Thứ Tư, 23/10/2024 00:38 SA
10 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông”:
Góp phần ổn định nền kinh tế và đời sống nhân dân
Thứ Ba, 14/08/2018 07:00 SA

Đường nông thôn ở xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa hiện nay - Ảnh: XUÂN HIẾU

Các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn ngày càng tăng; sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp ổn định và phát triển khá, chất lượng được nâng lên; cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao tỉ trọng nghề phi nông nghiệp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện; khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn được thu hẹp… Đó là những kết quả qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là NQ26) trên địa bàn tỉnh ta.

 

Những thành tựu cơ bản

 

Đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, thành tựu cơ bản đầu tiên qua 10 năm thực hiện NQ26, đó là nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) được nâng lên; sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong triển khai, thực hiện các chương trình, dự án phát triển tam nông ngày càng tốt hơn. Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp từng bước được tái cơ cấu theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; việc ứng dụng KH-CN tiên tiến vào sản xuất ngày càng nhiều…

 

Còn theo Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng, sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì tốc độ phát triển ổn định và khá toàn diện, góp phần quan trọng vào việc ổn định nền kinh tế và đời sống nhân dân trong tỉnh. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản đạt bình quân 5%/năm. Giá trị sản xuất trồng trọt tăng bình quân 3,6%/năm; giá trị sản phẩm thu được bình quân trên 1ha đất trồng trọt năm 2017 đạt 69,5 triệu đồng, tăng 2,45 lần (so với năm 2008)… Ngành Nông nghiệp đang tiến hành cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất tập trung quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng KH-CN, liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Cũng theo ông Tùng, về phát triển thủy sản, tuy gặp nhiều khó khăn và thách thức, song vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khá. Sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tăng qua các năm; năm 2017 đạt 70.415 tấn, tăng 1,7 lần so với năm 2008. Trong đó, một số sản phẩm chủ lực tăng mạnh như: Sản lượng tôm nuôi nước lợ tăng gấp 2 lần, tôm hùm 1,74 lần, cá ngừ đại dương tăng 18,8%. Giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân 6,2%/năm. Cơ cấu sản xuất nội bộ ngành Thủy sản chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỉ trọng nuôi trồng, giảm tỉ trọng khai thác… Tỉnh đã phê duyệt 3 quy hoạch và 3 kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển ngành Thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đồng thời cơ cấu lại tàu thuyền đánh bắt thủy sản theo hướng giảm tàu có công suất dưới 20CV khai thác ven bờ, tăng và hiện đại hóa tàu có công suất trên 90CV khai thác xa bờ. Nghề khai thác cũng được chuyển đổi từ đơn nghề sang kiêm nghề, hạn chế những nghề có tính chọn lọc, khai thác hủy diệt, tận thu, khai thác bất hợp pháp, kém hiệu quả ở vùng ven bờ. “Toàn tỉnh hiện có 1.171 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên (tăng gấp 2 lần so với năm 2008), với tổng công suất 332.263CV (tăng gấp 5,7 lần), trong đó có 416 tàu có công suất từ 400CV trở lên. Nhờ tàu công suất lớn, bà con ngư dân hợp tác, liên kết trong khai thác nên hiệu quả mang lại, thu nhập cao hơn trước; đời sống được nâng lên”, ông Tùng cho biết thêm.

 

Bên cạnh đó, qua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đô thị hóa, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, cấp nước, cấp điện, trường học… được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 71/88 xã đạt chuẩn về giao thông, 84 xã đạt chuẩn về thủy lợi, 57 xã đạt chuẩn về môi trường, 60 xã đạt chuẩn về y tế, 48 xã đạt chuẩn về trường học, 58 xã đạt chuẩn hộ nghèo… theo tiêu chí NTM.

 

Vẫn còn khó khăn, bất cập

 

Tây Hòa là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện nghị quyết “tam nông” và đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Ở địa phương thuần nông này, trước kia đường sá đi lại khó khăn. Còn hiện nay, hầu hết các tuyến đường liên xã, liên thôn, liên xóm và cả lối vào từng nhà dân đều được bê tông thoáng rộng; nhà cửa khang trang. Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Tây Hòa Nguyễn Phít cho biết: Đến năm 2017, Tây Hòa có 10/10 xã đạt chuẩn NTM; huyện đạt 6/9 tiêu chí huyện NTM. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp bình quân giai đoạn 2008-2017 của huyện đạt 1,94%. Tỉ trọng ngành Nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm từ 51,87% xuống còn 27,84%; tăng dần tỉ trọng ngành Công nghiệp và Dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người nông dân... “Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn huyện. UBND huyện đã kịp thời cụ thể hóa Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Huyện ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện NQ26; ban hành 13 kế hoạch và xây dựng đề án triển khai thực hiện quyết liệt, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Riêng từ năm 2011-2017, huyện đã huy động hơn 652,5 tỉ đồng đầu tư xây dựng NTM”, ông Nguyễn Phít cho biết thêm.

 

Tương tự, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Quang Nam Nguyễn Văn Lành chia sẻ: Cùng với đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, Hòa Quang Nam đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện NQ26; đồng thời xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Kết quả nổi bật là cơ sở hạ tầng thủy lợi, điện, đường, trường học, trạm y tế… phát triển đồng bộ; thu nhập bình quân đầu người tăng 3 lần; đời sống tinh thần cũng được nâng lên. Năm 2015, xã Hòa Quang Nam được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia NTM. Nhờ áp dụng chuyển giao KH-CN trong sản xuất, nhiều mô hình mới về nông nghiệp, lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao đã và đang được nhân rộng như: trồng lúa chất lượng cao; trồng khóm, cây ăn quả, cây lấy gỗ trên đất lâm nghiệp; chăn nuôi trâu, bò, dê, gia cầm tập trung với số lượng lớn… Tuy nhiên, theo người đứng đầu cấp ủy của xã điển hình về tam nông này, mục tiêu lớn nhất là hiện đại hóa nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, như quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; sản phẩm làm ra chưa tạo được kênh phân phối tiêu thụ ổn định để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất lớn, mà luôn lo lắng về đầu ra của sản phẩm. Mặt khác, tuy đã có những bước khởi sắc trong phong trào xây dựng NTM nhưng nếp sống văn minh hiện đại chưa thật sự được thay thế, vẫn còn những hạn chế như tư tưởng, tâm lý và tập quán lâu đời chưa thể thay đổi cùng lúc mà vẫn còn tồn tại nhiều tập quán lạc hậu trong cộng đồng. Đây chính là rào cản trong việc hiện đại hóa tam nông.

 

“Đơn vị hành chính cấp xã gặp nhiều khó khăn trong các mối quan hệ tạo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nâng cao giá trị hàng hóa. Vì vậy, cần có chủ trương cụ thể chỉ đạo các ngành cấp trên trong phối hợp thực hiện chuỗi liên kết “bốn nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý và nhà phân phối). Để tạo sản phẩm mang tính cạnh tranh cao thì quy mô sản xuất phải lớn và được áp dụng kỹ thuật hiện đại trong sản xuất, nhưng chủ trương dồn đổi diện tích sản xuất đất 2 vụ lúa chưa được triển khai mạnh mẽ; cấp xã gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí và các thủ tục hành chính liên quan. Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng cho nông dân mở rộng sản xuất, hạn mức vay còn quá thấp, thủ tục vay giải ngân còn nhiều bất cập ở các khâu trung gian như tổ vay vốn. Khâu này thuận lợi cho ngân hàng nhưng lại khó khăn cho nông dân. Kinh phí đầu tư xây dựng NTM quá hạn hẹp nên nhiều hạng mục đầu tư khu vui chơi giải trí ở nông thôn còn quá sơ sài, chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân… Đề nghị Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh quan tâm”, ông Nguyễn Văn Lành nêu ý kiến.

 

 

Mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững dựa trên đổi mới tổ chức sản xuất; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng KH-CN, chuyên môn hóa đáp ứng nhu cầu đa dạng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; bảo vệ môi trường sinh thái… Xây dựng nông thôn mới đi đôi với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân cư nông thôn, đảm bảo tốt hơn các điều kiện ăn ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, thể thao…

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek