Ngày 24/2, tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Lê Thành Phương (xã An Hiệp, huyện Tuy An), UBND huyện Tuy An tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 130 năm Ngày mất danh nhân lịch sử Lê Thành Phương (1887-2017) và lễ hội đền thờ Lê Thành Phương. Tham dự có các đồng chí: Lương Minh Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Trần Văn Cư, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Luân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.
Danh nhân Lê Thành Phương sinh năm 1825 tại làng Mỹ Phú, tổng Xuân Vinh (nay là thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An), trong một gia đình có truyền thống nho học và giàu lòng yêu nước. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Lê Thành Phương cùng một số sĩ phu, văn thân yêu nước ở Phú Yên đứng lên tập hợp lực lượng nghĩa quân, dựng cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược.
Cuộc khởi nghĩa do Lê Thành Phương tổ chức, lãnh đạo là một bộ phận quan trọng của phong trào Cần Vương toàn quốc; có vị trí tiếp nối và châm ngòi cho phong trào Cần Vương ở các tỉnh phía nam kinh thành Huế. Cuộc khởi nghĩa thể hiện rõ ý thức độc lập tự chủ và bản lĩnh quật cường, anh dũng của nhân dân Phú Yên.
Ngày 11/2/1887, Lê Thành Phương trên đường đi về Tuy Hòa để chuẩn bị kế hoạch tổng phản công chiếm lại đồng bằng thì bị sa vào tay giặc. Khi bị địch bắt, tra tấn, ông đã khẳng khái nói câu nói bất hủ: “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục” (Thà chịu chết chứ không sống nhục). Ngày 20/2/1887 (tức 28 tháng Giêng năm Đinh Hợi), quân thù ra lệnh xử tử Lê Thành Phương cùng một số nghĩa quân tại bến đò Cây Dừa (thuộc xã An Dân, huyện Tuy An ngày nay).
Năm 1996, mộ và đền thờ danh nhân Lê Thành Phương được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hàng năm, cứ vào ngày mất của ông, hàng ngàn người dân Phú Yên lại về đây thắp hương tưởng nhớ; đồng thời tham gia trò chơi dân gian như: hành quân nấu cơm, đi 3 chân, đi cà kheo, vừa chạy vừa lắc vòng, kéo co, bóng chuyền, đẩy gậy...
TUYẾT DIỆU