Thứ Sáu, 25/10/2024 17:24 CH
Vận dụng Di chúc của Bác để phát triển văn hóa trong Đảng hiện nay
Thứ Ba, 06/02/2018 09:56 SA

Gần 50 năm trôi qua, kể từ ngày Bác ra đi vào cõi vĩnh hằng - những lời dạy trong Di chúc của Người để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vẫn mãi mãi là lời dạy thiêng liêng nhất. Học tập, vận dụng Di chúc của Bác để thấy tầm cao trí tuệ, tấm lòng yêu nước thương dân vô bờ bến của Người. Bản Di chúc lịch sử đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm trong đó là tất thảy ham muốn và tâm nguyện trọn cuộc đời của Người. Bản Di chúc thể hiện tầm nhìn văn hóa rộng lớn và trí tuệ văn hóa sâu sắc; dạt dào cảm xúc, chứa chan tình yêu và sự gắn bó sâu sắc với con người và thiên nhiên.

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định văn hóa tồn tại và phát triển trong mối liên hệ biện chứng với các yếu tố kinh tế, chính trị và chịu sự quy định của kinh tế, chính trị. Người cho rằng, chúng ta tiến lên chủ nghĩa xã hội nâng cao đời sống của nhân dân lao động cần phải có cả vật chất lẫn tinh thần, song không thể chỉ đặt trọng tâm vào kinh tế, mà phải chú trọng cả văn hóa, vì chủ thể của hoạt động kinh tế lại chính là con người và thước đo trình độ con người là văn hóa. Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa và giải quyết những vấn đề xã hội, cho nên nếu chỉ coi tăng trưởng kinh tế là mục tiêu duy nhất thì chẳng những môi trường văn hóa - xã hội bị hủy hoại mà mục tiêu kinh tế cũng không thể đạt được.

 

Theo Bác, văn hóa có thể giúp mở rộng hiểu biết, nâng cao dân trí; giúp bồi dưỡng những tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp của con người; bồi dưỡng những phẩm chất, phong cách và lối sống tốt đẹp, lành mạnh, giúp con người hướng đến chân, thiện, mỹ để hoàn thiện bản thân mình; khi văn hóa có thể vào sâu trong tâm lý quốc dân, sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, thì sẽ giúp cho ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng.

 

Như vậy, không chỉ coi trọng vai trò quyết định của kinh tế, chính trị tới văn hóa, Bác còn chỉ rõ vai trò to lớn, sự tác động trở lại của văn hóa đối với kinh tế, chính trị và xã hội, bởi văn hóa là cơ sở, động lực tinh thần cho sự phát triển bền vững mọi mặt đời sống xã hội, cho sự tiến bộ của xã hội.

 

Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa Đảng chính là trí tuệ, lương tâm và sự trong sạch của Đảng, để Đảng trở thành hình ảnh của phẩm giá, đạo đức con người Việt Nam. Trong xây dựng Đảng và xây dựng văn hóa Đảng, điều cốt yếu chính là chủ nghĩa nhân văn, ý chí phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn con người khỏi áp bức, bất công, bốc lột, vì hạnh phúc của nhân dân nói chung và của mỗi đảng viên nói riêng. Mục tiêu này phải thẩm thấu, lan tỏa từ chính hạt nhân là mỗi đảng viên của Đảng. Do đó, muốn xây dựng văn hóa Đảng, trước hết phải xây dựng thông qua mỗi đảng viên của Đảng. Trên tinh thần đó, để Đảng là đạo đức, là văn minh, trong Đảng không thể tồn tại một bộ phận đảng viên chạy theo lợi ích cá nhân, phá hoại sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: Đảng phải gồm những đảng viên luôn xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Để làm được như thế, trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình và mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Theo Người, một khi cán bộ, đảng viên thấm nhuần đạo đức cách mạng sẽ hướng lòng mình đến chí công vô tư, sẽ đoàn kết và “giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

 

Có thể nói, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ xuyên suốt quá trình phát triển của đất nước ta. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới hiện nay, để xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc, Đảng ta cần không ngừng xây dựng Đảng toàn diện về các mặt chính trị, tổ chức và nhất là về văn hóa. Chúng ta thường nói, thường viết xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mà chưa thấy nói nhiều xây dựng Đảng về văn hóa? Chắc chắn không phải, chỉ có điều phải hiểu vấn đề văn hóa thông qua chính trị, tư tưởng và tổ chức. Văn hóa là những giá trị chân, thiện, mỹ do con người sáng tạo, gìn giữ, lưu truyền, bồi đắp, phát huy nhằm hoàn thiện nhân cách. Văn hóa thuộc về con người, của con người, là chất người, tính người. Đảng là của con người, do con người, mà là những con người tiên tiến. Vì vậy, văn hóa và Đảng tất yếu có quan hệ bản chất.

 

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thậm chí không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là nền tảng nói chung của xã hội cho sự tồn vong và phát triển. Đảng là bộ phận tiên tiến của xã hội. Vậy nên, văn hóa phải làm nền tảng cho công việc xã hội nói chung, trong đó có xây dựng Đảng. Đảng càng phải văn minh, nhân văn, càng phải lấy văn hóa làm nền tảng. Khi ta nói văn hóa làm nền tảng cho công việc xây dựng Đảng tức là chủ yếu nói đến văn hóa trong chính trị, trong nhân cách của cán bộ, đảng viên.

 

Nỗ lực, quyết tâm xây dựng Đảng về văn hóa sẽ bảo đảm cho Đảng thành công trong lãnh đạo phát triển đất nước, chắc chắn Đảng sẽ được nhân dân tôn vinh và tự giác thừa nhận, khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất, đúng đắn của Đảng. Mọi đảng viên phải nhận thức đầy đủ trọng trách và sứ mệnh này của Đảng để thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng về văn hóa, vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng bằng sự chân thành, tâm huyết với đất nước, mong muốn cho đất nước có một Đảng chính trị chân chính, bản lĩnh và trí tuệ để tập hợp, phát huy sức mạnh của cả dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

LÊ NGỌC HƠN

Chánh Văn phòng Ban Nội chính Tỉnh ủy

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek