Ngày 19/6, tại TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đơn vị 1 - TP Hồ Chí Minh đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 1, quận 3, quận 4 để thông báo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV và tiếp thu, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: TTXVN |
Sau khi nghe đại diện đoàn đại biểu Quốc hội trình bày báo cáo tổng hợp về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, cử tri các quận 1, quận 3, quận 4 bày tỏ hoan nghênh những kết quả của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, nhất là về chương trình chất vấn và trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành.
Các đại biểu cử tri đã nêu nhiều ý kiến xung quanh chủ đề Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua, trong đó nhấn mạnh tới yêu cầu phải có giải pháp quản lý, chế tài xử lý phù hợp đối với những thông tin xấu, độc được chia sẻ trên mạng xã hội nhằm lôi kéo người dân, nhất là giới trẻ, công nhân lao động vào các hoạt động tụ tập đông người, phá hoại tài sản.
Cử tri nêu ý kiến đề nghị xử lý nghiêm những phần tử gây rối, kích động người dân có các hoạt động tụ tập, chống đối và công khai việc xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tăng tính răn đe.
Cử tri hoan nghênh Quốc hội lùi thời gian xem xét và thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, nhất là đối với những nội dung cần phải được cân nhắc kỹ càng hơn trước khi đưa ra Quốc hội tại kỳ họp sau.
Các cử tri kiến nghị Quốc hội trước các kỳ họp cần chú trọng hơn việc công khai rộng rãi các dự án luật quan trọng để nhân dân tìm hiểu, đóng góp ý kiến, nếu người dân đã nắm rõ nội dung các dự án luật thì dù kẻ xấu có dụ dỗ, lôi kéo, kích động cũng sẽ không đạt kết quả gì.
Cử tri cũng nêu ý kiến về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, việc xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan trong các vụ án tham nhũng; vấn đề cải cách giáo dục, bệnh thành tích trong giáo dục vô hình chung tạo sự đánh giá thiếu thực chất về kết quả học tập của học sinh, sinh viên...
Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đơn vị 1 - TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng cảm ơn cử tri đã nêu những ý kiến, kiến nghị tâm huyết, trách nhiệm cao về các nội dung hết sức quan trọng, bức thiết.
Trả lời ý kiến của nhiều cử tri xung quanh dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh đây là chủ trương lớn của Đảng trong nhiều nhiệm kỳ, với mục tiêu là xây dựng thể chế đột phá, ưu đãi vượt trội, đủ sức cạnh tranh thu hút đầu tư với khu vực và quốc tế, tạo động lực phát triển cho các đặc khu, lan tỏa đến các vùng kinh tế và cả nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững gắn với bảo đảm độc lập chủ quyền, quốc phòng, an ninh.
Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là dự án luật quan trọng, nhằm thế chế hóa chủ trưởng của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2017), sau đó đã được tiếp thu, chính lý để trình Quốc hội tại kỳ họp vừa qua.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị nghiêm túc, công phu, thận trọng; tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế - kể cả thành công và thất bại trong việc xây dựng đặc khu - để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước.
“Cơ quan soạn thảo đã tổ chức nghiên cứu tại 13 quốc gia, khảo sát về tiềm năng lợi thế của chính sách đặc thù; lấy ý kiến 26 cơ quan, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ... Tuy nhiên, đây là dự án luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ; nhiều quy định về cơ chế, chính sách trong dự thảo Luật mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy và quan điểm, định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp,” Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ với cử tri.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ đồng tình với ý kiến của các đại biểu cử tri về khía cạnh cần nghiên cứu kỹ càng, thận trọng, chuẩn bị đủ điều kiện mới đưa ra Quốc hội xem xét và thông qua.
Trả lời ý kiến của đại biểu cử tri về Luật An ninh mạng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ phải khẳng định những tiến bộ của sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ trên thế giới hiện nay, nhất là bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phải được tận dụng, khai thác nhằm phục vụ sự phát triển của đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Việc xây dựng Luật An ninh mạng là vấn đề quan tâm của nhiều quốc gia để làm sao tận dụng hết những tiện ích, đồng thời phải làm sao hạn chế tối đa tác động xấu của công nghệ mạng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ việc ban hành Luật An ninh mạng là nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động.
Luật An ninh mạng cũng để nhằm ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng, chiến tranh mạng; phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ tác nhân tiến hành hoạt động gián điệp mạng, chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước trên không gian mạng, tình trạng đăng tải thông tin, tài liệu bí mật nhà nước trên không gian mạng; bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng đã thể hiện rõ, nhất quán, có hệ thống và phù hợp với từng thời kỳ, kịp thời điều chỉnh, đưa ra các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về vấn đề an ninh mạng trong tình hình mới.
Việc ban hành Luật An ninh mạng là nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng; bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự phù hợp với thông lệ quốc tế.
"Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, 138 quốc gia (trong đó có 95 nước đang phát triển) đã ban hành Luật An ninh mạng. Mặc dù tên gọi khác nhau nhưng nội dung chính của Luật An ninh mạng của các nước đều nhằm bảo đảm an ninh thông tin của các doanh nghiệp và cơ quan công quyền, cũng như bảo vệ tốt hơn người dân trên Internet.
Hiện nay, có 18 quốc gia yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng, nhất là mạng xã hội, phải lưu trữ dữ liệu tại quốc gia đó. Tháng 5/2018, Liên minh châu Âu chính thức yêu cầu Facebook phải lưu trữ dữ liệu tại các nước thuộc Liên minh. Đây là yêu cầu cấp thiết vừa bảo đảm an ninh quốc gia vừa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân đã được Hiến pháp quy định", Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 sẽ góp phần quan trọng tạo ra hành lang pháp lý nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Về những vụ gây rối an ninh trật tự, phá hoại tài sản, chống người thi hành công vụ tại một số địa phương vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ đồng tình với ý kiến của cử tri về biện pháp xử lý của cơ quan chức năng; đồng thời đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, cử tri thành phố cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, chủ động trong công tác nắm tình hình, không để bị động, bất ngờ.
Cùng với đó phải tăng cường tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, để nhân hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn các chủ trương của Đảng, Nhà nước, không nghe theo sự xúi giục, kích động của phần tử xấu, không có các hành vi quá khích, vi phạm pháp luật, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước.
Trao đổi về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và những kết quả đạt được, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: “Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã được triển khai từ nhiều năm nay và đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng. Nhiều đại biểu cử tri bày tỏ đồng tình, hoan nghênh, ủng hộ những quyết sách, chủ trương của Trung ương, của Nhà nước, cụ thể là sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo triển khai trong thời gian qua... Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là kiên trì, kiên quyết, đấu tranh có hiệu quả nhằm ngăn chặn, loại trừ tội phạm tham nhũng đang đe dọa đến sự tồn vong của chế độ".
"Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận, nhưng chưa đạt được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân mong muốn. Chính vì thế công cuộc đấu tranh này cần phải được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới, với tinh thần tạo sự triển khai đồng bộ, toàn diện từ Trung ương xuống cơ sở để tập trung đấu tranh với các loại tội phạm kinh tế, tham nhũng, kể cả những vụ việc lớn, nghiêm trọng, hay những vụ tham nhũng lâu nay gọi là tham nhũng vặt".
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước là đấu tranh với các loại tội phạm tham nhũng, nhưng đồng thời xem xét trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan để xảy ra tham nhũng và những cán bộ của cấp ủy, các cơ quan có liên quan trực tiếp đến các vụ việc tham nhũng.
Các vụ án kinh tế cũng phải được xem xét, xử lý theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về trách nhiệm có liên quan.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng chia sẻ Quốc hội đã thảo luận về dự luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung thêm nhiều nội dung nhằm đấu tranh ngăn chặn tội phạm tham nhũng, trong đó có điểm rất quan trọng là mở rộng phạm vi ngoài khu vực Nhà nước. Mở rộng không ảnh hưởng đến sự phát triển chung, nhưng phải phòng ngừa và đấu tranh được với các loại tội phạm kinh tế và tham nhũng.
Sắp tới, hội nghị toàn quốc về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ được tổ chức. Những quan điểm, chủ trương, giải pháp quan trọng sẽ được chỉ đạo quyết liệt hơn để các cấp ủy, đơn vị, địa phương trong cả nước phải tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới một cách kiên trì, kiên quyết, quyết liệt hơn để tạo sự chuyển biến ngày càng rõ nét hơn, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Theo TTXVN, Vietnam+