Chiều qua (24/10), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm và thảo luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật này. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp.
Đầu giờ chiều, Quốc hội đã nghe Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.
Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường để thảo luận dự luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm - Ảnh: VOV
Báo cáo cho thấy, sau khi được chỉnh lý, Dự thảo Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm gồm 6 chương với 63 điều, tăng 4 điều so với dự thảo đã trình Quốc hội XI tại kỳ họp thứ 10 do tách các nội dung có liên quan đến việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh thành một mục riêng, đồng thời bổ sung, sửa đổi một số nội dung như vấn đề vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành và người dân khi có dịch xảy ra, các quy định đặc biệt hạn chế một số quyền công dân như cách ly y tế, hạn chế ra vào vùng có dịch...
Thảo luận tại hội trường, các Đại biểu Quốc hội đồng tình với phần lớn các nội dung trong dự thảo luật và nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; cho đây là một bước quan trọng để hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mỗi người dân cũng như trách nhiệm của cộng đồng trong lĩnh vực phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề nghị, dự án luật cần phân loại và quy định rõ các loại bệnh truyền nhiễm, yêu cầu phải xử lý tốt chất thải y tế; có chính sách phòng, chống dịch cụ thể đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; quy định chi tiết nội dung kiểm dịch y tế ở biên giới...
Vấn đề câu chữ sử dụng trong dự thảo luật cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Triệu Mùi Nái (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang) đề nghị ngoài tên một số bệnh, tác nhân gây bệnh bằng tiếng Anh, cần có phiên âm tiếng Việt để bà con đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa cũng hiểu được. Cũng liên quan đến vấn đề câu chữ, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đề nghị chỉnh sửa một số tên, thuật ngữ khoa học cho chính xác.
Theo một số đại biểu, vấn đề ngân sách cho y tế dự phòng cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến công tác dự phòng bệnh và phòng, tránh bệnh truyền nhiễm đạt hiệu quả không cao.
Theo VOV