Từ hai bàn tay trắng, ông Trần Hữu Phúc (SN 1965) ở phường 6 (TP Tuy Hòa) đã nỗ lực bám biển làm ăn. Đến nay, ông sở hữu 2 chiếc tàu chuyên câu cá ngừ đại dương, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Xuất thân trong gia đình ngư dân nghèo ở phường 6, từ nhỏ ông Trần Hữu Phúc tiếp xúc với biển rất sớm. Hàng ngày, ông theo cha đi đánh bắt cá mành gần bờ kiếm sống. Đến khi lập gia đình, vì hoàn cảnh khó khăn nên ông đi bạn đánh bắt cá ngừ đại dương cho những chủ thuyền ở phường. Qua nhiều năm dành dụm, vợ chồng ông Phúc vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên được 90 triệu đồng mua chiếc thuyền công suất 56CV đi đánh cá mành. Vào những năm 1990, dọc bờ biển các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, cá rất nhiều nên ngày nào ông cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng tiền bán cá, cuộc sống gia đình đỡ vất vả. Năm 2000, ông Phúc quyết định dùng số tiền dành dụm được sau những chuyến biển và vay mượn thêm nâng cấp chiếc thuyền lên công suất 293CV để đi đánh bắt cá ngừ đại dương. Ông Phúc cho biết: “Vào đầu năm 2000, ngư trường ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam có nhiều thuận lợi nên thuyền tôi khai thác luôn đạt hiệu quả cao. Vì thế, năm 2006, tôi đầu tư đóng thêm chiếc tàu công suất 265CV để tham gia đánh bắt, mỗi năm sau khi trừ chi phí, kiếm được hơn 100 triệu đồng”. Theo ông Phúc, việc đánh bắt cá ngừ đại dương không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, có những chuyến ra khơi gần cả tháng trời nhưng đánh bắt chẳng được bao nhiêu nên chấp nhận lỗ tổn.
Những năm gần đây, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, cá ngừ đại dương tại các ngư trường cũng hạn chế rất nhiều, nhưng bản thân ông Phúc vẫn quyết tâm bám biển. Năm 2013, ông quyết định nâng cấp công suất chiếc tàu của gia đình lên 400CV, đồng thời trang bị đầy đủ ngư cụ và máy móc, thiết bị như radio tầm xa (ECCOM), tầm gần, máy định vị, hải đồ, máy kéo câu, hệ thống ròng rọc cẩu, dụng cụ bảo hiểm cho lao động, hầm bảo quản sản phẩm… Nhờ sử dụng những dụng cụ, máy móc trên mà ông và bạn thuyền giảm được những công đoạn nặng nhọc trong quá trình lao động. Với quy mô khai thác, đánh bắt cá ngừ đại dương như hiện nay, trong năm 2015, sau khi trừ chi phí, ông lãi hơn 300 triệu đồng.
Ngoài đánh bắt cá ngừ đại dương, ông Phúc còn là thành viên Tổ tàu thuyền an toàn ở phường 6, thường xuyên chia sẻ thông tin với các tàu thuyền trong tổ mỗi khi gặp được luồng cá để cùng hưởng lợi, nhiệt tình giúp đỡ những thuyền đánh bắt trên biển khi họ không may gặp nạn. Ông cho biết: “Vợ chồng tôi có 4 đứa con. Con trai cả hiện theo tôi làm nghề đánh bắt. Ba đứa con gái thì hai đứa đã tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm rồi. Còn con út đang học đại học năm thứ 2 Trường đại học Nha Trang”.
Chủ tịch Hội Nông dân phường 6 (TP Tuy Hòa) Bùi Văn Bích nhận xét: “Ông Trần Hữu Phúc luôn gắn bó với biển và làm giàu từ biển. Ngoài nỗ lực làm ăn vươn lên thoát nghèo, ông còn cố gắng cho các con ăn học nên người; tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ, giúp đỡ những hộ nghèo, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn theo các đợt vận động của địa phương. Ông xứng đáng là một tấm gương để người khác noi theo”.
NGUYỄN CHƯƠNG