Cả ngày 29/11, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 tiếp tục với các nội dung triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và dành phần lớn thời gian thảo luận tình hình kinh tế - xã hội.
Nội dung được các thành viên Chính phủ tập trung đi sâu bàn thảo là những biện pháp hoàn thành nhiệm vụ 2016, định hướng giải pháp trọng tâm 2017. Kết luận buổi làm việc Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, xây dựng bộ máy nhà nước liêm chính, hiệu lực, hiệu quả.
Phát huy vai trò báo chí trong đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa"
Được giao nhiệm vụ xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân, gắn với kiểm điểm, đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm; cấp trên gợi ý nội dung cần kiểm điểm đối với cấp dưới; đề cao tính gương mẫu, tự giác kiểm điểm của cấp trên, người đứng đầu. Đi cùng với đó là đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Cùng với việc tăng cường quản lý hoạt động báo chí, xuất bản, Internet, mạng xã hội, Bộ Nội vụ cũng đề nghị phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Bộ Nội vụ cũng trình Chính phủ phương án rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành. Biện pháp này nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xoá bỏ cơ chế xin - cho, duyệt - cấp, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công...
Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Bộ Nội vụ cũng sẽ tiến hành tổng kết và đánh giá, sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ công chức, viên chức có vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu.
Trọng tâm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp
Việc thảo luận sớm các giải pháp của năm 2017 ngay từ tháng 11 năm nay là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm chủ động thực hiện các nhiệm vụ đặt ra ngay từ đầu năm, tránh rơi vào tình trạng như nhiều năm, quý I thường chậm trễ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhiều vấn đề được các thành viên Chính phủ đề cập khi thảo luận xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp chủ yếu, chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2017.
Đáng chú ý, các thành viên Chính phủ đề xuất đổi mới cách xây dựng Nghị quyết theo hướng ngắn gọn, xúc tích, chỉ nêu những vấn đề lớn, tập trung vào các giải pháp cụ thể và đặt trọng tâm vào những ngành, lĩnh vực mũi nhọn để các bộ, ngành, địa phương dễ nắm bắt, thực hiện. Đề xuất này cũng nhận được sự đồng ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sản xuất nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế được Chính phủ dành nhiều sự quan tâm, góp ý theo hướng tiếp tục cơ cấu lại sâu rộng và hiệu quả hơn, cùng với đó là đánh giá tác động của các hiệp định thương mại đối với xuất khẩu nông sản.
Trước diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu đang diễn ra nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị nghiên cứu tổng thể, có đánh giá toàn diện về thực trạng này trong năm 2017. Trên cơ sở đó, đề ra giải pháp báo cáo Chính phủ vào cuối năm tới, kèm theo các đề án ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cùng chung quan điểm với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, không chỉ cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp mà phải cơ cấu lại sản xuất các ngành, lĩnh vực khác để thúc đẩy phát triển. Bên cạnh đó, phải dự báo được tác động của các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, cũng như chính sách thương mại của các nước như Mỹ, Trung Quốc...
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ 11 tháng vừa qua là một cố gắng lớn của tập thể Chính phủ, các địa phương trong bối cảnh chịu nhiều tác động từ thiệt hại do thiên tai, sự cố môi trường. Thủ tướng biểu dương các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương trăn trở tìm tòi, triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và tập trung chỉ đạo quyết liệt làm nền tảng tốt cho việc triển khai kế hoạch 2017 tại các địa phương.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nỗ lực phấn đấu, thực thi những biện pháp hiệu quả, kịp thời để đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2016 và coi tháng cuối năm là cao điểm để tập trung giải ngân vốn xây dựng cơ bản, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa đi đôi với làm tốt nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phòng, chống cháy nổ.
Về tinh thần chung trong xây dựng nghị quyết, Thủ tướng lưu ý bám sát yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có yêu cầu xây dựng bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngăn ngừa quan liêu, tham nhũng, liêm chính, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
“Không phải chỉ có Chính phủ chuyển động, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ chuyển động mà cả hệ thống phải chuyển động, phải làm gương để bộ máy từ trung ương đến các bộ, ngành, tỉnh, thành, quận huyện, xã phường phải chuyển động phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ định hướng đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát, sửa đổi thể chế chính sách đảm bảo hỗ trợ tốt kinh tế thị trường. Theo đó, phải rà soát, sửa đổi các văn bản chồng chéo, cản trở phát triển, nhất là về đất đai, cơ chế tín dụng, ngân hàng phải lành mạnh.
Thủ tướng chỉ đạo phát huy hơn nữa vai trò VAMC trong giải quyết nợ xấu; kiên quyết không giải cứu các doanh nghiệp thua lỗ, tổ chức cắt lỗ để thu hồi tài sản cho Nhà nước. Chính phủ sẽ sớm trình phương án thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước. Bên cạnh đó, chú trọng hơn nữa công tác xây dựng hệ thống thương mại quốc gia, bán buôn bán lẻ.
Bộ Công thương phải hoàn thiện hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa, sản xuất kinh doanh trong nước; chỉ nên nhập khẩu những sản phẩm khoa học công nghệ mà Việt Nam chưa sản xuất được nhằm kích cầu tiêu thụ nội địa và phát triển khoa học công nghệ trong nước.
Nhắc lại nhiệm vụ tiết kiệm chi tiêu công, hoanh nghênh hình thức như khoán xe công và đề nghị nhân rộng trên địa bàn cả nước, Thủ tướng chỉ đạo tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngoài lương để sử dụng cho chính sách tiền lương và các công việc cần thiết khác, cắt giảm các hình thức hội họp, tổ chức sự kiện xa hoa, lãng phí.
Nhấn mạnh yêu cầu công khai minh bạch trong quản lý, chi tiêu, Thủ tướng đề nghị mọi vấn đề đều phải công khai (trừ những nhiệm vụ quốc phòng, an ninh), để ngăn ngừa tham nhũng; đồng thời tăng cường phân cấp giao quyền, tăng cường kiểm tra hoạt động công vụ.
Thủ tướng cũng mong muốn các thành viên Chính phủ nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, giữ lời hứa, nói đi đôi với làm; áp dụng rộng rãi hơn công nghệ thông tin trong kiểm soát tiêu cực, mặt trái của thị trường. Các bộ, ngành cũng cần đẩy nhanh hơn nữa việc sửa đổi, hoàn thiện dự thảo nghị định chức năng, nhiệm vụ theo hướng thu gọn các đầu mối, trong trường hợp đặc biệt mới thành lập đơn vị mới, đảm bảo tinh gọn, chất lượng hiệu quả.
Nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương quan tâm, giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh dịp cuối năm, Thủ tướng cũng cho biết sẽ sớm tổ chức hội nghị chuyên đề về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để có biện pháp xử lý mạnh mẽ, phù hợp; không để lợi ích nhóm thao túng.
Thủ tướng cũng đôn đốc Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ có cơ chế kiểm tra thường xuyên, đột xuất, tăng cường thanh tra công vụ; rà soát, hoàn thiện lại quy định bổ nhiệm cán bộ.
Cũng tại phiên họp này, Thủ tướng giao các bộ, ngành chức năng, các địa phương chuẩn bị tốt các chủng loại hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2017; có phương án bố trí đưa đón công nhân xa nhà về quê đón Tết, không để xảy ra tình trạng chậm lương, nợ lương, chăm lo hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn để mọi người, mọi nhà đều có Tết.
Theo TTXVN, Vietnam+