* Đại biểu Quốc hội: Cần công khai và cầu thị khi xin lỗi người bị oan
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 11/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 và thảo luận về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 1.212.180 tỉ đồng
Với 79,31 % đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Theo đó, Quyết nghị nêu rõ thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 1.212.180 tỉ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.390.480 tỉ đồng. Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 178.300 tỉ đồng, tương đương 3,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm: bội chi ngân sách Trung ương là 172.300 tỉ đồng, tương đương 3,38% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 6.000 tỉ đồng, tương đương 0,12% GDP. Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách Nhà nước là 340.157 tỉ đồng.
Chính phủ cần thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ
Quyết nghị giao Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách, thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách Nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí.
Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và kịp thời hướng dẫn việc chuyển một số loại phí sang giá dịch vụ đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, gian lận, trốn thuế; hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách Nhà nước.
Điều tiết 100% số thu thuế tiêu thụ đặc biệt
Chính phủ thực hiện từ năm 2017, nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ôtô, phí đảm bảo hàng hải (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) được phản ánh trong thu cân đối ngân sách Nhà nước, sử dụng để duy tu bảo trì đường bộ và đảm bảo an toàn hàng hải; thực hiện phân chia nguồn thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước.
Năm 2017, điều tiết 100% số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm xăng của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn về ngân sách Trung ương. Từ năm 2018, khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định, sẽ xác định lại cơ chế theo quy định của pháp luật. Thu vào ngân sách Nhà nước 72% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà, lợi nhuận được chia từ Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro” và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2017; số tiền còn lại (28%) đầu tư trở lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý chi ngân sách Nhà nước
Chính phủ thực hiện hướng dẫn các địa phương đưa nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết vào cân đối thu ngân sách địa phương và sử dụng toàn bộ nguồn thu này cho đầu tư phát triển do Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định, trong đó cần ưu tiên để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, chương trình xây dựng nông thôn mới và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chính phủ bố trí chi cho công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương tương ứng số thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nộp ngân sách địa phương. Bảo đảm tỉ lệ phát hành trái phiếu Chính phủ có thời hạn từ 5 năm trở lên tối thiểu 70% tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ để đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho ngân sách, cơ cấu kỳ hạn danh mục nợ, quản lý rủi ro và phát triển thị trường trái phiếu.
Chính phủ điều hành chi ngân sách Nhà nước theo dự toán được giao; tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; khuyến khích mở rộng việc thực hiện khoán xe công đảm bảo hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm.
Đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý chi ngân sách Nhà nước. Chính phủ chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách Nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; quản lý chặt chẽ và hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán ngân sách Nhà nước và chi chuyển nguồn sang năm sau. Không chuyển vốn vay, bảo lãnh chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách Nhà nước. Thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng.
Điều chỉnh mức lương cơ sở
Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2017. Giao các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trên cơ sở dự toán ngân sách Nhà nước được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng mức lương cơ sở.
Ngân sách Trung ương đảm bảo kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi người có công; hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương ngân sách khó khăn không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ.
Năm 2017, phát hành 50.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Chính phủ kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước; trong điều hành cần có biện pháp tích cực để giảm bội chi; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ; bảo đảm dư nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định...
Cũng trong chiều 11/11, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung về sự cần thiết sửa đổi luật; nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường; hồ sơ yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự... của dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Cần thiết sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Qua thảo luận, đa số đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với những lý do như đã được nêu trong tờ trình của Chính phủ và cho rằng việc sửa đổi Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng được nêu trong định hướng tiếp tục thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, việc sửa đổi luật nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức gây ra trong khi thi hành công vụ, phù hợp với quy định của các luật có liên quan mới được ban hành.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định theo hướng làm rõ các thiệt hại được bồi thường, căn cứ xác định mức bồi thường, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu bồi thường, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại, góp phần nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ nói riêng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung.
Cơ bản tán thành với nhiều nội dung thể hiện trong dự thảo luật (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) nhận xét sửa đổi luật lần này đã đề cao quyền con người, quyền công dân và xác định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, cá nhân khi mà gây ra thiệt hại đối với công dân.
Cần công khai và cầu thị khi xin lỗi người bị oan
Theo các đại biểu, thời gian qua, mặc dù số lượng vụ án oan chiếm tỉ lệ nhỏ so với tổng số vụ án đã giải quyết, song hậu quả gây ra lại rất nghiêm trọng, như vụ ông Nguyễn Văn Thêm ở Bắc Ninh; vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang... Công tác bồi thường oan người vô tội trong thời gian qua được triển khai tích cực của các cơ quan tố tụng.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân thuộc về cơ chế pháp luật dẫn tới việc giải quyết bồi thường oan trong một số vụ còn nhiều điều đáng suy nghĩ.
Cụ thể, về tổ chức xin lỗi công khai người bị oan, theo dự thảo luật chỉ xin lỗi công khai khi người bị oan có yêu cầu. Vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, cách đặt vấn đề như vậy là chưa phù hợp. Vì việc tổ chức công khai xin lỗi người bị oan là trách nhiệm mà Nhà nước phải thực hiện, không phụ thuộc vào việc người bị oan có yêu cầu hay không.
Bên cạnh đó, pháp luật trao cho các cơ quan tố tụng được quyền áp dụng nhiều biện pháp có tính cưỡng chế. Nếu áp dụng đúng thì có tác dụng tìm ra tội phạm. Nếu áp dụng sai đối tượng thì hậu quả rất nặng nề.
Ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng, nếu cơ quan tố tụng khởi tố oan một người, bắt giam họ trước sự chứng kiến của người dân thì tổn thương gây ra với họ và gia đình là rất lớn. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ trong luật là mọi trường hợp làm oan, cơ quan tố tụng phải có trách nhiệm tổ chức xin lỗi công khai người bị oan mà không phụ thuộc vào việc họ có yêu cầu hay không. Về trình tự, thủ tục xin lỗi cần quy định rõ trong dự thảo luật mà không giao cho Bộ Tư pháp hướng dẫn như quy định trong dự thảo.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Hoàng Văn Liên (đoàn Long An) đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng làm oan người vô tội phải đồng trách nhiệm xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho người dân. Trong đó, cơ quan làm oan cuối cùng phải chủ trì mới đảm bảo tính cầu thị và thực sự xin lỗi nhân dân.
Thảo luận về quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại, các đại biểu cho rằng điểm a khoản 2 Điều 13 xác định "Người bị thiệt hại phải cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của mình" trong dự thảo Luật là không hợp lý. Vì có những vụ việc liên quan đến việc bồi thường kéo dài đến 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc nhiều hơn nữa, do đó những tài liệu yêu cầu liên quan đến bồi thường là không thể nào công dân cung cấp được “một sớm, một chiều.”
Theo các đại biểu, đối với người bị thiệt hại có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực tài liệu, chứng cứ là đủ, không cần phải yêu cầu kịp thời.
Theo chương trình, ngày thứ bảy (12/11) và chủ nhật (13/11), Quốc hội nghỉ làm việc; sáng thứ hai (14/11), Quốc hội sẽ tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017; thảo luận về dự án Luật Thủy lợi.
BTV (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)