Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực thi hành 1/1/2017 có nhiều điểm mới rất cơ bản, trong đó có nhiều quy định góp phần hoàn thiện chế định tài sản và quyền sở hữu để bảo đảm tính bao quát, minh bạch trong quy định của pháp luật, huy động và khai thác các nguồn lực vật chất trong xã hội.
Quy định tài sản trong quan hệ dân sự có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản được hình thành trong tương lai; quyền sử dụng đất là một quyền tài sản, việc đăng ký tài sản phải được công khai; bổ sung quyền khác đối với tài sản bao gồm: quyền với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng và quyền bề mặt, bảo đảm cho chủ thể có các quyền này được trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác...
Bảo vệ quyền sở hữu của chủ thể
Tại Điều 105: Tài sản đã bổ sung khoản 2 (so với Điều 163 Bộ luật Dân sự 2005): "Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.
Quy định này xem tài sản luôn ở trạng thái động, phát triển trong sản xuất, kinh doanh và trong lưu thông... để không những bảo vệ quyền của chủ thể mà còn để giải quyết những tranh chấp liên quan đến chuyển giao tài sản trong các giao dịch dân sự và các quan hệ tài sản khác mà tài sản là đối tượng của quan hệ đó.
Đối với nội dung về đăng ký tài sản, Điều 106 quy định "1. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký tài sản; 2. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác; 3. Việc đăng ký tài sản phải được công khai”.
Bên cạnh quyền sở hữu, Bộ luật 2015 đã quy định về việc đăng ký đối với "Quyền khác đối với tài sản". Đồng thời quy định đăng ký tài sản theo tinh thần chung nhằm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Phùng Trung Tập (Trường Đại học Luật Hà Nội), quy định về đăng ký tài sản là bất động sản là căn cứ pháp lý bảo vệ quyền sở hữu của chủ thể, đồng thời cũng là căn cứ xác định hiệu lực của giao dịch dân sự nhằm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản là bất động sản.
Việc đăng ký công khai để nhằm ngăn chặn các hành vi trái pháp luật trong việc sử dụng tài sản là bất động sản làm đối tượng của các giao dịch dân sự hoặc lợi dụng trong việc khai thác bất động sản để gây thiệt hại cho người khác hoặc cản trở việc thực hiện các quyền dân sự của người khác. Việc đăng ký tài sản còn là căn cứ xác định trách nhiệm dân sự của người chủ sở hữu bất động sản, khi bất động sản gây thiệt hại cho người khác.
Minh bạch hóa tình trạng tài sản
Ông Nguyễn Văn Mạnh (Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ) đánh giá Bộ luật Dân sự 2015, bên cạnh quyền sở hữu, đã ghi nhận các "vật quyền" mới: quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về quyền "địa dịch". Các vật quyền này, về khái quát là quyền của một chủ thể (không phải chủ sở hữu) đối với tài sản của chủ sở hữu. Do vậy, việc đăng ký công khai "vật quyền này" để làm rõ phạm vi, tính chất và thứ tự ưu tiên khi xử lý tài sản là yêu cầu bức thiết để các quy định về vật quyền trong Bộ luật có hiệu lực trên thực tế.
Bên cạnh đó, nhằm phát huy tối đa giá trị của tài sản, tạo thêm một kênh huy động nguồn vốn cho các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, cần nghiên cứu để xây dựng các quy định về đăng ký chuyển quyền, theo đó quyền yêu cầu nói chung (như quyền đòi nợ) có thể được thế chấp, chuyển nhượng... thông qua cơ chế đăng ký.
Theo ông Mạnh, đây là những lý do cần thiết nghiên cứu và soạn thảo Luật đăng ký tài sản để góp phần minh bạch hóa tình trạng tải sản, công khai hóa một số tài sản quan trọng nhằm tăng cường quản lý nhà nước về tài sản, đặc biệt là đất đai - loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân, đồng thời góp phần phòng, chống tham nhũng trên cơ sở đăng ký minh bạch, công khai; tạo cơ chế pháp lý an toàn cho giao dịch dân sự.
Với tính chất công khai, minh bạch tình trạng pháp lý của tài sản, các cá nhân, tổ chức sẽ chủ động trong việc quyết định tham gia giao dịch dân sự, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển. Do việc đăng ký phần nào ảnh hưởng đến quyền bí mật cá nhân, ông Mạnh nêu cần thiết lập hệ thống đăng ký và cung cấp thông tin an toàn, chuẩn xác, có những giới hạn nhất định trong việc tiếp cận thông tin và xử lý thông tin.
Vụ trưởng Vụ phát luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tú đề xuất để bảo đảm Bộ luật Dân sự được thi hành thống nhất, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả trên phạm vi cả nước, Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao cần thực hiện việc "Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định mới của Bộ luật Dân sự (sửa đổi)", "trình Quốc hội xem xét Luật đăng ký tài sản" theo yêu cầu tại Nghị quyết 111 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.
Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhưng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán nhân sách nhà nước năm 2016 cũng đã chỉ rõ một trong các nhiệm vụ góp phần tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đó là: "Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương... xây dựng Luật Đăng ký tài sản”.
Quyết định số 243 của Thủ tướng ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Dân sự đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp "chủ trì, phối hợp với Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký tài sản..."
Ông Tú nêu vấn đề đăng ký tài sản đã được quy định rãi trong hệ thống pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, nội dung về đăng ký tài sản được quy định phân tán trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở tầm luật, nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành trong đăng ký tài sản là điều kiện làm phát sinh quyền đối với tài sản hoặc tạo hiệu lực đối kháng với người thứ ba (các quyền được đăng ký có hiệu lực đối kháng với người thứ ba) và đăng ký tài sản là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, hạn chế hoặc chám dứt quyền về tài sản của các tổ chức, cá nhân.
Vì vậy, đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định đăng ký tài sản để xác định thời điểm chuyển quyền ở văn bản luật, đặc biệt là phải được quy định trong văn bản luật về những trường hợp cần đăng ký, cơ quan có thẩm quyền đăng ký...
Đối với việc đăng ký tài sản để phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba hiện chưa có quy định cụ thể về vấn đề này trong hệ thống pháp luật hiện hành nên cần nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Luật đăng ký tài sản.
Theo TTXVN/Vietnam+