Thứ Sáu, 25/10/2024 09:26 SA
Cùng nhau đoàn kết, đưa Phú Yên phát triển nhanh và bền vững (*)
Thứ Hai, 05/03/2018 07:55 SA

(Trích diễn văn của Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà tại lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử quốc gia Địa điểm diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Phú Yên)

 

Trong không khí cả nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, sáng 4/3/2018, UBND tỉnh Phú Yên long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia Địa điểm diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Phú Yên. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo, các vị khách quý, các vị đại biểu, đồng bào, đồng chí lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất.

 

Đồng chí Hoàng Văn Trà đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một chủ trương chiến lược đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta, có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở ra cục diện mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 

Dưới sự chỉ đạo của Khu ủy Khu V, cuối tháng 12/1967, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã họp để quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị về phương hướng chiến lược mới. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Phú Yên lấy mật danh là T25 do đồng chí Lư Giang - Tư lệnh Phân khu Nam thuộc Quân khu V làm Tư lệnh, đồng chí Trần Suyền - Khu ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên làm Chính ủy để thống nhất lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng.

 

Lực lượng vũ trang ta ở chiến trường Phú Yên đến tháng 1/1968 có Trung đoàn 10 (Ngô Quyền), Tiểu đoàn 14 đặc công thuộc Phân khu Nam. Ở tỉnh Phú Yên có Tiểu đoàn Bộ binh 85, Đại đội Đặc công 201 và 202, Đại đội Trợ chiến 167, Đại đội Công binh 50, Đại đội Trinh sát, Đại đội Thông tin 18, Đại đội Vận tải 23 và lực lượng ở các địa phương. Thực hiện kế hoạch, lúc 0 giờ 30 ngày 30/1/1968, Đại đội 202 chia làm nhiều mũi đồng loạt nổ súng tấn công vào các vị trí đóng quân của Trung đoàn 47 ngụy, khu cố vấn Mỹ trong thị xã. Cùng thời gian trên, Trung đội Quyết thắng đánh vào Ty cảnh sát ngụy. Ta nhanh chóng làm chủ trận địa, khống chế các mục tiêu trọng yếu. Đến 3 giờ 30, Tiểu đoàn 12 nổ súng tấn công vào sân bay Khu Chiến, phá hủy nhiều máy bay và phương tiện chiến tranh của địch, làm chủ gần hết sân bay; đánh sập lô cốt nhà lao, giải thoát khoảng 50 cán bộ của ta đang bị địch giam giữ tại đây.

 

Sau thời gian đầu bị bất ngờ, địch điều động lực lượng tổ chức phản kích. Ban chỉ huy Tiểu đoàn 12 quyết định dùng toàn bộ lực lượng của đơn vị bám trụ lại tại xóm Đạo và khu nhà 18 gian trong trung tâm thị xã để tổ chức đánh địch. Ngày 30/1/1968, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, địch tăng cường lực lượng pháo binh, Lữ đoàn dù 173, máy bay trực thăng vũ trang và bộ binh đánh tổng lực vào đội hình ta. Lực lượng ta đã đánh trả quyết liệt, bẻ gãy nhiều đợt phản kích của địch. 13 giờ 30 ngày 30/1/1968, địch dùng máy bay thả bom na-pan trúng sở chỉ huy, Tiểu đoàn trưởng và Chính trị viên Tiểu đoàn 12 hy sinh, nhưng cán bộ và chiến sĩ tiểu đoàn vẫn kiên quyết đánh địch giữ vững trận địa. Đến 15 giờ ngày 30/1/1968, địch dùng bom và đạn pháo hủy diệt trận địa ta, lực lượng ta bị thương vong nặng, song cán bộ, chiến sĩ vẫn quyết tâm chiến đấu. Đến 18 giờ cùng ngày, ta tổ chức rút lui về hậu cứ.

 

Cùng trong thời gian trên, tất cả các quận lỵ, chi khu của địch trên địa bàn tỉnh đều bị quân đội ta tấn công. Tại Tuy Hòa 1, ta tập kích vào sân bay Đông Tác, sân bay trực thăng Thọ Lâm, quận lỵ Phú Lâm, trận địa pháo Nam Triều Tiên ở Hảo Sơn. Tại Tuy An, ta tập kích vào quận lỵ Phú Tân, bao vây các đồn của quân Nam Triều Tiên, phá nhiều ấp chiến lược, đưa dân về làng cũ. Tại Sông Cầu, ta tập kích tiêu diệt trung đội dân vệ ở Xuân Cảnh, phục kích tiêu diệt đoàn xe quân sự của địch ở đèo Cù Mông. Tại Đồng Xuân, ta tập kích địch tại đèo Đá Ong, đánh vào các ấp chiến lược, khu dồn dân của địch. Tại Sơn Hòa, ta tấn công vào sân bay Củng Sơn, lô cốt Cây Đa và nhiều ấp chiến lược.

 

Phối hợp với các mũi tiến công của lực lượng vũ trang, các mũi nổi dậy của quần chúng nhân dân cũng đồng loạt diễn ra trên nhiều địa bàn. Ban chỉ huy đấu tranh chính trị, binh vận ở các địa phương sử dụng lực lượng tại chỗ để tấn công và nổi dậy, nhằm vào đối tượng ngụy quân, ngụy quyền, lôi kéo làm tan rã binh lính địch, chiếm trụ sở xã, phá ấp chiến lược, kêu gọi lính dân vệ rã ngũ, kêu gọi thanh niên thoát ly tham gia cách mạng.

 

Kết thúc đợt Tổng tiến công và nổi dậy lần thứ nhất, Đảng ủy Phân khu Nam và Tỉnh ủy Phú Yên chủ trương đẩy mạnh hoạt động chiến tranh du kích, sử dụng một số đơn vị tập trung đánh vào Trung đoàn 47, bao vây, pháo kích vào quận lỵ, căn cứ địch. Thời điểm này, địch rút bớt lực lượng ở các quận về tăng cường phòng thủ TX Tuy Hòa. Chúng dùng Lữ đoàn dù 173 Mỹ và Trung đoàn 47 ngụy mở rộng tuyến phòng thủ thị xã, rút một số chốt điểm quân Nam Triều Tiên để tăng thêm quân cơ động.

 

Thực hiện quyết tâm của Đảng ủy Phân khu Nam và Thường vụ Tỉnh ủy, đêm ngày 3 rạng ngày 4/3/1968, quân và dân Phú Yên tổ chức tiến công và nổi dậy lần thứ hai đánh vào TX Tuy Hòa và các quận lỵ, chi khu. Mục tiêu tiến công và nổi dậy là tập trung lực lượng, phương tiện với nỗ lực cao nhất để đánh chiếm TX Tuy Hòa, các quận lỵ, chi khu, tiêu diệt sinh lực địch, phá hủy phương tiện chiến tranh, hỗ trợ quần chúng đứng lên phá ấp trở về làng cũ.

 

Đêm ngày 3 rạng ngày 4/3/1968, Tiểu đoàn 85 cùng Đại đội Đặc công 202 tiến công vào căn cứ đóng quân của Trung đoàn 47 ngụy. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, các mũi xung kích của ta xông lên dùng bộc phá phá rào, địch dùng hỏa lực từ các lô cốt bắn ra dữ dội, ta không tiến được vào bên trong tuyến phòng thủ của địch. Mặc dù ta phá hủy được nhiều lô cốt, đánh chiếm được một phần Trung đoàn 47 nhưng không làm chủ được trận địa. Trời sáng, các trận địa pháo của địch ở gò Đá, núi Nhạn bắn cấp tập vào đội hình ta, ta phải lui về bám trụ tại Ninh Tịnh.

 

Cũng trong đêm ngày 3 rạng ngày 4/3/1968, Tiểu đoàn 12 phối hợp với Đại đội Quyết Thắng đánh vào Ty cảnh sát ngụy, địch bố trí phòng tuyến tại xóm Chùa - Ninh Tịnh, cuộc chiến đấu giữa ta và địch tại đây giằng co quyết liệt kéo dài từ giữa đêm đến gần sáng, ta làm chủ được một phần xóm Chùa và quyết định bám trụ tại địa bàn này để đánh địch phản kích.

 

Từ 5 giờ sáng 4/3/1968, bộ binh địch bắt đầu mở nhiều đợt tiến công vào xóm Chùa nhưng đều bị ta đánh lui. Đến 7 giờ sáng, địch dùng 7 xe M113 chia thành 2 cánh dẫn đầu bộ binh tiến công quân ta ở xóm Chùa và xóm Trường. Hai trong số 7 xe M113 của địch bị các chiến sĩ ta bắn cháy, địch chạy lùi lại, chờ tiếp viện. Đến 9 giờ, địch dùng 25 lượt máy bay trực thăng đưa quân Nam Triều Tiên đổ bộ xuống đồi cát bắc xóm Chùa. Mặt khác, địch huy động thêm 6 xe M113 đến tăng viện. Hàng chục tốp máy bay phản lực thay nhau ném hàng trăm quả bom hạng nặng, bom na-pan, bom bi xuống trận địa ta. Các trận địa pháo xung quanh thị xã bắn hàng trăm quả, thiêu hủy và san bằng toàn bộ nhà cửa của nhân dân xóm Chùa. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 85 và Tiểu đoàn 12 chiến đấu vô cùng dũng cảm...

 

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Phú Yên, nhân dân và lực lượng vũ trang của tỉnh đã phối hợp với bộ đội chủ lực tiến hành cuộc Tổng công kích vào tất cả các trung tâm lỵ sở và các địa bàn đóng quân của địch trên địa bàn tỉnh, trọng điểm là TX Tuy Hòa. Ta đã tiêu diệt hàng ngàn tên địch, phá hủy và thu nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, làm rung chuyển hệ thống chính quyền của địch trên địa bàn tỉnh. Qua các trận chiến đấu vô cùng ác liệt, nhiều cán bộ, chiến sĩ là những người con của Phú Yên cũng như trên nhiều vùng miền của cả nước đã xả thân vì nước, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng như liệt sĩ anh hùng Lê Trung Kiên, Nguyễn Thế Bảo, Nguyễn Anh Hào, Nguyễn Tất Liêu, Đỗ Khánh Đáp, Trần Đình Thám là những tấm gương sáng ngời không bao giờ phai mờ trong lòng dân Phú Yên.

 

Những hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Phú Yên đã góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân miền Nam, trực tiếp giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở ra cục diện mới cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Phú Yên là một trong những sự kiện lịch sử tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Phú Yên. Đây là thắng lợi của sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, binh địch vận; sự phối hợp của ba lực lượng: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích; phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể quần chúng và các căn cứ địa cách mạng trên địa bàn tỉnh trong suốt quá trình chiến đấu. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 để lại những bài học lịch sử vô giá, những kinh nghiệm quý báu trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, tại những nơi an nghỉ của các liệt sĩ hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể và nhân dân địa phương quan tâm tôn tạo và thường xuyên thăm viếng. Năm 2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng tiến hành lập hồ sơ khoa học di tích được Bộ VH-TT-DL quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Tại nơi đây, Tỉnh ủy Phú Yên đã quyết định xây dựng cụm công viên Tượng đài kỷ niệm cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Phú Yên. Dự án được triển khai trên tổng diện tích mặt bằng 7.100m2, tổng mức đầu tư 14,434 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, gồm các hạng mục chính: Đài tưởng niệm, nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nhà đón tiếp khách, sân hành lễ và các hạng mục phụ trợ. Công trình được hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

 

Để phát huy giá trị di tích lịch sử, UBND tỉnh giao UBND TP Tuy Hòa trực tiếp quản lý cụm công viên, đài tưởng niệm và 2 mộ liệt sĩ tập thể tại phường 9; phối hợp với Sở VH-TT-DL cùng các ngành liên quan bảo vệ và phát huy giá trị di tích phục vụ giáo dục truyền thống cách mạng, khẳng định tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử sâu sắc của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 để các thế hệ người Việt Nam nói chung, quân và dân Phú Yên nói riêng mãi mãi tự hào, tự tin vượt qua mọi khó khăn thách thức, góp phần xây dựng quê hương Phú Yên ngày càng phát triển.

 

Ngọn lửa khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 sẽ luôn là tinh thần, sức mạnh thôi thúc Đảng bộ, toàn dân, toàn quân tỉnh Phú Yên phát huy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cùng nhau đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, đưa Phú Yên phát triển nhanh, bền vững vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

---------------

(*) Tựa đề do tòa soạn đặt. 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek