Năm 1994, trong chuyến thăm và làm việc tại Phú Yên, Tổng Bí thư Đỗ Mười ân cần thăm hỏi đồng chí Phan Ngọc Bích và xúc động bày tỏ: “Đảng vững mạnh như ngày hôm nay khơi nguồn từ những đảng viên đầu tiên, lão đồng chí Phan Ngọc Bích là một trong những đảng viên cộng sản tiền bối, là một trong những hạt giống đảng đầu tiên của Đảng ta”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư) chúc mừng đồng chí Phan Ngọc Bích nhận Huy hiệu 80 tuổi Đảng năm 2010 - Ảnh: MINH KÝ |
Năm 2005, trong lễ mừng đại thọ đồng chí Huỳnh Nựu (Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên 1938-1939) 90 tuổi, đồng chí Phan Ngọc Bích hào sảng nâng cốc: “Chú và tôi vui sống 10 năm nữa để mừng cho quê hương, đất nước đang đổi thay từng ngày”. Tiếc rằng, chỉ hai năm sau đồng chí Huỳnh Nựu ra đi, còn bậc đàn anh cộng sản của ông sống thêm được một giáp 12 năm.
Bậc lão thành cuối cùng của Chi bộ Đảng Phú Yên đầu tiên vừa ra đi vào cõi vĩnh hằng vào buổi bình minh ngày 16/4/2017, đại thọ 107 tuổi, vượt xa tuổi bách tuế nhiều người mơ ước, để lại sự kính trọng tiếc thương sâu sắc trong lòng Đảng bộ và nhân dân, dẫu biết rằng đây là quy luật tử sinh.
Đồng chí Phan Ngọc Bích (bí danh Việt Hồng) sinh ngày 15/8/1911 tại thôn Đồng Bé, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân (nay là thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) là một trong chín hạt giống đỏ đầu tiên của Chi bộ Đảng Phú Yên đầu tiên. Ông là một trong hai đảng viên của cả nước vinh dự được nhận Huy hiệu 85 tuổi Đảng đầu xuân 2015 (đảng viên lão thành thứ hai là đồng chí Phạm Thị Trinh, phu nhân cố trung tướng Nguyễn Chánh - nguyên Tư lệnh Quân khu 5). Cuộc đời ông là tấm gương trong về phẩm chất cộng sản cao quý, là vốn quý tinh thần của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên, là niềm tự hào của người dân về sống vui, sống khỏe, sống thọ, sống có ích, đã đúc kết thành ca dao về đất và người Phú Yên:
Phú Yên có đảnh (đỉnh) Cù Mông
Có hòn Nhạn Tháp, có dòng sông Ba
Có cô con gái Tuy Hòa
Con trai Phường Lụa, ông già La Hai.
Đảng viên lão thành Phan Ngọc Bích có một tuổi thơ nhọc nhằn và bất hạnh. Hai cụ thân sinh có ba người con thì hai người bị bạo bệnh chết non, chỉ còn lại mình ông. Khi ông lên 6, thân phụ qua đời, thân mẫu đau buồn bỏ đi biệt tích. Ông được ông bà nội nuôi dưỡng. Khi ông vừa tròn 18 tuổi thì ông bà nội đều qua đời. Hoàn cảnh bi thương của gia đình hun đúc trong ông ý chí tự lập từ nhỏ. Ông học nghề may và cả nghề hớt tóc dạo để tự mưu sinh. Ông sinh ra và lớn lên ở một vùng đất có truyền thống quật cường (là “Tây Sơn trung đại” thời Tây Sơn khởi nghiệp, là cái nôi của cuộc khởi nghĩa Nguyễn Bá Sự, Võ Trứ… thời sau Cần Vương). Kế tục hào khí tiền nhân, người thanh niên Phan Ngọc Bích vừa bước vào đời đã thấm thía nỗi nhục mất nước. Khi Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ra đời tại Phú Yên năm 1928, đã tổ chức Hưng Nghiệp hội xã ở nhiều nơi, trong đó có La Hai, để tập hợp, giác ngộ thanh niên làm cách mạng.
Năm 1929, người thanh niên Phan Lưu Thanh (người anh trong họ tộc của Phan Ngọc Bích) - thành viên chủ chốt của Hưng Nghiệp hội xã La Hai - vào Sài Gòn học lái xe ở Trường cơ khí Chu Văn Hai. Hai đảng viên An Nam Cộng sản Đảng là Tư Rèn, Nguyễn Chương (công nhân xưởng đóng tàu Ba Son) giới thiệu Phan Lưu Thanh gia nhập Đảng Cộng sản tại Chi bộ Thị Nghè, được Đảng phân công trở về quê gieo mầm cộng sản. Người cộng sản đầu tiên của tỉnh Phú Yên Phan Lưu Thanh dày công tập hợp tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cộng sản cho thanh niên quê nhà.
Ngày Quốc tế lao động 1/5/1929, đồng chí Phan Lưu Thanh tổ chức treo cờ đỏ búa liềm và rải truyền đơn cách mạng ở tỉnh lỵ Sông Cầu, tạo một sự kiện động trời làm phấn chấn những người yêu nước.
Lãnh đạo tỉnh và gia đình tận tình chăm sóc đồng chí Phan Ngọc Bích - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 12 Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/1929), đồng chí Phan Lưu Thanh giao nhiệm vụ cho Phan Ngọc Bích cùng ba thanh niên yêu nước in ấn truyền đơn và chọn đồng chí Phan Ngọc Bích vào rải truyền đơn ở phủ lỵ Tuy Hòa. Trong vai người hớt tóc dạo, đồng chí Phan Ngọc Bích rải truyền đơn ở chợ Tuy Hòa, dọc các trụ điện và sau đó mua vé xem hát cải lương để rải truyền đơn trong rạp hát. Thực dân Pháp lồng lộn, huy động toàn bộ các đồn cảnh sát truy lùng và kiểm soát gắt gao.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trên cơ sở thống nhất ba tổ chức cộng sản ở ba miền. Sự kiện này tác động sâu sắc đến Phú Yên về sự tất yếu hình thành chi bộ Đảng đầu tiên.
Ngày Quốc tế lao động 1/5/1930, đồng chí Phan Ngọc Bích được phân công cùng một số thanh niên yêu nước treo cờ Đảng và rải truyền đơn tại tỉnh lỵ Sông Cầu kêu gọi thợ thuyền, dân cày và binh lính vùng lên chống bất công, áp bức, bóc lột.
Cờ đỏ búa liềm ngạo nghễ tung bay trên cây me cổ thụ nhà riêng Công sứ Pháp, Sở Lục Lộ, đồn Khố Xanh Sông Cầu. Truyền đơn được rải từ cầu Tam Giang đến cầu Thị Thạc và nhiều nơi khác trong tỉnh như La Hai, Chí Thạnh, phủ lỵ Tuy Hòa.
Ngày 1/8/1930, đồng chí Phan Ngọc Bích tham gia treo cờ đỏ búa liềm ở sân quần vợt Quang Ích Hội (nay là Bưu điện Sông Cầu), Trường tiểu học Pháp - Việt, đồn lính Khố Xanh. Truyền đơn cách mạng tràn ngập tỉnh lỵ Sông Cầu. Chính quyền thực dân và phong kiến Nam Triều ở Phú Yên lồng lộn truy tìm gắt gao.
Qua thử thách, đồng chí Phan Lưu Thanh kết nạp Phan Ngọc Bích và 7 đồng chí khác vào Đảng Cộng sản, chính thức thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên ngày 5/10/1930.
Tháng 1/1931, từ những hạt giống đỏ đầu tiên, Đảng bộ Phú Yên hình thành được 17 chi bộ với 78 đảng viên, đủ điều kiện thành lập Tỉnh ủy.
Tháng 3/1931, Xứ ủy Trung kỳ điều động Bí thư Tỉnh ủy Phan Lưu Thanh và đồng chí Phan Ngọc Bích về Xứ ủy phụ trách công tác ấn loát.
Khi nổ ra phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp khủng bố trắng những người cộng sản. Tại Phú Yên, địch truy bắt trên 500 người, cả đảng viên và quần chúng cốt cán. Đồng chí Phan Ngọc Bích may mắn trốn thoát 4 cuộc ruồng bố khốc liệt của địch, được Tỉnh ủy phân công tiếp tục vào Tuy Hòa tuyên truyền lý tưởng cộng sản.
Ông là người gieo mầm cộng sản ở đồng bằng Tuy Hòa, trực tiếp kết nạp các đồng chí Nguyễn Chấn, Lê Tấn Thăng, Nguyễn Tự Đoan, Trương Huề (Bốn Nhà Thương) vào Đảng và chính thức thành lập Chi bộ Đảng phía nam tỉnh ngày 24/11/1931 (ngày rằm tháng 10 năm Tân Mùi) tại chùa Ông dưới chân núi Nhạn.
Sau khi thành lập chi bộ đảng đầu tiên ở đồng bằng Tuy Hòa, đồng chí Phan Ngọc Bích trở về báo cáo với lãnh đạo Tỉnh ủy ở Nhà lao Sông Cầu thì bị địch bắt.
Ra tù, ông tiếp tục lao vào hoạt động. Tỉnh ủy phân công lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân trồng mía với chủ Nhà máy đường Đồng Bò Hygenol.
Sau đó, ông được Tỉnh ủy điều động về tham gia Ủy ban Khởi nghĩa huyện Đồng Xuân.
Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Phan Ngọc Bích được phân công làm Chủ tịch UBND lâm thời xã Xuân Phước một thời gian ngắn, rồi được Đảng phân công làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh huyện Sơn Hòa năm 1946.
Trong ba năm 1947-1949, tổ chức Đảng điều động đồng chí Phan Ngọc Bích về Đồng Xuân đảm nhận cương vị Huyện ủy viên, Bí thư Nông hội huyện.
Từ tháng 10/1949-12/1950, đồng chí Phan Ngọc Bích được Đảng phân công làm Phó Chủ tịch Hội đồng giảm tô tỉnh Phú Yên. Từ năm 1951-1954, đồng chí làm Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân. Tháng 8/1954, đồng chí làm Bí thư, Trưởng Đoàn cán bộ tập kết ra Bắc đợt 1, công tác trong đoàn cải cách ruộng đất tại tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 1955-1957, đồng chí công tác tại Phòng Nhân công thuộc Bộ Lao động. Năm 1958, đồng chí tha thiết xung phong vào vùng giới tuyến, được Đảng chấp thuận và phân công nhiệm vụ Bí thư Liên Chi ủy Liên đoàn sản xuất Miền Nam đóng quân tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Sau Nghị quyết 15, đồng chí Phan Ngọc Bích cùng nhiều bậc đảng viên tiền bối thời 1930-1945 tha thiết tình nguyện trở về quê hương chiến đấu. Tổ chức Đảng cân nhắc chu đáo, toàn diện và chỉ phân công đồng chí Huỳnh Lưu (ở lứa tuổi trên 40) trở về tham gia Tỉnh ủy Phú Yên (đồng chí Huỳnh Lưu đại diện Tỉnh ủy về Hòa Thịnh chỉ đạo cuộc Đồng khởi năm 1960). Sau nhiều lần kiên trì đề nghị trở về Nam chiến đấu không được tổ chức chấp nhận (do tuổi cao), đồng chí Phan Ngọc Bích nằng nặc đề nghị xin về công tác vùng giới tuyến (giáp ranh vĩ tuyến 17) và được cấp trên chấp thuận là hạt nhân tiên phong xây dựng Nông trường Lệ Ninh (tên ghép của huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Từ năm 1960 đến ngày nghỉ hưu (tháng 12/1971 tròn 60 tuổi), đồng chí Phan Ngọc Bích lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Đảng ủy viên, Trưởng Phòng Tổ chức, Phó Giám đốc Nông trường Lệ Ninh, Chủ tịch Ủy ban hành chính thị trấn Nông Trường Lệ Ninh. Bà con huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, các đơn vị bộ đội, và thế hệ thanh niên xung phong thời chống Mỹ cùng công nhân Nông trường Lệ Ninh luôn khắc ghi trong tim hình ảnh một đảng viên tiền bối miền Nam đã xả thân vì sự nghiệp chung trên vùng hỏa tuyến để góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau giải phóng, đồng chí Phan Ngọc Bích trở về quê hương Phú Yên, dùng lương hưu chắt chiu mua một ngôi nhà nhỏ ở phường 6, TX Tuy Hòa và vui sống cho đến cuối đời, không hề phiền hà đến Nhà nước về chính sách nhà ở mà ông xứng đáng được nhận.
Về lại quê hương, dù đã nghỉ hưu nhưng là đảng viên tiền bối, ông không nề hà và vui vẻ nhận nhiều nhiệm vụ do tổ chức Đảng cơ sở phân công và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ông còn tham gia lao động sản xuất, để nói như ông, là rèn luyện sức khỏe, có nhiều niềm vui và kiếm thêm chút thu nhập chính đáng. Ông là một trong những “bộ sử sống” của Đảng bộ Phú Yên, đặc biệt là giai đoạn 1930-1945 và 1945-1954.
Trong những cuộc gặp gỡ các bậc lão thành cách mạng do Thường trực Tỉnh ủy tổ chức, ông luôn được các bậc lão thành cách mạng đã từng là Bí thư Tỉnh ủy (Huỳnh Nựu, Nguyễn Chấn, Lê Thứ, Trần Suyền, Lương Công Huề, Nguyễn Phụng Minh…) cung kính mời phát biểu với tư cách là đàn anh cách mạng. Ý kiến của ông rất chân thành nhưng thẳng thắn, bộc trực, rất có ích cho việc xử lý các khúc mắc để tạo sự đồng thuận cao trong lòng Đảng bộ vì mục tiêu cao cả dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Ông biết chữ Nho (tiếng Hán) và tiếng Pháp (đủ để đấu lý với chủ Nhà máy đường Đồng Bò Hygenol). Thỉnh thoảng hứng chí ông cũng ngẫu hứng làm thơ, những vần thơ chân phương thấm đẫm tình đời, tình người và qua di cảo (bút tích để lại), chúng tôi sẽ giới thiệu trong một dịp khác.
Vĩnh biệt ông, người cộng sản tiền bối cuối cùng của chi bộ Đảng đầu tiên, hậu thế cúi đầu tưởng nhớ một nhân cách cộng sản không màng công danh, không mưu cầu lợi lộc nào, dù là nhỏ nhất cho bản thân mình. Điếu văn do Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lương Minh Sơn trình bày và dòng người đến viếng, tiễn ông về cõi vĩnh hằng ngày 17/4/2017, thế hệ hậu sinh cảm nhận sâu sắc rằng, ông - người cộng sản từ lòng dân ra đi, hai bàn tay trắng đến với cách mạng để góp phần nhỏ nâng số phận dân tộc, trong đó có bản thân mình, đã mãi mãi yên nghỉ trong lòng dân, yên nghỉ trong những giá trị cộng sản vĩnh hằng đã và đang trở thành hiện thực trên quê hương, đất nước thân yêu của chúng ta.
PHAN THANH