Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 7/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi); nghe Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.
Đồng thời, Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề được dựa trên các tiêu chí cơ bản. Đó là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật.
Ngoài ra, không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực. Phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.
Để chương trình giám sát năm 2019 phù hợp với yêu cầu thực tiễn, giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, thiết thực đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước, nhiều ý kiến đề nghị lựa chọn giám sát chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018.
Nhiều đại biểu cũng kiến nghị cần bổ sung giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bạo hành, xâm hại trẻ em, bởi đây là những vấn đề mới phát sinh song hậu quả để lại rất đáng lo ngại, cần được quan tâm thích đáng.
Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và dự án Luật Chăn nuôi.
Cho ý kiến về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), nhiều ý kiến tán thành việc ban hành Luật, nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng trong quá trình sửa đổi, bổ sung nội dung dự án luật cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, có lộ trình phù hợp, bảo đảm tính khả thi, tính ổn định và phát triển, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; đồng thời, bảo đảm sự đồng thuận cao trong xã hội, hạn chế tối đa nhữncâg tác động bất lợi đối với cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân và công an xã hiện nay.
Về quy định vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp Tướng trong Công an nhân dân, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể ngay trong luật vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng như Luật Công an nhân dân hiện hành để bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, đã được cấp có thẩm quyền chỉ đạo sát sao trong quá trình xây dựng Luật Công an nhân năm 2014; tạo thuận lợi trong quá trình giám sát, kiểm tra thi hành luật.
Ý kiến khác cho rằng nên quy định như dự án luật để phù hợp với yêu cầu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an, bảo đảm bí mật về tổ chức, linh hoạt trong thực tiễn, tránh phải sửa đổi Luật khi có sự điều chỉnh về tổ chức, bộ máy. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, cần bổ sung quy định cụ thể tiêu chí Cục đặc biệt; số lượng vị trí cấp phó có cấp bậc hàm cấp tướng trong công an nhân dân để giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ quy định cụ thể, tránh thực hiện thiếu thống nhất hoặc lạm dụng khi áp dụng điều luật.
Đồng thời, nhiều đại biểu đã cho ý kiến về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công an; về cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đối với giám đốc công an cấp tỉnh; về công nghiệp an ninh...
Liên quan đến dự án Luật Chăn nuôi, nhiều đại biểu Quốc hội dành nhiều sự quan tâm đến quy định quản lý hoạt động chăn nuôi, theo đó, nhiều ý kiến cho rằng các quy định về hoạt động chăn nuôi trong Dự án thảo Luật tạo cơ sở pháp lý để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng nhằm phát triển chăn nuôi thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tiên tiến, hạn chế dần việc chăn nuôi nhỏ lẻ, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường là cần thiết. Tuy nhiên Ban soạn thảo cần quy định cụ thể khoảng cách giữa khu vực chăn nuôi và khu dân cư; tăng cường quản lý cơ sở chăn nuôi, quy định rõ trách nhiệm của cơ sở chăn nuôi đối với việc bảo vệ môi trường...
Một số ý kiến nêu rõ tất cả các quy định trong dự án luật từ khảo nghiệm giống vật nuôi, công nhận giống vật nuôi, xuất khẩu, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, hành nghề chăn nuôi, khảo nghiệm, xử lý chất thải... đều phải xin giấy phép dẫn đến gây khó khăn trong thực tế. Ban soạn thảo cần quy định phân cấp quản lý chăn nuôi xuống địa phương nhiều hơn, quy định rõ trách nhiệm của từng cấp; tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát phù hợp với tình hình hiện nay...
Ngày 8/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường. Buổi sáng, các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Buổi chiều, các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; thảo luận về dự án Luật Trồng trọt.
Theo TTXVN/Vietnam+