(Trích phát biểu của ĐBQH tỉnh Nguyễn Hồng Vân tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV về Luật An ninh mạng)
Để làm rõ thêm dự thảo Luật An ninh mạng, tôi xin góp ý một số vấn đề cụ thể như sau:
- Về sự cần thiết phải ban hành luật: Chúng ta đều thống nhất là xuất phát từ yêu cầu cấp thiết về tình hình an ninh mạng của đất nước, yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc biệt là tuân thủ đúng Hiến pháp năm 2015. Ở đây tôi không phân tích thêm và tôi thể hiện quan điểm tán đồng với ý kiến của đại biểu đã phát biểu trước tôi, phân tích hết sức cụ thể.
- Về tên gọi của luật, tôi thống nhất với tên gọi là Luật An ninh mạng. Theo tôi, tên gọi như thế vừa ngắn gọn, vừa phù hợp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh.
- Về bố cục, tôi nhất trí với giải trình của ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa như trong dự thảo.
Về những ý kiến góp ý cụ thể cho luật, tôi có mấy ý như sau:
Thứ nhất, về hợp tác quốc tế an ninh mạng. Tại khoản 3, Điều 7 của luật có quy định: “Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế và an ninh mạng”. Tôi đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm từ “trong việc” vào sau từ “Chính phủ”.
Thứ hai, về phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền, chống phá nhà nước, kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Tại khoản 2, Điều 15 của luật, tôi đề nghị ban soạn thảo xem xét có thể gộp điểm a và điểm b thành một điểm cho gọn, tránh trùng lặp. Có thể viết lại như sau: “Thông tin có nội dung tuyên truyền, kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực lôi kéo, tụ tập đông người, gây rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở sự hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội nhằm chống chính quyền nhân dân hoặc gây mất ổn định về an ninh, trật tự”.
Tại khoản 3 Điều 15 của luật, tôi đề nghị ban soạn thảo bổ sung cụm từ “gây hậu quả nghiêm trọng”. Có thể viết lại như sau: “Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục là thông tin có nội dung xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người hoặc gây hậu quả nghiêm trọng”. Trên thực tế có thể có những thông tin chưa đến mức nghiêm trọng nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng điểm d, khoản 2, Điều 26 của luật, tôi thấy việc đặt máy chủ thì thống nhất như báo cáo tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng riêng việc phải đặt văn phòng và cơ sở dữ liệu của người sử dụng, tôi nghĩ việc này hết sức cần thiết, vì thông lệ quốc tế thì chúng ta đã biết trên thực tế mạng xã hội Facebook cũng đã đặt văn phòng đại diện trên 80 nước, hay Google cũng đặt 70 địa chỉ trên thế giới và việc này ảnh hưởng đến chủ quyền của quốc gia. Việc quy định các nhà cung cấp dịch vụ cần phải có đặt trụ sở hay văn phòng đại diện ở Việt Nam, theo tôi là hết sức cần thiết, khẳng định chủ quyền của đất nước.
Cuối cùng, một số đại biểu trao đổi rằng công tác giáo dục kiến thức về an ninh mạng cho học sinh và cán bộ công chức, đặc biệt là học sinh cần phải giảm tải, theo tôi là chưa phù hợp. Tôi nghĩ việc này hết sức cần thiết, trong khi xu hướng phát triển của xã hội ngày càng mạnh hơn, công nghệ thông tin ngày càng phát triển và trẻ em sử dụng các thiết bị thông minh như Smartphone ngày càng nhiều (chưa kể một số gia đình trang bị tivi và các thiết bị thông minh khác). Chính vì vậy việc giáo dục kiến thức về an ninh mạng cho các học sinh là hết sức cần thiết. Vấn đề ở đây là liều lượng, nội dung và phương pháp như thế nào sao cho phù hợp. Còn đối với cán bộ, công chức thì cần phải nâng cao trình độ cảnh giác về an ninh mạng. Chúng ta cần phải có chương trình cập nhật kiến thức an ninh mạng cho phù hợp với từng đối tượng chứ không nên bỏ vì chỉ sợ giảm tải.
(*) Tựa đề do tòa soạn đặt