Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 17/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch.
Các quy định chuyển tiếp quy hoạch và xử lý các quy định hiện hành về quy hoạch, hiệu lực thi hành của Luật Quy hoạch được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm, đặt nhiều câu hỏi cho Ban soạn thảo tại phiên thảo luận chiều 17/3.
Băn khoăn tính khả thi của dự luật
Nhìn từ góc độ quy hoạch xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà băn khoăn về tính khả thi của dự thảo Luật này.
Theo Bộ trưởng, dự thảo luật chưa làm rõ cách tích hợp các quy hoạch vào một quy hoạch chung, thời gian tích hợp bao lâu và tính khả thi, tác động trên thực tiễn của việc tích hợp này đối với điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Hơn nữa, quy hoạch xây dựng có tính đặc thù rất cao về khối lượng sản phẩm, hệ thống sản phẩm. Vì vậy, việc tích hợp quy hoạch xây dựng vào quy hoạch chung là rất khó khăn.
Băn khoăn về tính khả thi của dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu: khoản 2 Điều 69 quy định: "Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch trong các Luật thuộc danh mục quy định tại Phụ lục 2 của Luật này bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch và có hiệu lực chậm nhất từ ngày 01/01/2019".
Theo đó, nếu Luật quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019 và Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch trong các luật thuộc danh mục 2 của dự thảo luật gồm 32 luật.
Trong khi đó 1/1/2019 Luật Quy hoạch đã có hiệu lực, vậy có khả thi không? Thông thường từ khi thông qua cho tới khi Luật có hiệu lực là 6 tháng, nghĩa là tháng 6/2018 Quốc hội phải thông qua các luật này.
Vậy từ tháng 3/2017-6/2018 phải thông qua bằng hết 32 luật có liên quan? Liệu có đảm bảo được vấn đề này không?, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đặt câu hỏi.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng lo lắng bởi theo kế hoạch trong 32 luật phải sửa có tới 18 luật liên quan tới Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì thẩm tra; trong đó những luật mới có hiệu lực từ 1/7/2016; trong quá trình xây dựng các luật này đã chuẩn bị rất tỉ mỉ, không vướng mắc gì.
Bây giờ trong vòng một năm phải sửa lại tất cả thế này, liệu có khả thi không, cần thiết không?, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nêu câu hỏi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị làm rõ tính khả thi của việc sửa 32 luật và đặt câu hỏi "liệu trong thời gian ấy, Chính phủ có giải pháp gì rất đột phá thì mới thực hiện nổi chuyện này”.
Từ thực trạng quy hoạch, xây dựng đô thị không đồng bộ, không phát huy được việc sắp xếp bố trí không gian, không tạo được tính kết nối, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ, thực trạng này là do quy hoạch chưa phát huy hiệu quả hay do thực hiện quy hoạch không tốt?, từ đó, mới xem xét có cần sửa đổi, bổ sung 32 luật có liên quan đến quy hoạch hay không?.
Giải quyết mối quan hệ giữa dự thảo luật với các luật liên quan
Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ: Một số ý kiến đề nghị cần phải giải quyết mối quan hệ giữa Luật này với các luật liên quan, rà soát, hủy bỏ những luật đã được thông qua nhưng trái với quy định luật này để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, luật cần có phương án xử lý các quy hoạch đã được phê duyệt khi luật này có hiệu lực.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng Đề án rà soát tổng thể các quy hoạch hiện hành với lộ trình phù hợp để từng bước điều chỉnh bằng các chính sách, quy định pháp luật để đến năm 2020 có thể thực thi đồng bộ các quy hoạch theo Luật Quy hoạch.
Theo báo cáo của các cơ quan hữu quan được phân công qua rà soát, có 32 luật cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch để phù hợp với dự án Luật Quy hoạch (quy định tại Phụ lục 2 của dự thảo Luật).
Để bảo đảm tính khả thi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý khoản 1 Điều 69 của dự thảo Luật theo hướng Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Đồng thời, các phương án xử lý đối với từng loại quy hoạch được quy định tại Điều 68 như sau: Đối với các quy hoạch được quy định trong Luật Quy hoạch thì thực hiện đến hết thời kỳ quy hoạch; trường hợp nội dung không phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch phải điều chỉnh theo quy định của Luật quy hoạch.
Đối với các quy hoạch được tích hợp vào các quy hoạch được quy định trong Luật Quy hoạch thì được thực hiện đến ngày 31/12/2020.
Đối với các quy hoạch không được tích hợp và không thuộc các quy hoạch quy định trong Luật quy hoạch thì giao Chính phủ rà soát và ban hành danh mục quy hoạch hết hiệu lực từ ngày 01/01/2019 và danh mục quy hoạch hết hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Cùng với đó, quy định tại khoản 2 Điều 69 giao Chính phủ rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch trong các Luật thuộc danh mục quy định tại Phụ lục 2 của Luật bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch, trình Quốc hội xem xét, quyết định và có hiệu lực chậm nhất từ ngày 01/01/2019.
Ngoài ra, để bảo đảm kịp tiến độ chuẩn bị cho việc xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch kinh tế-xã hội của địa phương cho giai đoạn 2021-2030, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng để yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương được tiến hành các bước chuẩn bị cho công tác quy hoạch theo quy định và chỉ được phê duyệt các quy hoạch phù hợp với quy định của luật này trong thời gian Luật Quy hoạch chưa có hiệu lực.
Tiếp tục xem xét dự thảo luật tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách
Đại diện Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá dự thảo Luật quy hoạch là một cuộc cách mạng sẽ giải quyết được các bất cập, đồng thời các quy định của dự thảo Luật tiệm cận tới các thông lệ quốc tế và tạo ra một tư duy, cách làm mới, hiện đại, đảm bảo phát triển nhanh bền vững, khai thác được hết các tiềm năng lợi thế và giải quyết được tất cả các chồng chéo, cục bộ, lợi ích nhóm... Đây là mục tiêu chính của dự thảo Luật Quy hoạch.
Đối với băn khoăn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa 32 luật liên quan, Bộ trưởng nêu "Ban soạn thảo đã hệ thống, mỗi một luật chỉ sửa một chữ "quy hoạch”. Có 5 luật sửa 1 điều; 3 luật sửa 2 điều ; 4 luật sửa 3 điều; còn lại chỉ sửa chữ "quy hoạch”.
"Nghe số lượng phải sửa luật rất nhiều nhưng trên thực tế thì đơn giản", Bộ trưởng đánh giá và cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát và xây dựng kế hoạch, chương trình sửa luật của Chính phủ. Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề sửa 32 luật liên quan tới dự thảo Luật Quy hoạch là khả thi và làm được.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan, chuẩn bị các nội dung của dự thảo Luật quy hoạch kỹ lưỡng, để trình ra Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tháng 4 tới.
Theo TTXVN/Vietnam+