Để các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng phát huy hiệu quả mạnh mẽ trong cuộc sống, việc quan trọng đầu tiên cần chú ý là phải nâng cao chất lượng khâu học tập, quán triệt các nghị quyết, chương trình hành động đã đề ra. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Kim Thoa trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên một số nội dung liên quan đến vấn đề này.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Kim Thoa - Ảnh: VĂN THỦY |
* Bà đánh giá như thế nào về việc học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, các chương trình hành động của Tỉnh ủy, nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
- Trong năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các chương trình hành động của Tỉnh ủy, nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI được các cấp ủy thực hiện kịp thời, nghiêm túc. Ngay sau khi có kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cấp ủy đều xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu nghiên cứu, lựa chọn báo cáo viên và tổ chức hội nghị. Song song đó, các cấp ủy còn triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình hành động, nghị quyết sát hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.
Các báo cáo viên luôn nêu bật trọng tâm nội dung của nghị quyết, đồng thời lồng ghép và liên hệ với thực tiễn địa phương, đơn vị. Cán bộ, đảng viên được tiếp thu đầy đủ những mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu phát triển của địa phương, của đất nước trong 5 năm tới. Kết quả viết thu hoạch của cán bộ, đảng viên luôn có sự liên hệ sâu sắc đối với những vấn đề thực tế đặt ra tại địa phương, đơn vị mình trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy cơ sở chưa chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt và cụ thể hóa nghị quyết của Đảng; việc triệu tập cán bộ, đảng viên tham gia học tập đạt về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế; việc tham gia viết thu hoạch cá nhân tương đối đầy đủ nhưng chất lượng còn mang tính hình thức, đối phó, chưa bám sát nội dung, yêu cầu, nhiều bài thu hoạch có hiện tượng sao chép nhau. Bên cạnh đó, phương pháp trình bày của một số báo cáo viên, nhất là ở cấp cơ sở còn hạn chế; báo cáo viên chỉ mới trình bày nội dung nghị quyết theo đề cương mà chưa có nhiều liên hệ thực tiễn địa phương, ngành, đơn vị nên chưa tạo sự hấp dẫn, thu hút người nghe.
* Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc tổ chức quán triệt, học tập các nghị quyết của Đảng. Theo bà, cần có những giải pháp, biện pháp nào để yêu cầu này trở thành hiện thực?
- Nghị quyết của Đảng là quyết định chính trị thể hiện đường lối, chủ trương, mục tiêu, giải pháp để thực hiện sự lãnh đạo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội qua các thời kỳ cách mạng. Vì vậy, việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết là khâu đầu tiên và rất quan trọng nhằm tạo ra sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, là tiền đề vững chắc đảm bảo cho sự thành công trong tổ chức thực hiện.
Việc đổi mới học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng sao cho có hiệu quả được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng, nhưng đến nay vẫn còn khó khăn, lúng túng, nhất là ở cơ sở. Để góp phần khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, theo tôi cần quan tâm tập trung thực hiện một số giải pháp.
Một là cần chuẩn bị tổ chức thật tốt hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Trong đó lưu ý nội dung tại hội nghị triển khai trong cán bộ chủ chốt các cấp về sự cần thiết của việc ban hành, những vấn đề cơ bản, chủ yếu và mới của nghị quyết; thảo luận các chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với địa phương, đơn vị nhằm tạo bước đột phá thực hiện chủ trương của Đảng tại địa phương.
Cán bộ lãnh đạo toàn tỉnh học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) - Ảnh: THẠCH BÍCH |
Hai là cần đổi mới cách thức, phương pháp tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết phù hợp với từng hội nghị. Đối với hội nghị cán bộ chủ chốt, cần tập trung vào phương pháp tự nghiên cứu, thảo luận về quan điểm, lý luận gắn với thực tiễn mà nghị quyết đặt ra. Các đối tượng khác, tùy đặc điểm tình hình cụ thể của đối tượng và địa bàn để chọn hình thức, phương pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đảng viên, công chức, viên chức tham gia được nhiều nhất.
Ba là đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết cần quan tâm đến từng đối tượng. Đối với cán bộ chủ chốt, tùy từng cấp có thể đi sâu phân tích những nội dung, những điểm mới của nghị quyết gắn với liên hệ thực tiễn của địa phương, đơn vị. Đối với các đối tượng khác, nội dung học tập, quán triệt tập trung vào những vấn đề hết sức cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, chú trọng việc liên hệ nhiệm vụ của đối tượng nhằm tạo sự thông suốt về nhận thức, tư tưởng...
Bốn là tiếp tục xây dựng đội ngũ báo cáo viên bảo đảm cả về số lượng và chất lượng; có phẩm chất, năng lực, uy tín cao và có phương pháp truyền đạt hấp dẫn, dễ hiểu, thu hút người nghe. Đây là yêu cầu đòi hỏi của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở cần quan tâm thực hiện.
Năm là đầu tư công sức, trí tuệ để cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bằng các kế hoạch hành động cụ thể của địa phương, đơn vị; tránh tình trạng nêu chung chung hoặc dựa hết vào văn bản cấp trên. Đồng thời phải thường xuyên giám sát, kiểm tra kết quả thực hiện, kịp thời uốn nắn những sai trái, lệch lạc trong quá trình thực hiện.
* Đổi mới phong cách giới thiệu nghị quyết của người truyền đạt là cần thiết, nhưng bên cạnh đó cũng đòi hỏi người tiếp thu phải có sự thay đổi tương ứng để việc học tập, quán triệt nghị quyết đạt kết quả tốt hơn. Trong thực tế thời gian qua, vẫn có cán bộ, đảng viên chưa thật nghiêm túc trong khi dự các lớp quán triệt nghị quyết của Đảng. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?
- Thực tế cho thấy thời gian qua vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên có tinh thần, thái độ học tập chưa nghiêm túc, thiếu gương mẫu, chưa coi trọng và tham gia đầy đủ các buổi học tập, quán triệt nghị quyết. Vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên xem báo, lướt web, làm việc riêng ngay trong các buổi học nghị quyết. Điều đó tự làm mất đi quyền được thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng của người đảng viên. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần xem việc học tập, triển khai nghị quyết là những đợt sinh hoạt chính trị, vừa là nhiệm vụ và cũng vừa là nhu cầu cần thiết của mỗi người nhằm tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
* Xin cảm ơn bà!
HOÀNG CHƯƠNG (thực hiện)