Sáng 20/11 theo giờ địa phương (đêm cùng ngày theo giờ Hà Nội), tại Trung tâm Hội nghị Lima, Peru, Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) bước sang ngày làm việc thứ hai.
Các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC đã tổ chức Phiên họp toàn thể thứ nhất với chủ đề “Các thách thức đối với đầu tư và thương mại tự do trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay”. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự phiên họp.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Tổng thống Peru Pedro Paplo Kuczynsky đã nhấn mạnh nhu cầu thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư trong bối cảnh xu hướng bảo hộ gia tăng, hệ thống thương mại đa phương tiếp tục khó khăn.
Tổng thống Peru khẳng định, chủ đề Hội nghị: “Tăng trưởng chất lượng và phát triển nguồn nhân lực: Nền tảng vì tăng trưởng bền vững tại châu Á - Thái Bình Dương” phản ánh quyết tâm chung của các nền kinh tế thành viên APEC trong việc thúc đẩy tăng trưởng chất lượng, liên kết kinh tế và thịnh vượng chung trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo APEC đánh giá thế giới và khu vực tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức ngày càng tăng về kinh tế, chính trị và an ninh. Phục hồi kinh tế thế giới tiếp tục chậm hơn dự báo. Thương mại khu vực và toàn cầu tăng trưởng chậm nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu. Hội nghị nhất trí cần củng cố hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy tự do hóa, thương mại và đầu tư, cải cách cơ cấu, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thúc đẩy các chuỗi giá trị và kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh các thành viên APEC cần tăng cường nỗ lực để hoàn tất các Mục tiêu Bogor đúng lộ trình vào năm 2020 nhằm thúc đẩy tăng trưởng thương mại khu vực. Việt Nam hoan nghênh Lộ trình về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ 2016-2025 trên cơ sở nguyên tắc tính đến trình độ phát triển khác nhau của các thành viên, đồng thời, APEC cần tiếp tục góp phần củng cố hệ thống thương mại đa phương, nhất là sớm triển khai Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, APEC cần nắm bắt những xu thế mới, tích cực khởi xướng, điều phối thúc đẩy các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế trên mọi tầng nấc, trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và cần bảo đảm tính toàn diện, cân bằng và bổ trợ giữa các tầng nấc liên kết.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị các nền kinh tế thành viên cần tập trung triển khai hiệu quả Chương trình nghị sự mới về cải cách cơ cấu, Chiến lược tăng trưởng chất lượng, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng chất lượng. Với nỗ lực xây dựng nhà nước kiến tạo, Việt Nam sẽ đẩy mạnh triển khai kế hoạch hành động về cải cách cơ cấu để giảm các rào cản sau biên giới, tạo môi trường kinh doanh và điều kiện thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và chất lượng nguồn nhân lực.
Chủ tịch nước nêu rõ, cần hỗ trợ hơn nữa cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), nhất là tăng khả năng tiếp cận thị trường, tài chính và công nghệ, tham gia các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam ủng hộ các sáng kiến MSME xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh ASEAN hiện đang tích cực triển khai “Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng kinh tế ASEAN đến năm 2025”.
Việc triển khai những định hướng lớn trong Kế hoạch này về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư phù hợp với định hướng hợp tác của APEC, góp phần tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa hai cơ chế này. Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, tiến hành tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Với hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi tầng nấc, Việt Nam sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn, với 59 đối tác, trong đó có 18 thành viên APEC. Đây là những nền tảng quan trọng để Việt Nam nâng tầm đóng góp thúc đẩy hợp tác, liên kết APEC và ở châu Á - Thái Bình Dương, triển khai mạnh mẽ các cam kết hợp tác hiện có và xây dựng định hướng hợp tác APEC sau năm 2020 vì một tương lai chung của khu vực vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển bền vững và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Trước đó, Chủ tịch nước đã tham dự cuộc trao đổi về kinh tế toàn cầu giữa các nhà lãnh đạo APEC với Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Theo TTXVN/Vietnam+