Nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đại Quang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Ý từ ngày 21-24/11, thăm Tòa thánh Vatican ngày 23/11/2016, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến thăm này. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
* Xin thứ trưởng cho biết về ý nghĩa và những kết quả nổi bật của chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ý?
- Chuyến thăm thăm cấp Nhà nước tới Ý từ ngày 21-24/11/2016 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác Việt Nam - Ý đang phát triển thuận lợi. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa quan trọng để triển khai chính sách đối ngoại đã được Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra, nhằm tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ với các đối tác lớn, quan trọng, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) mà Ý là một thành viên tích cực.
Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, thể hiện quyết tâm chính trị lớn từ hai phía đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ý đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được lãnh đạo Ý đón tiếp rất trọng thị, thân tình với các nghi lễ cao nhất dành cho chuyến thăm cấp nhà nước. Các cuộc hội đàm, gặp gỡ với lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo địa phương, đại diện các đảng cánh tả diễn ra trong không khí hữu nghị, cởi mở, tin cậy lẫn nhau.
Một số kết quả nổi bật của chuyến thăm, đó là:
Thứ nhất, hai bên đã khẳng định tiếp tục duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác hiện có giữa các bộ, ngành như đối thoại cấp thứ trưởng Ngoại giao, thứ trưởng Quốc phòng, tích cực thực hiện Kế hoạch hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2017-2018 cũng như các chương trình hợp tác được ký nhân dịp này; nâng cao hiệu quả hợp tác theo các kênh Đảng, Quốc hội và giữa các địa phương hai nước.
Hai bên nâng cao nhận thức chung về vị thế và vai trò của mỗi nước tại mỗi khu vực, khẳng định tiếp tục ủng hộ nhau, phối hợp chặt chẽ tại các cơ chế và diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, ASEM, ASEAN - EU; đặc biệt là Ý ủng hộ Việt Nam trong quan hệ với EU, thúc đẩy để sớm ký kết Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và EU (EVFTA).
Thứ hai, hợp tác kinh tế giữa hai nước đã được Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các lãnh đạo Ý trao đổi sâu. Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, ngoài các định hướng về đào tạo nghề, môi trường, quản lý nguồn nước, cảnh báo lũ, hai bên nhất trí ưu tiên các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hai nước đặt mục tiêu phấn đấu đưa kim ngạch trao đổi thương mại từ mức 4,3 tỉ USD hiện nay lên 6 tỉ USD vào năm 2017-2018, đồng thời sẽ thúc đẩy mạnh hơn nữa kết nối và hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực Ý có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như chế tạo máy, dệt may, da giày, chế biến gỗ, năng lượng, chế biến thực phẩm.
Diễn đàn doanh nghiệp đã thu hút được sự tham gia của gần 300 đại diện doanh nghiệp Ý, thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng doanh nghiệp nước này với Việt Nam. Bản ghi nhớ giữa Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam với Liên đoàn Giới chủ Ý cùng nhiều thỏa thuận kinh doanh của doanh nghiệp hai nước cũng đã được ký kết.
Thứ ba, khoa học-công nghệ được đánh giá là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Hai bên nhất trí phát huy các kết quả hết sức tích cực, phối hợp triển khai Chương trình hợp tác khoa học - công nghệ giai đoạn 2017-2019 và thỏa thuận hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Ý, và sẽ coi đây là ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.
Thứ tư, hai bên đã thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng thông qua việc chia sẻ thông tin trong các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, đấu tranh chống tội phạm, đào tạo phòng không - không quân...
Thứ năm, nền tảng quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ý đã có bề dày truyền thống, được các thế hệ hai nước thường xuyên vun đắp trong suốt nhiều thập kỷ qua. Cuộc trao đổi giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với những người bạn, người đồng chí của các đảng cánh tả đã diễn ra trong bầu không khí thân tình, tăng cường sự gắn bó giữa nhân dân hai nước.
Thứ sáu, cộng đồng người Việt Nam (khoảng 4.000 người) tại Ý tuy không phải là cộng đồng lớn nhưng bà con luôn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về cội nguồn quê hương, đất nước. Trong cuộc gặp, bà con đã rất vui mừng và xúc động trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho cộng đồng người Việt Nam tại Ý, thể hiện qua buổi gặp gỡ đầm ấm tổ chức ngay trước khi bắt đầu các hoạt động chính thức.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang diện kiến Giáo hoàng Francis - Ảnh: TTXVN |
* Xin thứ trưởng cho biết kết quả cuộc gặp của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Pietro Parolin nhân chuyến thăm Tòa thánh Vatican lần này.
- Chuyến thăm Vatican gặp gỡ Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Parolin là sự kiện mang nhiều ý nghĩa trong chuyến đi lần này. Chủ tịch nước Trần Đại Quang hài lòng ghi nhận các tiến triển đáng khích lệ gần đây trong quan hệ hai bên, thể hiện qua các tiếp xúc cấp cao, họp cơ chế Nhóm Công tác hỗn hợp và đặc phái viên không thường trú hoạt động tại Việt Nam.
Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Parolin bày tỏ vui mừng và hoan nghênh chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cho đây là dịp tốt để hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau, qua đó thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican.
Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Parolin đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; hoan nghênh việc Việt Nam không ngừng hoàn thiện chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người; hài lòng với đời sống sinh hoạt Công giáo sôi động tại Việt Nam.
Hai bên nhất trí Giáo hội Công giáo Việt Nam cần thực hiện tốt hơn nữa đường hướng “Sống Phúc âm trong lòng dân tộc", "giáo dân tốt phải là công dân tốt", "người Công giáo Việt Nam phải là người yêu nước" và mong muốn Giáo hội Công giáo Việt Nam tham gia đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước cũng như hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
Theo TTXVN, Vietnam+