Thứ Tư, 16/10/2024 01:27 SA
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Bảo đảm tính đồng bộ trong công tác quy hoạch
Thứ Năm, 26/10/2017 08:50 SA

Đại biểu Đinh Văn Nhã phát biểu tại kỳ họp - Ảnh: MINH HỘI

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 25/10, các ĐBQH làm việc tại hội trường, thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch. Đa số đại biểu tán thành với việc thông qua dự án Luật Quy hoạch tại kỳ họp lần này để chuẩn bị cho Chiến lược quy hoạch giai đoạn 2021-2030.

 

Tại kỳ họp, đại biểu Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Phú Yên, đã phát biểu cơ bản nhất trí với tất cả nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Quy hoạch, và cũng sẽ biểu quyết thông qua dự án luật này tại kỳ họp này nếu như chúng ta đồng ý. Đại biểu Đinh Văn Nhã nêu 2 vấn đề:

 

Vấn đề thứ nhất liên quan đến chi phí lập và thẩm định quy hoạch. Nội dung này được quy định không thống nhất giữa luật này và Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đang thiết kế chi phí lập, thẩm định quy hoạch lâm nghiệp là nhiệm vụ chi thường xuyên, tức là một khoản chi trong chi thường xuyên thuộc lĩnh vực chi sự nghiệp kinh tế. Luật này thì thiết kế theo hướng chi lập và thẩm định là nhiệm vụ chi đầu tư phát triển. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội thảo luận và tôi có ý kiến bằng văn bản và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo tiếp thu theo hướng tôi đề nghị nếu như được sử dụng chi từ đầu tư thì phải coi nhiệm vụ công tác lập quy hoạch là một dự án đầu tư thì mới phù hợp với Luật Đầu tư công. Hướng tiếp thu là coi công tác quy hoạch là một dự án và sẽ sửa Luật Đầu tư công, tôi cơ bản nhất trí theo hướng này sẽ có điều kiện hơn cho công tác quy hoạch.

 

Hiện nay, trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đang thiết kế theo quy định của luật hiện hành thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên. Trong phân bổ ngân sách hàng năm từ trước đến nay, đến cả kỳ họp này thì trong dự toán ngân sách nhà nước chi cho công tác lập quy hoạch là một khoản chi trong lĩnh vực chi sự nghiệp. Trong phân bổ chi sự nghiệp thì hàng năm Quốc hội phân bổ tối đa chỉ khoảng 10% trong tổng chi thường xuyên. Trong lĩnh vực chi sự nghiệp thì có hàng chục nhiệm vụ chi quan trọng nên chi cho công tác lập quy hoạch là một khoản chi thấp nhất trong chi thường xuyên của ngân sách nhà nước hàng năm. Chính vì vậy mà công tác quy hoạch của chúng ta hiện nay chưa tốt.

 

Hôm nay, ta tiếp thu theo hướng chuyển sang chi đầu tư là một dự án thì tôi nghĩ nguồn lực để thực hiện công tác quy hoạch với nhiều loại quy hoạch như thiết kế của luật này. Hy vọng nguồn lực sẽ nhiều hơn và công tác quy hoạch sẽ chất lượng và hiệu quả hơn. Tôi tán thành với tiếp thu lần này. Tuy nhiên, hiện nay quy định giữa 2 dự thảo này là chưa thống nhất, tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tiếp thu theo hướng chuyển quy định tại điểm b khoản 1 Điều 98 quy định về chi ngân sách thường xuyên cho lĩnh vực lập và thẩm định quy hoạch sang khoản 2 Điều 98 tức là chi đầu tư phát triển để đảm bảo 2 luật này thống nhất. Từ nay về sau đề nghị Chính phủ hướng dẫn công tác lập và thẩm định quy hoạch là nhiệm vụ của chi đầu tư phát triển. Đó là vấn đề tôi nghĩ cần phải sửa, nếu không Quốc hội thông qua 1 vấn đề được quy định trong 2 luật này lại không thống nhất, không nhất quán.

 

Vấn đề thứ hai nói đến công tác quy hoạch, tôi hy vọng với dự thảo này thì chất lượng quy hoạch của chúng ta sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, đối với Việt Nam thì tôi quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thực hiện quy hoạch, đây là khâu có thể nói rất yếu. Khi thực hiện quy hoạch không tốt thì ảnh hưởng đến 2 nhóm lợi ích:

 

Một là đối với địa phương, nói đến quy hoạch là phải nói đến sử dụng đất của địa phương. Nhất là bây giờ chúng ta lại bổ sung quy hoạch vùng, chồng lấn giữa các địa phương mà không có chủ quản thì tôi nghĩ cũng là khó.

 

Hai là nếu như quy hoạch thực hiện chậm và người dân lâu nay sợ nhiều vấn đề nhưng người dân sợ kéo dài nhất là sợ quy hoạch treo. Từ thiết kế của dự án luật này liên quan đến phần tổ chức thực hiện, liên quan đến vấn đề này tôi thấy quy định còn hơi chung.

 

Theo tôi là đối với mỗi một nhóm quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, kể cả quy hoạch tỉnh thì mỗi một loại quy hoạch này nên thiết kế một điều bao gồm hệ thống các điều kiện về tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát, điều kiện về cơ chế chính sách, điều kiện về nguồn lực. Ví dụ, đối với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng phải là 2 quy hoạch, nhất là quy hoạch quốc gia phải là được ưu tiên bố trí nguồn lực nhiều nhất để thực hiện. Trong này tôi thấy thiết kế chung quá, kể cả cho quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng cũng là liệt kê các điều kiện, theo tôi phải có sự phân biệt để sau này thực hiện, có những vấn đề phải ưu tiên để thực hiện.

 

Trong hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, thậm chí kể cả quy hoạch tỉnh, ta gọi quy hoạch là chung như vậy nhưng trong quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng có những vấn đề thuộc về những lĩnh vực như hạ tầng những dự án trọng điểm hạ tầng quốc gia, những khu công nghiệp, những khu vực cảng. Theo tôi nghĩ nên có lựa chọn đối với mỗi một quy hoạch trong thực hiện cần phải thực hiện những nhiệm vụ gì trước?

 

Tránh để trường hợp những dự án trọng điểm quốc gia như hệ thống đường sắt của Việt Nam là trọng điểm quốc gia, ta tiếp quản từ thời kỳ Pháp thuộc sau hơn 70 năm sử dụng, có những đoạn xây dựng mới nhưng bây giờ ta vẫn nợ người dân mà coi như là chưa thực hiện được chính là hành lang an toàn 2 bên của hệ thống đường sắt trong phạm vi cả nước. Bây giờ chúng ta đã giải tỏa đền bù đâu? Người dân vẫn phải sống trong hành lang, ảnh hưởng đến an toàn.

 

Tôi nghĩ những vấn đề liên quan đến các quy hoạch quốc gia, vùng rất quan trọng liên quan đến hạ tầng thì có lẽ phải tính toán là có một số nhiệm vụ phải thực hiện trước 1 bước đó là đền bù, giải tỏa, di dân như điện hạt nhân ở Ninh Thuận, kể cả đến sân bay Long Thành. Quy hoạch 10-15 năm điện hạt nhân ta dừng rồi nhưng bây giờ ta đã giải quyết được vấn đề hệ lụy đến đâu? Liên quan đến người dân đây chính là thực hiện quy hoạch có lẽ phải có tính toán để ưu tiên.

 

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra hai dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Luật An ninh mạng.

 

MINH HỘI - BTV (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek