Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Nghị quyết bao gồm 4 chương 40 điều quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và văn bản quy phạm pháp luật liên tịch trong đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một chủ thể ban hành (văn bản). Nghị quyết này không quy định thể thức và kỹ thuật trình bày Hiến pháp và văn bản sửa đổi Hiến pháp.
Về thể thức văn bản, Nghị quyết quy định phần mở đầu (gồm: Quốc hiệu và Tiêu ngữ, tên cơ quan ban hành, số, ký hiệu của văn bản, địa danh, ngày, tháng, năm ban hành văn bản, tên văn bản, căn cứ ban hành văn bản); phần nội dung (bố cục văn bản, văn bản ban hành kèm theo) và phần kết thúc văn bản (thông tin về thời điểm Quốc hội thông qua luật, nghị quyết, chức vụ, họ và tên của người có thẩm quyền ký văn bản, trình bày dấu trên văn bản và nơi nhận văn bản).
Quy định cụ thể về căn cứ ban hành văn bản, Nghị quyết nêu rõ: Căn cứ ban hành văn bản là văn bản quy phạm pháp luật quy định nội dung, cơ sở để ban hành văn bản, có hiệu lực pháp lý cao hơn; đang có hiệu lực hoặc đã được công bố hoặc ký ban hành, tuy chưa có hiệu lực nhưng phải có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm với văn bản được ban hành.
Luật được ban hành căn cứ vào Hiến pháp. Nghị quyết của Quốc hội được ban hành căn cứ vào Hiến pháp, luật (nếu có). Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị quyết liên tịch được ban hành căn cứ vào Hiến pháp; luật, nghị quyết của Quốc hội (nếu có).
Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước được ban hành căn cứ vào Hiến pháp; luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nếu có).
Trường hợp văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn có điều, khoản giao quy định chi tiết thì phải nêu cụ thể điều, khoản đó tại phần căn cứ ban hành văn bản quy định chi tiết. Trường hợp văn bản quy định chi tiết nhiều điều, khoản hoặc vừa quy định chi tiết các điều, khoản được giao vừa quy định các nội dung khác thì không nhất thiết phải nêu cụ thể các điều, khoản được giao quy định chi tiết tại phần căn cứ ban hành văn bản, nhưng phải được nêu đầy đủ trong phần quy định về phạm vi điều chỉnh của văn bản.
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng quy định rõ kỹ thuật trình bày nội dung và kỹ thuật trình bày hình thức văn bản.
Theo đó, việc sắp xếp các quy định về cùng một vấn đề trong phần, chương, mục, tiểu mục phải bảo đảm nguyên tắc: Quy định chung được trình bày trước quy định cụ thể; quy định về nội dung được trình bày trước quy định về thủ tục; quy định về quyền và nghĩa vụ được trình bày trước quy định về chế tài; quy định phổ biến được trình bày trước quy định đặc thù; quy định chung được trình bày trước quy định ngoại lệ.
Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản là tiếng Việt; cách diễn đạt phải chính xác, rõ ràng, dễ hiểu. Trong văn bản có từ ngữ chuyên môn cần phải làm rõ nội dung thì từ ngữ đó phải được giải thích. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2017. Việc ban hành Nghị quyết nhằm bảo đảm sự chuẩn mực, thống nhất về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Theo Chinhphu.vn