Thứ Hai, 28/10/2024 22:29 CH
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị G20
Thứ Bảy, 08/07/2017 11:04 SA

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn tham dự hội nghị - Ảnh: TTXVN

Chiều 7/7 theo giờ địa phương (tối cùng ngày theo giờ Hà Nội), nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa liên bang Đức Angela Markel, Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam bắt đầu tham dự các hoạt động của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg.

 

Hamburg được coi là thủ đô phía bắc của Cộng hòa Liên bang Đức và là một trung tâm tài chính, kinh tế của châu Âu, quốc tế với sự phát triển mạnh mẽ của tự do thương mại và toàn cầu hóa.

 

Diễn ra trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới có những biến chuyển sâu sắc, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2017 thu hút sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cấp cao các nước thành viên G20, các nước khách mời gồm: Việt Nam, Singapore, Tây Ban Nha, Na Uy, Hà Lan, Guinea (Chủ tịch Liên minh châu Phi), Senegal (Chủ tịch Tổ chức Đối tác mới cho phát triển châu Phi - NEPAD).

 

Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo các tổ chức quốc tế hàng đầu như Liên Hợp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Do tầm quan trọng của các thành phần tham dự và các nội dung bàn thảo, Hội nghị thượng đỉnh G20 thu hút khoảng 4.800 nhà báo đến từ 65 quốc gia trên thế giới tới theo dõi và đưa tin. 

 

Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của kinh tế toàn cầu như tăng trưởng, thương mại, đầu tư, tài chính quốc tế, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, năng lượng, hỗ trợ châu Phi, di cư, y tế, việc làm, số hóa và phụ nữ... Tại các phiên thảo luận trong ngày đầu tiên của G20, Hội nghị đánh giá phục hồi kinh tế thế giới đang tiến triển tích cực hơn, song tốc độ tăng trưởng vẫn chậm hơn kỳ vọng. Hội nghị khẳng định cam kết tăng cường hợp tác, sử dụng đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ, cải cách cơ cấu, chống chủ nghĩa bảo hộ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng và bao trùm. 

 

Hội nghị kêu gọi tăng cường hợp tác triển khai Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; cam kết lồng ghép việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 trong các hoạt động của G20; cam kết giảm khí thải thông qua tăng cường nghiên cứu, phát triển năng lượng sạch, sử dụng hiệu quả năng lượng... Hội nghị đã ghi nhận việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; nhấn mạnh các nước thành viên khác trong G20 tiếp tục thực hiện các cam kết theo Hiệp định Paris, trong đó có cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển giảm nhẹ tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

 

Được mời phát biểu với tư cách là diễn giả chính tại phiên thảo luận về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và năng lượng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời cũng chịu tác động tiêu cực của việc khai thác và sử dụng không bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mekong. 

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực hoàn thành sớm 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG-2030) của Liên Hợp Quốc, trong đó ưu tiên các vấn đề giảm nghèo, bất bình đẳng, giáo dục, năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã và đang lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển, thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào 2030 và có thể giảm tới 25% nếu nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của quốc tế... 

 

Với vai trò Chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đã thúc đẩy những chủ đề ưu tiên trong Nghị sự APEC 2017 là phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả năng lượng; đang phối hợp với các thành viên APEC thúc đẩy trao đổi sâu rộng về phát triển bao trùm cả về kinh tế, xã hội và tài chính. 

 

Thủ tướng hoan nghênh G20 đã nhất trí cam kết nỗ lực bảo đảm việc quản lý, sử dụng hiệu quả và trách nhiệm tài nguyên nước; đề nghị G20 và cộng đồng quốc tế nâng cao trách nhiệm, ý thức tự cường, nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế và phối hợp hành động hiệu quả, tăng cường hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm. 

 

Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2017 với tư cách là chủ nhà APEC 2017. Đây là lần thứ ba Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Năm 2010, Việt Nam đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Canada và Hàn Quốc trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Tại Hội nghị lần này, Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận tại hầu hết các hội nghị quan trọng của G20, đóng góp nhiều ý kiến có trách nhiệm trong quá trình xây dựng tuyên bố chung và các văn kiện của G20.

 

Chính giới và báo chí Đức đã đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại hội nghị lần này. Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh trên thế giới hiện còn tồn tại nhiều bất đồng trong việc giải quyết các vấn đề về tự do hóa thương mại, chống biến đổi khí hậu toàn cầu cùng hàng loạt điểm nóng. Điều này ảnh hưởng đến vai trò liên kết các nền kinh tế của G20 và mục tiêu “định hình một thế giới kết nối” mà nước Đức đã đề ra trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 năm nay. 

 

Tìm kiếm sự đồng thuận trong giải quyết các vấn đề nóng của thế giới là mục tiêu chính của nước chủ nhà Đức cũng như các quốc gia thành viên G20 tại Hội nghị thượng đỉnh lần này. Việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 cho thấy quốc tế ngày càng đánh giá cao vai trò cũng như đóng góp của Việt Nam trong tiến trình phát triển của thế giới.

 

Nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức Rolf Mützenich đồng thời là Phó Chủ nhiệm cơ quan phụ trách các vấn đề quốc tế của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách khách mời. Chúng tôi có rất nhiều điều để nói về vấn đề này, bởi Việt Nam có một vị trí đặc biệt tại khu vực ASEAN”.

 

Theo ông Mützenich, Việt Nam với tư cách là Chủ tịch APEC 2017 đóng vai trò rất quan trọng trong việc chia sẻ những khó khăn, thách thức được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này. Theo ông, những quan điểm của khu vực châu Á rất có ý nghĩa đối với sự phát triển của thế giới, giải quyết các vấn đề xung đột quốc tế cũng như hợp tác cùng có lợi giữa châu Á và châu Âu.

 

Chia sẻ quan điểm với ông Mützenich, tiến sĩ Rodion Ebbighausen - phóng viên Kênh truyền hình Deutsche Welle (Sóng Đức) nhận xét: “Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang đóng vai trò rất quan trọng đối với khu vực ASEAN và với Hội nghị thượng đỉnh G20, một diễn đàn rất quan trọng, được thành lập bởi các nước công nghiệp phát triển trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Việt Nam có cơ hội để thiết lập những mối quan hệ chặt chẽ và phát triển hơn nữa với các quốc gia G20”. Ông Ebbighausen cho rằng với tư cách là Chủ tịch APEC 2017, Việt Nam sẽ có những đóp góp quan trọng với Hội nghị thượng đỉnh G20, nhất là trong các vấn đề thương mại tự do và toàn cầu hóa, vấn đề chống biến đổi khí hậu.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia Đức, năm 2017 là năm mang đến nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Đức khi Đức làm Chủ tịch G20 và Việt Nam là Chủ tịch APEC với những điểm tương đồng về diện tích, dân số và sự đan xen lợi ích giữa hai nền kinh tế. Đức là nền kinh tế hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), sở hữu sức mạnh về đầu tư, khoa học, công nghệ. 

 

Trong bối cảnh một số thị trường truyền thống có nhiều khó khăn, Đức và EU cần tìm kiếm những thị trường tiềm năng đầu tư và phát triển. Thị trường, hàng hóa Việt Nam và vốn đầu tư, khoa học - công nghệ Đức là tiềm năng lớn thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước. Vì vậy, các chuyên gia Đức cho rằng thành công trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Đức sẽ góp phần quan trọng trong liên kết kinh tế khu vực Á - Âu giữa ASEAN và EU.

 

Theo TTXVN, Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek