ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của xã hội.
Tỉ lệ phân luồng sau trung học cơ sở chưa đạt yêu cầu. Công tác giáo dục hướng nghiệp cho trung học phổ thông còn hạn chế. Việc dạy và học ngoại ngữ còn những khó khăn nhất định. Việc ban hành chương trình tổng thể và các chương trình môn học còn chậm.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, một số nhiệm vụ mặc dù đã đưa vào Kế hoạch 2016-2018 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Các chủ tàu có tàu bị hỏng do nằm bờ kéo dài vẫn chưa được bồi thường thiệt hại.
Trong lĩnh vực y tế, chất lượng khám, chữa bệnh còn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân. Tình trạng quá tải ở các bệnh viên tuyến trên chưa được khắc phục căn bản. Tình trạng thiếu điều dưỡng viên, mất vệ sinh môi trường bệnh viện còn phổ biến. Lợi thế của y học cổ truyền chưa được phát huy. Sự cố y khoa gây tổn hại sức khỏe người bệnh, thậm chí dẫn đến tử vong, tình trạng an ninh bệnh viện, bạo hành với cán bộ y tế tại bệnh viện vẫn còn xảy ra.
Cùng với đó, trong triển khai thực hiện Luật Đầu tư công, đặc biệt khi thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 vẫn còn những tồn tại, bất cập. Việc tái cơ cấu đầu tư vẫn mang tính ngắn hạn. Công tác xác định và lựa chọn tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội của một số công trình, dự án đầu tư công còn khó khăn.
Công tác thu hồi nợ đọng gặp nhiều khó khăn. Một số nơi vẫn xảy ra tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, vi phạm các quy định về quản lý thuế. Việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn khó khăn.
Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, hệ thống công nghệ thông tin còn chưa đồng bộ, hiệu quả hoạt động chưa cao; tiến độ phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 còn chậm. Vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí đưa tin theo hướng giật gân, câu khách gây phản cảm…
Theo TTXVN, Vietnam+