Sáng 9/1, tại nhà Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 6 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp thứ 6 là phiên họp đầu năm 2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, được tiến hành trong ba ngày (từ 9-11/1), bao gồm các nội dung sau:
Thứ nhất, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 nghị quyết là Nghị quyết ban hành quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và Nghị quyết ban hành quy chế phối hợp giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các tòa án quân sự về tổ chức.
Thứ hai, cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của 8 dự án luật, gồm: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Quản lý ngoại thương; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quy hoạch; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Cảnh vệ.
Thứ ba, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về danh mục dự án và mức bố trí cụ thể vốn cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc xử lý kỷ luật đối với các cán bộ, công chức đã nghỉ hưu.
Về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Khó khăn lớn nhất là căn cứ tính thiệt hại
Tiếp theo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã điều hành nội dung thảo luận về dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Luật này quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban pháp luật đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ KH-CN nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung của dự thảo luật theo ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận vào 5 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau: Về phạm vi điều chỉnh và phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; về mô hình cơ quan giải quyết bồi thường và xác định cơ quan giải quyết bồi thường; về nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước; về các chi phí khác được bồi thường; về kinh phí bồi thường và lập dự toán kinh phí bồi thường.
Lấy ví dụ về công tác bồi thường của Nhà nước thời gian qua, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, thỏa thuận bồi thường trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn đã tạo thành tiền lệ trong thỏa thuận bồi thường. Sau này, người bị oan sai thường lấy vụ ông Chấn làm căn cứ để tính thiệt hại, dẫn tới mức đòi bồi thường quá cao.
Trở lại vụ ông Huỳnh Văn Nén, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, nếu theo đúng ba-rem đã được Bộ Tài chính ban hành thì mức bồi thường cho ông Nén rất hạn chế. Bởi vậy, khó khăn lớn nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng trong bồi thường oan, sai là vận dụng quy định để xét bồi thường. Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể cũng nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất là căn cứ tính thiệt hại để bồi thường vì luật quy định chưa rõ.
Các vụ việc phải bồi thường thời gian qua kéo dài là vì không có barem nên các bên khó thống nhất với nhau, bên thiệt hại đòi bồi thường quá cao và bên bồi thường không đồng ý với mức bồi thường ấy.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng ý với việc phải lượng hóa thiệt hại để có căn cứ tính mức bồi thường. Với khoản bồi thường về tinh thần thì phải phân ra làm hai loại, loại án nặng làm tinh thần hoảng loạn và loại án ở mức nhẹ. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, phải có lượng hóa để từ đó nhân với số ngày bị oan, nếu không sẽ rất khó cho việc thương lượng.
Đồng ý với nguyên tắc cơ quan nào ra quyết định cuối cùng tạo ra oan, sai thì cơ quan đấy phải đứng ra xin lỗi, bồi thường nhưng ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, về trách nhiệm cũng phải xử lý cả những cơ quan ở giai đoạn trước của xét xử, bởi sai sót của tố tụng xuyên suốt từ giai đoạn điều tra đến truy tố, xét xử.
Việc xử lý trách nhiệm như vậy vừa để bảo đảm tính cộng đồng trách nhiệm, vừa bảo đảm tính công bằng. Trường hợp tòa án đã trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát quyết định đình chỉ, theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, trách nhiệm bồi thường phải thuộc về các cơ quan thuộc giai đoạn trước.
Cùng với đó, nếu tòa án đã trả lại hồ sơ để điều tra lại, viện kiểm sát vẫn truy tố và tòa vẫn xét xử, vậy khi tòa ra tuyên vô tội thì các cơ quan giai đoạn trước phải chịu trách nhiệm về việc oan sai này.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể đồng ý với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình rằng, cơ quan nào ra quyết định cuối cùng tạo ra oan sai thì cơ quan ấy nên thay mặt Nhà nước đứng ra xin lỗi, bồi thường đối với người bị oan, sai. Tuy nhiên, về trách nhiệm thì phải xác định đối với cả các cơ quan ở giai đoạn trước.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể nhấn mạnh, phải phân biệt rõ bồi thường và bồi hoàn. Về nguyên tắc, Nhà nước phải đứng ra bồi thường cho người bị oan, sai. Thực chất, cán bộ, công chức là người thay mặt Nhà nước, thay mặt cơ quan công quyền thực thi công vụ. Bởi vậy, khi xảy ra việc thì Nhà nước phải đứng ra bồi thường. Sau khi Nhà nước đứng ra bồi thường thì mới xác định tới chuyện bồi hoàn.
Trong bồi hoàn cần xác định rõ hai vấn đề, nếu cố ý làm sai thì dứt khoát người làm sai phải đền bù, đến mức nào thì có thể tính vì theo ông Lê Hữu Thể, có những vụ việc, mức đền bù là rất lớn, người cán bộ gây oan, sai dùng tiền lương cả đời cũng không đủ để bồi hoàn được.
Trường hợp thứ hai là cán bộ, công chức gây oan, sai do hạn chế trong nhận thức hoặc trình độ yếu kém thì có thể xử lý bằng cách cho chuyển công tác hoặc hạ bậc lương…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn góp ý vào Khoản 1-Điều 58 dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) theo hướng Nhà nước phải có trách nhiệm bố trí khoản tiền từ ngân sách để bồi thường Nhà nước.
Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, số tiền hằng năm thu được từ các vụ án khoảng 6.000 tỉ đồng, tiền thu được từ việc bán hàng tịch thu từ các vụ án được khoảng 500 tỉ đồng mỗi năm, các khoản thu từ tòa án cũng được khoảng 600 tỉ đồng mỗi năm.
Như vậy, trong khoảng 7.000 tỉ đồng thu được từ việc xử lý các vụ án mỗi năm ấy, Nhà nước có thể trích ra một phần để bồi thường. Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là nội dung vô cùng quan trọng, liên quan đến nhân dân, liên quan đến các cơ quan thi hành công vụ nên càng thảo luận kỹ và thận trọng càng tốt.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau phiên họp này, các cơ quan hữu quan tiếp tục cùng xử lý những vấn đề còn tồn tại, còn có ý kiến khác nhau. Sau đó sớm tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và mời các cơ quan hữu quan, các chuyên gia cùng tham gia thảo luận. Sau đó báo cáo lại Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi trình ra Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đa số các ý kiến tán thành, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong ba lĩnh vực, gồm: quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Thứ hai, về mô hình cơ quan giải quyết bồi thường và xác định cơ quan giải quyết bồi thường, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đa số các ý kiến thống nhất cơ quan nào gây ra oan sai thì cơ quan đó chịu trách nhiệm bồi thường và xin lỗi.
Các cơ quan tiến hành tố tụng và có sự liên đới thì phải xác định từng khâu một nhưng trên nguyên tắc cơ quan nào ra quyết định oan sai sau cùng thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm xin lỗi và bồi thường cho dân.
Còn vấn đề liên đới giữa các cơ quan với nhau thì phải làm trong và sau để xác định rõ trách nhiệm. Riêng đối với Tòa án thì trên tinh thần tòa án nào sau cùng mà gây ra oan, sai thì sau khi cơ quan cấp trên hủy quyết định đó thì tòa án đó phải chịu trách nhiệm bồi hoàn.
Về trình tự giải quyết bồi hoàn, đa số các ý kiến tán thành tôn trọng sự lựa chọn của người bị thiệt hại. Về ý kiến đề nghị thành lập Quỹ bồi thường độc lập, đa số các ý kiến đề nghị không nên thành lập quỹ bởi tất cả các nguồn thu từ ngân sách nhà nước. Cơ quan nhà nước làm sai thì phải lấy ngân sách nhà nước bồi thường.
Vì vậy nếu thành lập Quỹ bồi thường độc lập thì các nguồn thu này vẫn phải nộp vào ngân sách nhà nước, sau đó ngân sách nhà nước phân bổ cho Quỹ. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc bố trí một khoản tiền để thành lập Quỹ bồi thường nhà nước cần được hết sức cân nhắc. Mặt khác, nếu thành lập quỹ sẽ phát sinh tổ chức bộ máy biên chế, không phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế.
Một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)
Cũng trong buổi sáng, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, dự án luật này sửa đổi yêu cầu phải bảo đảm tính khả thi. Tuy nhiên trên thực tế nguồn lực để bảo đảm thực hiện luật này còn khó khăn (nguồn lực con người, tài chính…).
Đa số ý kiến tán thành việc quy định người được trợ giúp pháp lý trong dự thảo luật phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Theo đó, các nguyên tắc, tiêu chí để xác định người được trợ giúp pháp lý bao gồm một là thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng, chính sách dân tộc và chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi bị buộc tội, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Hai là trợ giúp đối với một số đối tượng yếu thế trong xã hội có khó khăn về tài chính.
Trên cơ sở hai nhóm nguyên tắc này, dự thảo luật đã kế thừa đầy đủ các đối tượng đang được trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành và các luật, bộ luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về tiêu chuẩn trợ giúp pháp lý, cả nước hiện còn 73 trợ giúp viên pháp lý chưa qua đào tạo nghề luật sư và không được miễn đào tạo nghề luật sư. Những người này phần lớn là lãnh đạo các Trung tâm trợ giúp pháp lý, được điều động, bổ nhiệm từ các đơn vị khác thuộc sở Tư pháp, có nhiều năm kinh nghiệm, đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và vẫn đang thực hiện trợ giúp pháp lý.
Để chuẩn hóa tiêu chuẩn đối với số trợ giúp viên pháp lý này, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định những người này, trong thời gian 5 năm kể từ ngày luật có hiệu lực, phải hoàn thiện việc tham gia đào tạo nghề luật sư; nếu hết thời hạn 5 năm mà người đó không có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư thì sẽ chấm dứt tư cách Trợ giúp viên pháp lý (như thể hiện tại Điều 48).
Theo Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nên để thời hạn đào tạo nghề là 3 năm, không nên kéo dài đến 5 năm trong việc chuẩn hóa. Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo luật tiếp tục quy định về cộng tác viên trợ giúp pháp lý như Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành và tán thành với nhóm cộng tác viên thứ nhất bao gồm những người là luật sư, tư vấn viên pháp luật tham gia và có đóng góp tốt cho hoạt động trợ giúp pháp lý.
Nhóm này đã được kế thừa và quy định trong dự thảo luật, tiếp tục tham gia trợ giúp pháp lý theo cơ chế ký hợp đồng hoặc đăng ký thực hiện trợ giúp pháp lý. Về hình thức trợ giúp pháp lý, các ý kiến đều tán thành, thống nhất quy định việc trợ giúp pháp lý được thực hiện tập trung thông qua 3 hình thức là tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng.
Nhiều ý kiến thống nhất việc cần rà soát, sắp xếp để tổ chức lại hệ thống Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước bảo đảm hoạt động hiệu quả. Đồng thời, để bảo đảm việc thành lập Chi nhánh một cách thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tế, dự thảo luật đã được chỉnh lý quy định cụ thể các điều kiện thành lập Chi nhánh là chỉ ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và ở đó chưa có tổ chức hành nghề luật sư hoặc trung tâm tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý.
Đồng thời, quy định cụ thể thẩm quyền và cơ chế phối hợp nhằm hạn chế việc thành lập tràn lan Chi nhánh... Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật.
Đánh giá dự thảo đã được các đại biểu dự Phiên họp thứ 6 Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, đạt được sự thống nhất cao, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan hữu quan rà soát, hoàn chỉnh lại để chuẩn bị trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới.
Theo TTXVN, Vietnam+