Sáng 25/10, Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Trong đó, khối Chủ tịch nước có 1 người là Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Khối Quốc hội có 18 người gồm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Phùng Quốc Hiển; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến; Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải; Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy và Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Khối Chính phủ có 26 người gồm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; các phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh; Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà; Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ; Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng và Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.
Cùng với đó, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí và Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm trong dịp này.
Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.
Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín, theo 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Việc tổng hợp phiếu và phân tích kết quả phiếu sẽ được thực hiện toàn bộ bằng máy.
Trước đó, vào chiều 24/10, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và thảo luận ở đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố vào chiều cùng ngày và Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, được quy định trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2015.
Từ khi có Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, đến nay, Quốc hội đã hai lần lấy phiếu tín nhiệm vào năm 2013 và năm 2014.
Trong hai lần lấy phiếu tín nhiệm đó, chưa có trường hợp nào có kết quả quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” để có thể xin từ chức theo quy định hay từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp”, để Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm.
Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm nhằm tăng cường hiệu quả giám sát của Quốc hội, đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Kết quả đánh giá tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu có cơ hội nhìn nhận lại chính mình, xem mình đã làm được gì, chưa làm được gì để có phương hướng phát huy kết quả đạt được khắc phục, sửa chữa những hạn chế, tồn tại; là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ một cách hiệu quả.
Kết quả tín nhiệm thấp cũng là cơ sở để người được lấy phiếu có văn hóa ứng xử phù hợp, có thể tự nguyện từ chức hoặc thay đổi vị trí công tác phù hợp.
Theo TTXVN, Vietnam+