Thứ Sáu, 01/11/2024 00:36 SA
UBTVQH: Thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam
Thứ Tư, 21/12/2016 17:21 CH

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến - Ảnh: TTXVN

Sáng 21/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước (thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11) và nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 1052/NQ-UBTVQH13 ngày 24/10/2015 về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Thông qua dự thảo Nghị quyết về lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước 

 

Qua thảo luận, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách rất cặn kẽ, đã tiếp thu, bổ sung nhiều ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định còn băn khoăn khi tên nghị quyết là "Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước" nhưng lại không thấy "quy chế" đi kèm.

 

Theo Chủ nhiệm, hoặc bỏ từ "quy chế" hoặc nội dung nghị quyết ngắn gọn kèm theo quy chế để phù hợp với tên gọi. Tán thành với ý kiến này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thấy rằng nên bỏ từ "quy chế" trong tên gọi của nghị quyết.

 

Trước các ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn hình thức tổ chức thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban khác như họp Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban, hoặc họp toàn thể Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban; có ý kiến lại cho rằng chỉ Hội đồng Dân tộc và các ủy ban có liên quan chặt chẽ đến tài chính-ngân sách Nhà nước mới quy định cụ thể hình thức tổ chức thẩm tra, đối với các ủy ban khác chỉ cần tham gia bằng văn bản đối với các báo cáo của Chính phủ, để đảm bảo tính khả thi và tạo điều kiện linh hoạt cho các cơ quan của Quốc hội trong thực hiện, khoản 1 Điều 14 của Dự thảo Nghị quyết mới đã được thể hiện lại. 

 

Cụ thể là “1. Căn cứ đề nghị của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội tổ chức thẩm tra các báo cáo do Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo các hình thức quy định của pháp luật có liên quan và phù hợp với thực tế tình hình của cơ quan tại thời điểm đó; gửi kết quả thẩm tra bằng văn bản đến Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội chậm nhất 5 ngày làm việc trước ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, xem xét báo cáo có liên quan."

 

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình và rất nhiều ý kiến khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện sự đồng tình với dự thảo đã có quy định về sự phối hợp của Ủy ban Tài chính-Ngân sách với Hội đồng Dân tộc và các ủy ban khi thẩm định vấn đề tài chính.

 

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình, Lê Thị Nga đề nghị cần có những quy định cụ thể hơn nữa về trình tự, cơ chế phối hợp và triển khai giữa Ủy ban Tài chính-Ngân sách với Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội trong trình tự lập và thẩm tra ngân sách cho các đối tượng thuộc lĩnh vực giám sát của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban.

 

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh trên cơ sở tán thành cao với nhiều nội dung được tiếp thu, thể hiện trong Báo cáo giải trình của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bỏ từ "quy chế" trong tên gọi của dự thảo nghị quyết...

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết và giao Ủy ban Tài chính-Ngân sách chủ trì phối hợp cùng Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan tiếp thu các ý kiến tại phiên thảo luận, hoàn chỉnh Nghị quyết cả về nội dung và kỹ thuật văn bản, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội một lần nữa trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực.

 

Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực

 

Thời gian còn lại của buổi làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 1052/NQ-UBTVQH13 ngày 24/10/2015 về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham dự nội dung này.

 

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 1052/NQ-UBTVQH13 ngày 24/10/ 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Bộ Công Thương đánh giá sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 1052 cho thấy các bộ, ngành đều đã có sự nỗ lực và cố gắng trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chính đề ra tại Nghị quyết; cụ thể hóa các nhiệm vụ vào các chương trình, kế hoạch của bộ, ngành mình nhằm thúc đẩy hội nhập trong từng ngành, từng lĩnh vực nói riêng và tiến trình hội nhập của cả nước nói chung.

 

Kết quả đạt được tuy có những mức độ khác nhau song về cơ bản đều cho thấy quyết tâm và nỗ lực chung của hệ thống các cơ quan Chính phủ để hướng tới hoàn thành những nhiệm vụ được đề ra.

 

Qua thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực bao gồm: thông tin tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; cải cách thể chế, luật pháp phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu; bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trước các hàng rào thương mại; tích cực tham gia vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế và đẩy mạnh đàm phán các FTA...

 

Trong quá trình này, vai trò điều phối công tác hội nhập của Chính phủ (thông qua Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế và Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế) đã giúp tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả triển khai các hoạt động hội nhập kinh tế, đảm bảo lợi ích của quốc gia dân tộc, vì sự phát triển chung của đất nước.

 

Báo cáo đã chỉ ra 10 tồn tại, vướng mắc trong triển khai Nghị quyết trong đó nhấn mạnh hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần làm bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế.

 

Cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện về căn bản. Tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua phần nhiều dựa vào các yếu tố như tín dụng, lao động rẻ mà thiếu sự đóng góp đáng kể của việc gia tăng năng suất lao động hay hàm lượng tri thức, công nghệ. Đây là nhóm vấn đề cần được tiếp tục xử lý trong dài hạn.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thấy rằng trong 10 tồn tại, vướng mắc được chỉ ra, cần xác định được đâu là tồn tại gây cản trở cho sự phát triển của xã hội.

 

Đánh giá cao vai trò của nguồn nhân lực tới quá trình hội nhập, là "chìa khóa" để hội nhập thành công, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải băn khoăn khi nhóm nhiệm vụ về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đánh giá chưa nhiều trong báo cáo, chỉ khoảng 10 dòng, trong kiến nghị của Chính phủ vắng bóng nội dung này...

 

Ủy ban Kinh tế cho rằng Báo cáo của Chính phủ cần nêu ra những giải pháp đã thực hiện từ khi có Nghị quyết 1052 nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cần có lộ trình thực hiện mục tiêu như Nghị quyết yêu cầu, không chỉ nêu một số chỉ tiêu về lao động.

 

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần rà soát, cụ thể hóa bằng các biện pháp mạnh hơn và trường hợp cần thiết đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 trong bối cảnh tác động mạnh của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đòi hỏi tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực khoa học công nghệ; đồng thời Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập từ ngày 31/12/2015 cho phép 08 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển.

 

Việc bổ sung các giải pháp là cần thiết, góp phần thực hiện chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm trên 5,5% theo Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

 

Để tiếp tục thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục triển khai và quan tâm theo dõi, đánh giá sát, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 1052, thống nhất cơ quan đầu mối chủ trì triển khai thực hiện và báo cáo kết quả; quan tâm hơn nữa tới việc chỉ đạo chính quyền địa phương tham gia tích cực vào việc triển khai Nghị quyết 1052 như công tác tuyên truyền, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp, quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu…

 

Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề vướng mắc phát sinh, cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời, nhất là các vấn đề liên quan đến pháp luật, thể chế và chức năng của Quốc hội trong công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

 

Đồng thời, theo dõi sát và kiến nghị kịp thời các giải pháp không chỉ những tác động về lĩnh vực hội nhập kinh tế, mà cần lưu ý các thách thức về chính trị, xã hội; cập nhật các chủ trương, chính sách lớn theo Nghị quyết số 06-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

 

Đề nghị Chính phủ cần sớm xem xét, thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW. Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu trong hội nhập kinh tế quốc tế có các khâu về đám phàn hiệp định, đề xuất sáng kiến.

 

Chính phủ và Ban Chỉ đạo liên ngành đánh giá, tính tích cực và chủ động trong thực hiện có mức độ, tới đây cần cố gắng hơn, lựa chọn xem mình tham gia cuộc chơi nào một cách chủ động hơn. Ngoài bám sát 8 nhóm giải pháp trong Nghị quyết, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bám sát Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết số 06-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Nghị quyết của Quốc hội để có sự chuẩn bị tích cực từ bên trong...

 

Theo chương trình, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án của Kiểm toán nhà nước, gồm: tổ chức, biên chế của kiểm toán nhà nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; vị trí việc làm của kiểm toán nhà nước; cho ý kiến về Đề án và kịch bản tổng thể tổ chức Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) năm 2018.

 

Theo Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek