Không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân vùng biển, những công trình dân sinh do BĐBP Phú Yên đầu tư xây dựng tại các làng biển trong tỉnh đã gắn kết nghĩa tình quân dân ngày càng thắm thiết.
Mở đường, xây trường
Làng chài Vũng La (xã Xuân Phương, TX Sông Cầu) có hơn 3.000 dân, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản và nuôi tôm hùm thương phẩm, quần tụ bên bờ vịnh Xuân Đài. Bến cá Vũng La là nơi tập trung mua bán hải sản, nhưng để đến được bến cá này phải len lỏi theo con đường chật hẹp, chỉ vừa đủ cho một chiếc xe hai bánh lưu hành. Ô tô vận chuyển thức ăn cho tôm hoặc mua tôm thương phẩm của ngư dân không thể vào bến mà chỉ có thể tập kết ngoài đầu xóm. Vì phải thuê người gánh, vác, vận chuyển nên các thương lái mua hải sản với giá thấp để bù vào chi phí này và người bị thiệt chính là ngư dân. Cũng vì đường sá chật hẹp nên người dân muốn xây một ngôi nhà ở đây, tiền vận chuyển có khi bằng tiền mua vật liệu, thậm chí cao hơn. Do đó, ước muốn có một con đường đủ rộng, thuận tiện cho việc đi lại giao thương và phát triển kinh tế là khao khát từ lâu của người dân Vũng La.
Thực hiện chủ trương “BĐBP chung tay xây dựng nông thôn mới” và Kế hoạch 68 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”, Đồn Biên phòng Xuân Đài đã có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ bà con Vũng La hoàn thành tuyến đường này. Thượng tá Lê Xuân Phú, Chính trị viên Đồn Biên phòng Xuân Đài, cho biết: “Toàn đơn vị đã triển khai một cuộc vận động, huy động các nguồn tài trợ và cán bộ chiến sĩ trong đơn vị đóng góp gần 80 triệu đồng tiến hành bê tông 100m đường từ đầu làng đến bến cá. Trong quá trình thi công, người dân rất phấn khởi và sẵn lòng ủng hộ. Xã đoàn Xuân Phương cử một đội thanh niên tình nguyện cùng tham gia với BĐBP. Những gia đình trước kia chần chừ không muốn hiến đất, sau khi nghe chúng tôi giải thích lợi ích mang lại của việc mở rộng con đường đã tự nguyện nhường đất để thi công công trình”.
Sau gần 1 tháng khởi công, tuyến đường đã hoàn thành. Giờ đây, xe tải chở hàng hóa, vật liệu xây dựng, thức ăn cho tôm đã đến tận bến cá. Ngày khánh thành, từ người già đến trẻ em trong làng đều phấn khởi ra mặt.
Theo người dân địa phương, đây không phải là lần đầu tiên mà trước đó, nhiều công trình dân sinh cũng đã được BĐBP xây dựng bằng kinh phí huy động các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư giúp dân Vũng La. Trong đó, công trình đặc biệt có ý nghĩa là Trường mẫu giáo Vũng La với 2 phòng học khang trang, thoáng mát, là nơi học tập của các cháu dưới 6 tuổi của làng. Tiếp đó, BĐBP giúp dân Vũng La bê tông đường liên xóm, đào các giếng nước công cộng, sửa lại trụ sở thôn.... “Đây là những công trình được xây dựng từ tình quân dân. Nhìn ngắm những công trình này, chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng, thêm yêu quý anh em BĐBP”, ông Nguyễn Tháo, một người dân Vũng La, cảm kích bày tỏ.
Làm cầu qua suối
Xóm Cát là một trong những thôn nghèo nhất của xã bãi ngang An Hải nói riêng, huyện Tuy An nói chung. Toàn thôn có 252 hộ, trong đó hộ nghèo chiếm 12,3%. Người dân nơi đây trước kia chủ yếu sinh sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt tôm cá gần bờ. Ngày nay, đa số sinh sống bằng nghề nông, chăn nuôi bò... Thôn có 2 xóm được ngăn cách bởi một con suối. Vào mùa mưa, nước chảy xiết và dâng cao nên các hộ dân ở bên kia suối gần như bị cô lập hoàn toàn. Mùa này, gia đình nào muốn ra chợ phải men theo bìa động, bờ suối rất nguy hiểm và phải mất nhiều giờ mới đến nơi. Trung úy Nguyễn Ngọc Thiên Phong, cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng An Hải, cho biết: “Tuy bên kia suối chỉ có 5 hộ sinh sống nhưng là nơi canh tác, trồng cỏ và hoa màu của nhiều gia đình trong thôn nên hàng ngày rất nhiều người qua lại con suối này. Do vậy, việc xây dựng cây cầu là nguyện vọng từ lâu của đông đảo người dân thôn Xóm Cát”.
Để giúp người dân đi lại dễ dàng, bảo đảm an toàn, nhất là vào mùa mưa, Đồn Biên phòng An Hải đã có sáng kiến giúp dân bắc cầu qua suối. Lần đầu tiên, vì khó khăn trong việc huy động kinh phí nên đơn vị chỉ vận động người dân đóng góp vật liệu, bộ đội đóng góp ngày công để bắc tạm cây cầu bằng gỗ nên chỉ sau một thời gian ngắn, chiếc cầu bị nước suối cuốn trôi.
Thượng tá Nguyễn Văn Kính, Chính trị viên Đồn Biên phòng An Hải, cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng ủy BĐBP tỉnh về xây dựng các công trình dân sinh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các xã ven biển của tỉnh nhà, đơn vị tiếp tục vận động và được chính quyền địa phương hỗ trợ. Sau gần một tháng khởi công xây dựng bởi những người thợ là chiến sĩ mang quân hàm xanh, một chiếc cầu với quy mô chắc chắn hơn đã được hoàn thành. Cầu dài gần 30m, mặt cầu rộng 1,6m được lát bằng gỗ ván, các chân trụ bê tông cốt thép chôn sâu hơn 1,5m. Tổng kinh phí xây dựng 20 triệu đồng, trong đó UBND xã An Hải hỗ trợ 4 triệu đồng, nhân dân đóng góp 10 triệu đồng, phần còn lại do cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng An Hải đóng góp và hỗ trợ hơn 30 ngày công xây dựng. Ngày 8/9/2016, Đồn Biên phòng An Hải phối hợp với chính quyền xã An Hải tổ chức khánh thành và đưa cây cầu vào sử dụng trong niềm vui vỡ òa của người dân địa phương. Ông Trần Văn Trung (SN 1934) là người cao tuổi nhất trong số những người dân sinh sống ở bên kia suối từ hơn 40 năm nay, vui mừng bày tỏ: “Có cây cầu này, việc đi lại của người dân Xóm Cát trở nên thuận lợi và an toàn. Không chỉ tình làng nghĩa xóm được thắt chặt mà tình cảm quân dân cũng ngày càng gắn bó thắm thiết. Nhờ có cây cầu này mà trong đợt mưa lũ gây thiệt hại nặng cho người dân trong tỉnh vừa qua, bà con chúng tôi không bị chia cắt”.
XUÂN HIẾU