LTS: Trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cảnh vệ mới đây, ĐBQH tỉnh Phú Yên Nguyễn Hồng Vân đã có ý kiến phát biểu thảo luận. Báo Phú Yên trích đăng phát biểu trên.
Tôi thống nhất với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra dự án Luật Cảnh vệ của Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội. Sau đây, tôi có một số ý kiến góp ý về dự án Luật Cảnh vệ.
Thứ nhất, về giải thích từ ngữ (Điều 3)
Tôi đề nghị Ban soạn thảo giải thích rõ hơn về thuật ngữ “công tác cảnh vệ” được quy định tại khoản 2 và thuật ngữ “biện pháp cảnh vệ” được quy định tại khoản 4. Theo tôi hiểu, công tác cảnh vệ là tổng hợp các biện pháp và các phương thức, còn biện pháp cảnh vệ là những cách thức mang tính chất chuyên biệt và nghiệp vụ. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý.
Thứ hai, về nguyên tắc công tác cảnh vệ (Điều 5)
Điều 5 gồm 6 khoản quy định về nguyên tắc công tác cảnh vệ. Qua nghiên cứu dự thảo luật, tôi đề nghị gộp khoản 5 vào khoản 2 điều này.
Khoản 2 quy định nguyên tắc công tác cảnh vệ là đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Khoản 5 quy định nguyên tắc công tác cảnh vệ phải đảm bảo sự chỉ huy, chỉ đạo tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Theo tôi, quy định tại khoản 2 đã bao gồm các quy định tại khoản 5, vì vậy cần nghiên cứu gộp hai khoản này.
Thứ ba, về chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ (Điều 7)
Khoản 2 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ, nếu có thành tích xuất sắc thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường; bị thương tích, tổn hại về sức khỏe hoặc bị thiệt hại về tính mạng thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ chính sách theo quy định của pháp luật.
Tôi đề nghị bỏ cụm từ “nếu có thành tích xuất sắc thì được khen thưởng”, bởi vì việc khen thưởng hay kỷ luật đã được quy định trong Luật Thi đua, khen thưởng. Ngoài ra, quy định tại khoản 2 của Điều 7 nhìn chung là trùng với quy định tại khoản 2, Điều 33. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa.
(*) Tựa đề do Tòa soạn đặt