Sáng 12/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị Tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ VH-TT-DL. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, ngành văn hóa thể thao và du lịch phải trả lời được 5 câu hỏi để hướng tới đưa du lịch nước ta trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong năm qua, Bộ VH-TT-DL đã tập trung công tác xây dựng thể chế, như chủ trì soạn thảo dự án Luật du lịch (sửa đổi) và đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến; Bộ Chính trị cũng đã họp, nghe Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo về dự thảo Nghị quyết về phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong 108 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, bộ đã hoàn thành 65 nhiệm vụ, chỉ có 1 nhiệm vụ quá hạn, còn lại đang trong quá trình thực hiện.
Năm 2016, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục với 10 triệu lượt khách, tăng 26% so với năm 2015; phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tăng 9% so với năm 2015. Tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 400.000 tỉ đồng, về đích trước 4 năm so với mục tiêu đề ra.
Bộ cũng đã phối hợp với TP Đà Nẵng và các bộ, ngành tổ chức thành công Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5. Thể thao Việt Nam cũng đã giành một huy chương vàng Olympic, một sự kiện mang tính lịch sử đối với ngành thể thao quốc gia.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả của ngành trong năm qua. Tuy vậy, Thủ tướng đã chỉ ra tồn tại là môi trường văn hóa còn biểu hiện thiếu lành mạnh, lệch lạc, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, thể hiện thói hư tật xấu, xuống cấp trong đạo đức, chuộng hư danh. Tình trạng lãng phí khoa trương, tốn kém trong việc cưới, việc tang, lễ hội còn nhiều; và còn xuất hiện thứ văn hóa “không nhúc nhích”.
“Việt Nam còn có thứ văn hóa “không nhúc nhích”, bàng quan, thờ ơ, vô cảm trước nhân dân, đặc biệt trước những vấn đề của đất nước và của xã hội. Ví dụ thấy tai nạn giao thông không cứu người bị nạn, thấy hiện tượng tiêu cực không đấu tranh. Hay là những cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước có một bộ phận cán bộ chưa hưởng ứng”, Thủ tướng thẳng thắn nêu rõ.
Thủ tướng cũng nêu thực tế còn có sự nghèo nàn đơn điệu trong đời sống văn hóa ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu vùng sa, người nghèo, lao động các khu công nghiệp; chưa có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng cao, phản ánh thành tựu toàn diện sau hơn 30 năm đổi mới để góp phần giáo dục, định hướng thẩm mỹ, bồi dưỡng tâm hồn cho thế hệ trẻ. Còn biểu hiện tiêu cực, bạo lực trong thể thao; thiếu sự ổn định và trong đào tạo nhiều bất cập.
Trong lĩnh vực du lịch, Thủ tướng đánh giá, tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch ở Việt Nam rất lớn, nhưng sức cạnh tranh còn thấp và du lịch chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời điểm hiện nay.
Tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ và Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn vướng mắc, nỗi vất vả trong công việc, với đồng lương, thu nhập còn thấp, còn khiêm tốn của cán bộ ngành văn hóa, nhất là với văn nghệ sĩ, vận động viên, huấn luyện viên.
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo Bộ VH-TT-DL chủ động ngay từ đầu năm thực hiện Nghị quyết 01/2017 của Chính phủ. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, nghiêm túc các mục tiêu, quan điểm của Đảng về văn hóa, mà gần đây nhất là Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
“Tôi nói lại ý mà Bác Hồ nói, văn hóa soi đường quốc dân đi. Quốc dân là số đông, nhân dân gần 100 triệu hiện nay. Vậy thì soi thế nào, tỏa sáng thế nào để mọi người dễ đi, dễ tiến lên, lan tỏa bằng thần thái của văn hóa văn nghệ, bằng những tác phẩm xuất sắc phục vụ nhân dân. Phải có sản phẩm cụ thể xuất sắc để phục vụ số đông”, Thủ tướng nói.
Cùng với đó, ngành cần tiếp tục xây dựng bản lĩnh văn hóa của đất nước, của mỗi công dân; tạo dựng một không gian sáng tạo để xuất hiện những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc hơn thông qua việc cán bộ quản lý lắng nghe các nhà văn hóa góp ý, coi trọng nhân tài, đầu tư chiến lược và có chiều sâu. Thủ tướng nhấn mạnh, các cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa các cấp phải hiểu rõ điều này.
Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành kiên quyết đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái lạc hậu, những tệ nạn xã hội, thói thờ ơ vô cảm cũng như những quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, ảnh hưởng đến văn hóa, con người Việt Nam. Thủ tướng đề nghị mỗi cơ quan, cán bộ văn hóa cần là nòng cốt để vận động hướng dẫn quần chúng nhân dân thực hiện tốt các phong trào văn hóa, quảng bá các giá trị văn hóa, các truyền thống tốt đẹp của toàn xã hội.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ VH-TT-DL cần nỗ lực thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Và muốn đạt được điều đó, thì một trong những việc cần làm là trả lời cho được 5 câu hỏi.
“Câu hỏi thứ nhất là làm thế nào để du khách tìm đến Việt Nam, đến các địa điểm du lịch ngày một đông hơn? Làm thế nào để khách ở lâu hơn thay vì đi sớm? Làm thế nào để khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu? Và làm thế nào để khách kể lại những câu chuyện du lịch thú vị với người thân bạn bè một cách đầy hứng khởi, chứ không phải kể xấu, chê bai về Việt Nam?”, Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh, phải làm hình ảnh Việt Nam chính là chỗ đó, mang văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chính là thông qua đó.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc trước mắt của ngành du lịch là khắc phục ngay “7 nỗi sợ” đối với khách du lịch đến Việt Nam, trong đó có tình trạng chặt chém, cướp giật, ăn xin ăn mày, vệ sinh môi trường…
Theo VOV