Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 8/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) và thảo luận dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại hội trường ngày 22/5.
Dự thảo luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này quy định về nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng. Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam được ban hành nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013 về tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Dự án Luật Cảnh sát biển quy định vị trí, vai trò, chức năng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và phối hợp hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, các hành vi bị nghiêm cấm; nhiệm vụ cơ bản của Cảnh sát biển Việt Nam; xác định phạm vi hoạt động, quyền hạn và biện pháp công tác Cảnh sát biển Việt Nam; hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam...
Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trồng trọt.
Trước khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Quốc hội đã thảo luận nội dung này tại hội trưởng ngày 30/5.
Các đại biểu Quốc hội đánh giá, thời gian qua, quy trình lập pháp đã được cải tiến trong tất cả các khâu, từ chuẩn bị đề xuất vào chương trình, soạn thảo, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý đến xem xét, thông qua.
Nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật đã có chuyển biến tích cực. Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, cơ quan của Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan hiệu quả hơn...
Việc xây dựng Luật Trồng trọt nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hóa, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo TTXVN/Vietnam+