Thứ Ba, 22/10/2024 17:27 CH
Quốc khánh trong ký ức người anh hùng Tàu Không số
Chủ Nhật, 02/09/2018 07:13 SA

Anh hùng Hồ Đắc Thạnh (thứ 3 từ trái sang) cùng đồng đội chụp hình lưu niệm với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân bên con tàu vừa được công nhận Bảo vật quốc gia - (Ảnh chụp lại)

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng Tàu 41, Đoàn tàu Không số, Đoàn 125 Quân chủng Hải quân tâm sự: Hàng năm cứ đến Quốc khánh (2/9) là trong tôi lại trào dâng cảm xúc mãnh liệt. Đây là thời khắc tôi được sống lại với những ký ức thời binh lửa, thêm trân quý những người đồng đội đã ngã xuống cho đất nước “nở hoa độc lập, kết trái tự do”; lắng lòng hướng về Ba Đình - nơi vị Cha già của dân tộc đang yên giấc ngàn thu.

 

Vừa dự lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận tàu vận tải quân sự mang số hiệu 671 là bảo vật quốc gia trở về từ thành phố Hoa phượng đỏ Hải Phòng, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh không giấu được niềm vui khi chiếc tàu do ông làm thuyền trưởng năm nào nay trở thành bảo vật quốc gia đúng vào dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

 

Hướng về Ba Đình lịch sử

 

Trong ngôi nhà có sân vườn rộng nằm khuất trong con hẻm bê tông đường Chu Văn An (phường 5, TP Tuy Hòa), vừa rót trà tiếp khách “không mời mà đến”, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh chậm rãi kể: Tàu HQ-671 còn có các tên gọi khác là Tàu 41, Tàu 641. Tàu được biên chế vào Đoàn 125 (Đoàn tàu Không số), Hải quân nhân dân Việt Nam năm 1964 làm nhiệm vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. “Trong những năm 1964-1966, Tàu 41 do tôi chỉ huy đã 3 lần vận chuyển hàng và vũ khí vào bến Vũng Rô thành công. Trong nhiều tình huống cam go, ác liệt, cán bộ, thủy thủ tàu luôn mưu trí, bí mật vận chuyển, bốc xếp hàng hóa, vũ khí, mở bến mới cho tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Tàu 41 hai lần được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và có 8 cán bộ, thủy thủ của tàu qua các thời kỳ cũng được phong tặng danh hiệu cao quý này. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Tàu 41 (khi đó mang phiên hiệu HQ-671) vinh dự được bắn phát súng đầu tiên mở màn cho Đoàn 125 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh”, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh nhớ lại.

 

Anh hùng Hồ Đắc Thạnh xem lại bức ảnh Tàu 671 nay là bảo vật quốc gia - Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Ông có kỷ niệm gì sâu sắc về ngày Quốc khánh 2/9? Tôi hỏi. Đôi mắt của người cựu binh già Anh hùng LLVT nhân dân bỗng ánh lên niềm kiêu hãnh. “73 năm trước, trong sắc nắng hanh vàng giữa trời thu tháng tám, từ Quảng trường Ba Đình lịch sử đã vang lên lời tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Người khai sinh ra đất nước ta” và “làm rạng danh, non sông đất nước ta”: “Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”. Lời tuyên ngôn bất hủ ấy luôn được những người lính chúng tôi khắc sâu trong tâm trí và luôn luôn chiến đấu để thực hiện bằng được những quyền ấy theo ước nguyện của Người”, ông nói. Theo ông, hòa bình và độc lập tự do là nỗi khao khát của toàn dân tộc, nhưng khát khao lớn nhất có lẽ là những người trực tiếp cầm súng chiến đấu vì họ luôn cận kề với cái chết trong mỗi trận đánh. Và ngày Quốc khánh 2/9 đối với những người lính như ông vô cùng thiêng liêng. Từ khi còn là chiến sĩ của đơn vị 375 (Tỉnh đội Phú Yên) trong những năm 1953-1954 cho đến khi trở thành Thuyền trưởng Tàu 41 cũng như hiện nay, mỗi năm cứ vào dịp Quốc khánh 2/9 là lòng ông luôn hướng về Ba Đình nơi vị Cha già kính yêu của dân tộc đang yên nghỉ để tỏ lòng thành kính đối với Người. “Không phải riêng tôi mà có lẽ tất cả mọi người dân nước Việt là con cháu của Bác Hồ cũng đều hướng về Ba Đình lịch sử trong ngày Tết Độc lập của dân tộc”, ông trải lòng.

 

Quốc khánh của nước Việt Nam thống nhất ở Phú Quốc

 

72 cái Tết Độc lập đã trôi qua và sắp đến Tết Độc lập lần thứ 73, nhưng người cựu binh, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh “ấn tượng” nhất là Tết Độc lập lần đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, năm 1975. “Thời điểm đó, tôi là Trợ lý tác chiến của Bộ Tư lệnh Hải quân tiền phương đứng chân ở cảng Ba Son (TP Hồ Chí Minh). Ngày 25/8/1975, tôi tham gia đoàn công tác của Bộ Tư lệnh lên đường đi Phú Quốc bằng máy bay C130. Đây là máy bay vận tải cỡ lớn ta vừa thu được của quân đội Việt Nam cộng hòa (VNCH). Tải trọng tối đa của loại máy bay này tới hơn 20 tấn, cho phép chở gần 100 người hoặc hai xe bọc thép M113. Khi khởi động tiếng phát ra ầm ầm nghe đinh tai, nhức óc. Tuy nhiên, ngồi trên máy bay, được ngắm non sông đất nước đã thống nhất, cảm giác thật thú vị”, ông nhớ lại.

 

Phú Quốc còn có tên gọi khác là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất nước ta nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo nhỏ nằm rải rác trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc như Thổ Chu, Nam Du, Hòn Chuối, Hòn Khoai, Hòn Đốc… với hàng chục ngàn người dân định cư, bám biển sinh sống, tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Huyện đảo có tổng diện tích 589,23km², xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore thập niên 1960 khi chưa san lấp, lấn biển. Thị trấn Dương Đông tọa lạc ở phía tây bắc, là thủ phủ của huyện đảo. Còn trụ sở của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đóng tại xã An Thới. Vùng 5 quản lý hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ thuộc vùng biển hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như chống đế quốc Mỹ xâm lược, các vùng rừng già Khu Tượng, ngã ba Mu Rùa, Cửa Cạn... đều là căn cứ cách mạng. Ở đó có cơ quan chỉ huy kháng chiến của đảo, có các lớp huấn luyện và có công binh xưởng sửa chữa và sản xuất vũ khí tự tạo…

 

Trong những ngày cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh, tình hình vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc hết sức phức tạp. Lợi dụng lúc chính quyền và quân lực VNCH suy yếu, chính quyền Khmer Đỏ do Polpot, Ieng Sary cầm đầu đã bất ngờ tấn công cộng đồng dân cư Việt Nam cư trú tại các vùng biên giới thuộc các tỉnh An Giang, Tây Ninh, đánh chiếm đảo Phú Quốc, tàn sát dân thường trên đảo. Đến ngày 6/5/1975, Bộ Tư lệnh Hải quân tiền phương điều động hai tàu 643 và 657 đưa hai tiểu đoàn của Quân khu 9 ra chiếm lại đảo Phú Quốc; quân Khmer Đỏ xuống tàu tháo chạy ra đảo Thổ Chu. Để bảo vệ đảo Phú Quốc, Bộ Tổng Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định điều Trung đoàn 101 Hải quân đánh bộ ra đóng quân tại đảo.

 

“Thời điểm đó đã sắp đến kỷ niệm lần thứ 30 Quốc khánh 2/9 nhưng tình hình an ninh trật tự ở đảo lúc này vẫn còn rất phức tạp, lộn xộn. Một số tàn quân của chế độ VNCH vẫn còn ẩn náu trong rừng chưa chịu ra đầu thú. Một số đảo nhỏ vẫn còn bị quân Khmer Đỏ chiếm đóng trái phép”, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh hồi tưởng lại những ngày này của 43 năm trước. Nhiệm vụ của đoàn công tác là đưa một số thành phần tư sản mại bản ra đảo để cách ly, cải tạo đồng thời chuẩn bị cho việc lập căn cứ tiền tiêu, giành lại các đảo Thổ Chu, Poulo Wai… từ tay quân Khmer Đỏ. Ngoài việc chuẩn bị hậu cần, thông tin liên lạc, một trong những nhiệm vụ chính là chuẩn bị các bãi đậu cho tàu thuyền các loại, xây dựng cơ sở ban đầu cho Vùng Duyên hải 5 (nay là Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân). Tuy tình hình còn phức tạp, lộn xộn nhưng người dân nơi đây - đa số đến từ các tỉnh ven biển miền Trung rất hân hoan, phấn khởi sau khi biết tin không chỉ đảo Phú Quốc mà cả miền Nam đã được giải phóng, đất nước đã thống nhất, chính quyền đã thuộc về nhân dân. Lần đầu tiên được tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ hải quân nhưng ai cũng bày tỏ sự thân thiện, trân quý. Đánh được con cá, con tôm, người dân đều dành phần cho “mấy ông cộng sản”, mặc dù chúng tôi luôn từ chối và nói rằng, bộ đội đã có tiêu chuẩn của bộ đội rồi, nhưng bà con vẫn nằng nặc bắt phải nhận một phần cho bà con vui, coi đây là tấm lòng, một phần của sự đền đáp cho công lao mang hòa bình, độc lập đến với đảo. “Bộ đội phải ăn cho no, bữa cơm phải có cá tươi mới có đủ sức khỏe để bảo vệ đảo, bảo vệ cuộc sống yên bình trên đảo được dài lâu”, nhiều người dân đảo đã nói như vậy.

 

Những ngày ở đảo trôi qua rất nhanh, ngoài làm nhiệm vụ truy quét Khmer Đỏ, vận động tàn quân VNCH ra hàng, nắm tình hình, ổn định dân tình, buổi tối đoàn tổ chức chiếu phim của Hãng phim Giải phóng phục vụ người dân địa phương, như Nổi gió, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội… Bà con rất thích và tối nào cũng tập trung đến xem rất đông. Ngày 2/9, đơn vị tổ chức lễ kỷ niệm Quốc khánh khá đơn giản trong nội bộ nhưng rất trang nghiêm. Hòa trong niềm vui chung cùng đất nước kỷ niệm 30 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, các địa điểm công cộng, cơ quan hành chính trên đảo cũng trang trí cờ hoa, lập bàn thờ Tổ quốc… trang trọng. Người dân Đảo Ngọc bày tỏ niềm vui, niềm hạnh phúc thật sự khi lần đầu tiên được đón Tết Độc lập trong hòa bình cùng với những người lính cách mạng.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek