Thứ Sáu, 25/10/2024 17:25 CH
Những đóng góp của quân và dân Phú Yên
Thứ Ba, 06/02/2018 09:35 SA

Thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là tổng hợp sức người, sự đóng góp to lớn của cải vật chất, sự hy sinh cao cả của quân và dân Phú Yên, đã góp phần cùng cả nước đánh bại ý chí xâm lược lâu dài của đế quốc Mỹ đối với miền Nam Việt Nam.

 

Bộ đội hành quân trong cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 - Ảnh: Internet

 

Tương quan lực lượng

 

Năm 1968, đế quốc Mỹ đẩy cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam Việt Nam lên đỉnh cao nhất, hòng tiêu diệt quân chủ lực của ta, ráo riết phản công, chiến lược, chuyển hướng từ “tìm diệt” sang “quét và giữ”, thực hiện chính sách Việt Nam hóa chiến tranh, lấy kế hoạch bình định làm biện pháp chiến lược.

 

Để so sánh đúng tình hình địch, ta tại chiến trường Phú Yên đầu năm 1968, tình hình địch tại Phú Yên đầu năm 1968, về binh lực: Lữ dù 173 của Mỹ có hai tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo binh, có 16 khẩu pháo 105-155 ly. Căn cứ của lữ đoàn đóng ở Hòa Hiệp (Hòa Hiệp Trung) làm nhiệm vụ, càn quét đánh phá vùng hậu cứ của ta như: gò Sân, gò Chợ, Hòn Đác, Hòn Lúp, Sơn Long, Sơn Định… để ngăn chặn hành lang của ta.

 

Quân Nam Triều Tiên có hai trung đoàn, Trung đoàn 26 thuộc Sư đoàn Mãnh Hổ, đóng chốt các cao điểm dọc theo quốc lộ 1 từ Cù Mông, Sông Cầu vào Tuy An, trục đường 6 đến La Hai, căn cứ ở tại Đồng Bò, Tuy An; Trung đoàn 28 thuộc Sư đoàn Bạch Mã, đóng chốt từ gò Đá, Tuy Hòa vào đèo Cả, Tuy Hòa 1, căn cứ đóng tại Tân Hải, Hòa Hiệp (Hòa Hiệp Nam).

 

Quân ngụy có Trung đoàn 47 gồm 4 tiểu đoàn bộ binh, đứng chân ở TX Tuy Hòa 2; 25 đại đội bảo an, chốt giữ các quận lỵ, 8 đại đội biệt kích chốt giữ quận lỵ Củng Sơn, Sơn Hòa và Trung tâm Biệt kích Đồng Tre, Xuân Phước, Đồng Xuân, thường xuyên đánh phá hành lang vùng giải phóng; 54 trung đội dân vệ, bảo vệ các khu đồn, ấp chiến lược khống chế nhân dân. Ở tiểu khu có 2 đại đội cảnh sát dã chiến, bộ máy ngụy từ tỉnh xuống xã, phường còn nguyên vẹn. Về pháo binh có 1 tiểu đoàn pháo của Mỹ, 16 khẩu 105-155 ly. 2 tiểu đoàn pháo của Nam Triều Tiên, 32 khẩu 105-155 ly. Ngoài ra, địch còn có 4 khẩu pháo 175 ly (vua chiến trường) bố trí 2 khẩu ở Xuân Phước, 2 khẩu ở Củng Sơn, chuyên bắn phá những nơi nghi ngờ ta trú quân.

 

Về cơ giới gồm: 1 chi đoàn bọc thép M48 của Mỹ 18 chiếc, 2 chi đoàn xe bọc thép M13 của Nam Triều Tiên 24 chiếc, 1 chi đội xe bọc thép bánh lốp bảo vệ tỉnh đường và tuần tra trong thị xã.

 

Về máy bay: Sân bay Đông Tác có từ 13-15 máy bay phản lực F100-F105, sân bay trực thăng ở Hòa Hiệp có từ 20-40 chiếc, khi càn quét chúng tăng cường máy bay trực thăng vũ trang, máy bay trinh sát để hộ tống khi hành quân.

 

Tình hình lực lượng vũ trang ta, bộ đội chủ lực có Trung đoàn 10 (Ngô Quyền), 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn trợ chiến, 1 tiểu đoàn đặc công 430, hai đơn vị này trực thuộc Phân khu Nam.

 

Bộ đội địa phương tỉnh có Tiểu đoàn Bộ binh 85, 2 đại đội đặc công (201-202), 2 đại đội trợ chiến 167, Đại đội Công binh F50, Đại đội Trinh sát 21, Đại đội Thông tin 18 và Đại đội Vận tải 23.

 

Các lực lượng vũ trang trên địa bàn của tỉnh, qua 2 năm trực tiếp chiến đấu với quân Mỹ, Nam Triều Tiên rút ra nhiều kinh nghiệm về cách đánh, tổ chức, chỉ huy nên hiệu suất chiến đấu ngày càng cao. Nhưng do đối tượng tác chiến có phương tiện cơ động nhanh, hỏa lực hiện đại, ta chiến đấu dài ngày, trang bị thô sơ, thiếu thốn, lương thực khó khăn nên ảnh hưởng đến sức chiến đấu. Trước khi bước vào chiến dịch, mỗi đại đội có 25 tay súng, lương thực chỉ đủ trong 7 ngày.

 

Các huyện Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2, Tuy An, mỗi địa phương có 1 đại đội bộ binh, 1 đại đội đặc công. Sông Cầu, Đồng Xuân, Sơn Hòa mỗi địa phương có 1 trung đội bộ binh, các tiểu đội chuyên môn nhưng trang bị chủ yếu là vũ khí thu được của địch, thủ pháo lựu đạn do các tổ quân giới của huyện sản xuất, chất lượng kém.

 

Để chuẩn bị cho chiến dịch, Quân khu 5 quyết định thành lập chỉ huy thống nhất gồm: Bộ Tư lệnh Phân khu Nam, Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, Ban chỉ huy Trung đoàn 10, Ban chỉ huy Tỉnh đội Phú Yên lấy mật danh A9, do đồng chí Lữ Giang, Tư lệnh Phân khu Nam làm tư lệnh; đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy làm chính ủy. Chiến dịch tấn công và nổi dậy Mậu Thân ở Phú Yên mật danh T25. Quyết tâm của chiến dịch là tập trung toàn bộ lực lượng quân sự, tấn công vào tất cả các căn cứ của Mỹ, Nam Triều Tiên, các quận lỵ… diệt địch, phá phương tiện chiến tranh của địch; vận động quần chúng vùng lên phá ấp chiến lược, thành lập chính quyền cách mạng, làm tan rã chính quyền ngụy cấp xã.

 

Lược đồ của chiến dịch được chia làm 2 đợt: đợt 1 (T25) từ ngày 1-10/2, đợt 2 (T26) từ ngày 4-10/3, giữa 2 đợt tập trung bộ đội huyện, du kích các đội công tác đánh nhỏ lẻ làm cho địch không ổn định.

 

Diễn biến của chiến dịch

 

Ngày 20/1/1968, Đảng ủy A9 họp, nghe báo cáo công tác chuẩn bị chiến trường của các đơn vị trên các hướng, giao nhiệm vụ tổ chức hiệp đồng, phân công cán bộ, trực tiếp chỉ huy các hướng.

 

Ngày 28/1, các đơn vị tổ chức hiệp đồng, chuẩn bị vật chất sẵn sàng hành quân, tổ chức cho bộ đội ăn tết trước.

 

Ngày 29/1, các đơn vị tổ chức hành quân đến vị trí tập kết cuối cùng, cùng ngày Sở chỉ huy tiền phương hành quân vào vị trí chỉ huy, sườn phía tây, xã Hòa Quang. Riêng Tiểu đoàn Bộ binh 85 đang hành quân bị địch đổ biệt kích, nên bí mật xuyên đường không cho địch phát hiện, do đó không thực hiện được kế hoạch tác chiến đã định.

 

Đến 0 giờ 30 ngày 31/1, tất cả các hướng nổ súng tấn công theo kế hoạch. Đại đội Đặc công 202 đánh thẳng vào khu cố vấn Mỹ, khu Chỉ huy Trung đoàn bộ 47 ngụy, địch bị đánh bất ngờ chạy tán loạn, diệt một số tên cố vấn Mỹ và quân ngụy, phá hủy 2 lô cốt, sau đó địch củng cố phản kích quyết liệt, đơn vị hết đạn, phải tổ chức rút lui. Trung đội Quyết Thắng đánh chiếm một góc của ty cảnh sát, diệt một số tên địch. Đến gần sáng, lực lượng của ta rút lui.

 

Đến 3 giờ 30 ngày 1/2, Tiểu đoàn 12 mới đến vị trí triển khai chiến đấu, địch phát hiện, đơn vị tập trung hỏa lực bắn vào bên trong sân bay khu chiến, địch hoảng sợ chạy tán loạn, đơn vị khắc phục vật cản đánh chiếm bên trong làm chủ sân bay khu chiến, thu 2 pháo 105 ly, 3 xe tăng bọc thép (nhưng không sử dụng) nên không phát huy được. Khi trời vừa sáng, phát hiện trên các hướng ta đã rút lui, địch tập trung tấn công Tiểu đoàn 12, chiếm lại trận địa đã mất, thu lại pháo và xe tăng. Nhưng tiểu đoàn phản kích quyết liệt, địch sử dụng các trận địa pháo, máy bay bắn phá ác liệt, ta không có công sự nên bị thương vong nhiều. Đồng chí Hùng, Tiểu đoàn trưởng hy sinh; đồng chí Suy, Phó Chính ủy trung đoàn bị thương nặng, nhưng cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 12 rất anh dũng chiến đấu, còn người còn súng vẫn tấn công, thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 12 đã anh dũng tuyệt vời, làm cho địch khiếp sợ, nhân dân kính phục, tin tưởng. Đến 19 giờ cùng ngày, đơn vị tổ chức rút lui, trong thế bị địch bao vây nên không đưa được liệt sĩ về phía sau.

 

Hướng Tuy Hòa 1, Tiểu đoàn Đặc công 430, Đại đội Đặc công 201 nổ súng tấn công đúng kế hoạch và thời gian quy định, địch bị đánh bất ngờ, không kịp đối phó, các đơn vị nhanh chóng phát triển đánh chiếm các mục tiêu như: sân bay phản lực Đông Tác, sân bay trực thăng Thọ Lâm, Trung đoàn bộ Bạch Mã 28 của Nam Triều Tiên, cầu Bàn Thạch, quận Hiếu Xương diệt nhiều địch, phá nhiều phương tiện chiến tranh làm cho địch hoảng sợ, hướng Tuy Hòa 1 ta tấn công bất ngờ nên kết quả, hiệu suất chiến đấu cao.

 

Các huyện nổ súng đúng kế hoạch, tấn công vào tất cả các quận lỵ, các khu dồn, tiêu diệt một bộ phận địch, hỗ trợ cho nhân dân diệt ác, phá ấp chiến lược, đưa dân về làng cũ.

 

Ngày 4/2, A9 ra lệnh cho Tiểu đoàn Bộ binh 85, Đại đội 202 và bộ phận còn lại của Tiểu đoàn 12 do đồng chí Nguyễn Tất Liêu, Tỉnh đội trưởng chỉ huy tấn công đánh chiếm thị xã ngay trong đêm ngày 4 rạng sáng 5/2, lúc này địch đã cảnh giác tổ chức tuần tra rất cẩn mật, nhưng trinh sát tỉnh phát hiện khu vực nhà 18 gian địch sơ hở nên cả đơn vị hành quân 1 trục, tấn công vào nhà ga Tuy Hòa, sau đó chia làm 2 hướng tấn công, theo trục đường Trần Hưng Đạo, phát triển đánh chiếm đến đường Duy Tân, một hướng phát triển theo đường Lê Lợi, đánh chiếm nhà đèn, hai mũi phát triển tấn công thuận lợi, địch cả hai hướng đều bỏ chạy về phường 7 (Tỉnh đường). Trời vừa sáng, địch tập trung lực lượng, kết hợp với pháo binh, phi cơ phản kích quyết liệt, tiểu đoàn tổ chức bám trụ từng khu phố, từng căn nhà đánh trả quyết liệt, giữ từng căn nhà, khu phố, nhân dân lần đầu tiên mới thấy quân giải phóng anh dũng kiên cường chiến đấu ban ngày trong thành phố.

 

Trung đoàn Ngô Quyền, thiếu Tiểu đoàn 12 phục kích đèo Cù Mông, ngày 5/2, 9 xe chở quân Nam Triều Tiên từ Phú Tài vào chi viện Phú Yên, trung đoàn xuất kích diệt gọn 9 xe, làm chủ đèo Cù Mông, sau đó cơ động về Tuy Hòa 2 làm nhiệm vụ. Kết thúc đợt 1 (T25) ngày 12/2/1968, Đảng ủy A9 họp đánh giá kết quả đợt 1 đề ra nhiệm vụ đợt 2 (T26), mục tiêu tập trung lực lượng phường tiến đánh chiếm TX Tuy Hòa, diệt sinh lực cao cấp, phá phương tiện chiến tranh, làm cho địch đang dao động càng dao động hơn. Các huyện tập trung lực lượng đánh vào các quận lỵ chi khu, các ấp chiến lược hỗ trợ cho nhân dân phá ấp, giải tán chính quyền cấp xã, đưa dân về làng cũ.

 

Đảng ủy A9 tổ chức một bộ phận chỉ huy tiền phương gồm đồng chí Nguyễn Tất Liêu - Tỉnh đội trưởng, đồng chí Đỗ Khánh Đáp - chính trị viên, đồng chí Dư Quy (Hà Phùng) - Bí thư thị xã, trực tiếp chỉ huy. Trung đoàn Ngô Quyền về đứng chân Tuy Hòa 2, Tiểu đoàn 12 vừa được củng cố do đồng chí Bùi Lưu làm Tiểu đoàn trưởng, tăng cường cho Tỉnh đội Phú Yên để tấn công vào thị xã.

 

Đêm 4/3, Tiểu đoàn Bộ binh 85, Đại đội Đặc công 202 tấn công vào Trung đoàn bộ 47 ngụy, khu cố vấn Mỹ. Khi đội hình đến cách rào 100m, địch phát hiện 2 đơn vị tập trung hỏa lực tấn công đánh chiếm được một phần khu bộ 47 ngụy, địch phản kích quyết liệt, hai đơn vị tập trung hỏa lực đánh vào bên trong diệt một số tên địch, phá 2 lô cốt, trời vừa sáng thì 2 đơn vị tổ chức rút lui.

 

Tiểu đoàn 12 và Đại đội Quyết Thắng tấn công vào ty cảnh sát, hành quân đến xóm Chùa gặp địch, đơn vị triển khai chiến đấu, địch dùng xe tăng phản kích nhưng cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 12 kiên cường bám trụ, phản kích quyết liệt diệt 3 xe tăng, giữ vững trận địa, sau nhiều lần phản kích đều bị tiểu đoàn đánh bật, địch tập trung hỏa lực, pháo, máy bay đánh vào trận địa của ta, Sở chỉ huy bị trúng bom, đồng chí Liêu - Tỉnh đội trưởng, đồng chí Khánh - Chính trị viên hy sinh, đài 15W bị hỏng, nhưng trận địa vẫn được giữ vững. Đến 19 giờ trong ngày, đơn vị tổ chức rút lui, địch hình thành thế bao vây nên đơn vị vừa chiến đấu vừa rút lui không đưa được tử sĩ về phía sau.

 

Hướng Tuy Hòa 1, các đơn vị sử dụng hỏa lực, lực lượng đặc công, luồng sâu tập kích vào các mục tiêu quan trọng diệt nhiều tên địch, phá nhiều phương tiện chiến tranh, sân bay Đông Tác bị trúng đạn bốc cháy, thiệt hại nặng, địch rất hoang mang. Các huyện sử dụng lực lượng đặc công, bộ binh tập kích vào các quận lỵ chi khu, đánh phá các khu dồn, ấp chiến lược, diệt ác, đưa dân về làng cũ.

 

Kết quả tác chiến từ ngày 30/1-10/3/1968 (theo tài liệu tổng kết chiến dịch Xuân Mậu Thân của Tỉnh đội Phú Yên), các lực lượng vũ trang đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.114 tên địch. Trong đó có 349 tên lính Mỹ, 464 tên lính Nam Triều Tiên, phá hủy, phá hỏng một khối lượng lớn phương tiện chiến tranh của Mỹ gồm 47 máy bay các loại.

 

26 xe quân sự, trong đó có 5 xe M113 và M48, 10 khẩu pháo 105-155 ly, thu 50 máy thông tin các loại, đốt cháy hàng ngàn lít xăng, phá hủy hàng chục tấn đạn các loại. Phong trào đấu tranh chính trị binh địch vận, nhân dân đã vùng lên diệt ác phá kèm, thành lập chính quyền cách mạng, đưa dân về làng cũ, có 3.000 người tham gia đấu tranh trực diện với địch, đã giải phóng được 10 xã, 13 thôn, có 23.000 người dân trở về làng cũ làm ăn.

 

Thắng lợi Mậu Thân 1968 là sự thành công về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ cũng như nhân dân về lòng yêu nước, yêu quê hương, sự căm thù cao độ quân xâm lược, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, dù chúng có sức mạnh về quân sự, có phương tiện chiến tranh hiện đại, cán bộ, chiến sĩ đoàn kết, thương yêu, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng nên đã giành thắng lợi to lớn, buộc chúng phải xuống thang, ngồi lại đàm phán với ta ở Paris, rút quân Mỹ về nước. Cho dù hai năm sau đó, chế độ Sài Gòn mới sụp đổ, nhưng về mặt chiến lược, Mỹ đã thua từ Xuân Mậu Thân 1968.

 

Đại tá TRẦN VĂN MƯỜI

Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek