Chiều 29/3, tại phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi tiếp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Thượng viện) Liên bang Thụy Sĩ Ivo Bischofberger nhân dịp sang thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Chủ tịch Thượng viện) Liên bang Thụy Sĩ Ivo Bischofberger - Ảnh: TTXVN |
Nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Ivo Bischofberger sang thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh Việt Nam và Thụy Sĩ có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp với bề dày lịch sử gần nửa thế kỷ qua. Thụy Sĩ là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Chủ tịch nước khẳng định Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu và hiệu quả mà Chính phủ và nhân dân Thụy Sĩ đã dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Việt Nam luôn coi trọng củng cố và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Thụy Sĩ.
Bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ, nhất là trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao việc năm 2016, hai nước đã kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoai giao với nhiều hoat động ý nghĩa, trong đó có sự kiện Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ; hài lòng nhận thấy hai nước thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao.
Trên tinh thần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao và khẳng định chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Ivo Bischofberger đã góp phần tăng cường hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước, qua đó thúc đẩy quan hệ song phương. Phía Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị đón Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ thăm Việt Nam vào tháng 7/2017. Chủ tịch nước đề nghị hai nước duy trì trao đổi đoàn các cấp thường xuyên, nhằm đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Thụy Sĩ đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết Việt Nam đánh giá cao Thụy Sĩ và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) đã công nhận quy chế Kinh tế thị trường cho Việt Nam (7/2012). Trên cơ sở này, Việt Nam mong muốn Thụy Sĩ ủng hộ việc các bên tiếp tục đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EFTA, hướng đến một hiệp định cân bằng, tiêu chuẩn cao, có tính đến lợi ích của nhau và trình độ phát triển giữa Việt Nam và các nước thành viên EFTA theo đúng nguyên tắc và định hướng mà hai bên đạt được trước khi đàm phán. Phía Việt Nam tin rằng sau khi được ký kết, FTA giữa Việt Nam và EFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Nhà nước Việt Nam mong muốn ngày càng có nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, du lịch... Thụy Sĩ hiện là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam tại châu Âu, là nhà đầu tư lớn thứ ba trong các nước châu Âu tại Việt Nam (tổng số vốn FDI đạt 2,9 tỷ USD).
Cùng với đó, Việt Nam rất mong muốn Thụy Sĩ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao, gắn nghiên cứu khoa học - công nghệ với đào tạo tại các trường đại học và trung tâm nghiên cứu; tăng số lượng học bổng để tạo điều kiện cho nhiều sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại Thụy Sĩ trong các ngành luật, ngân hàng, kỹ thuật cao, du lịch...
Trên cơ sở quan hệ song phương tốt đẹp, sự phối hợp hiệu quả trên các diễn đàn đa phương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Thụy Sĩ ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng gửi tới Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ lời thăm hỏi, chúc sức khỏe và lời mời sang thăm Việt Nam. Chủ tịch nước cũng cảm ơn và đề nghị Nhà nước Thụy Sĩ tiếp tục tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ ổn định cuộc sống, hòa nhập vào xã hội sở tại, phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ hai nước.
Bày tỏ sự nhất trí cao với những đánh giá của Chủ tịch nước Trần Đại Quang về quan hệ hai nước, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Ivo Bischofberger tin tưởng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Thụy Sĩ và Việt Nam có tương lai phát triển tươi sáng, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư, giáo dục - đào tạo... Các doanh nghiệp của Thụy Sĩ rất quan tâm tới việc thành lập cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, vừa tạo cơ hội việc làm đồng thời sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nghề cho lực lượng lao động sở tại.
Ngài Ivo Bischofberger nhấn mạnh Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, năng động, trong khi Thụy Sĩ có thế mạnh đào tạo nghề kép (học nghề đồng thời với tham gia vào quá trình sản xuất), vì vậy hợp tác đào tạo nghề theo mô hình Thụy Sĩ sẽ giúp người lao động dễ dàng tìm được việc làm phù hợp... Cùng đó, Thụy Sĩ rất quan tâm đến việc ký kết các hiệp định thương mại tự do-FTA giữa EFTA và Việt Nam cũng là một nội dung quan trọng của chuyến thăm lần này.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Ivo Bischofberger cũng khẳng định, Chính phủ Thụy Sĩ rất quan tâm tới lĩnh vực hỗ trợ phát triển và đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển dành cho Việt Nam. Hội đồng Nhà nước Liên bang Thụy Sĩ cũng rất tích cực phối hợp với Chính phủ để xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn 2017-2020.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Ivo Bischofberger khẳng định cam kết của Thụy Sĩ ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời đề nghị Việt Nam ủng hộ Thụy Sĩ ứng cử nhiệm kỳ 2023-2024.
Theo TTXVN/Vietnam+