Thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủy lợi sáng 8/11, các đại biểu cho rằng quy hoạch thủy lợi phải gắn với đề án Tái cơ cấu nền nông nghiệp, chú ý đến đặc điểm các vùng miền, khuyến khích xã hội hóa đầu tư các công trình thủy lợi, tạo điều kiện cho người sản xuất nông nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn từ các công trình thủy lợi và phải phân định rõ chức năng của bộ, ngành, địa phương trong quản lý các công trình thủy lợi, tránh chồng chéo như hiện nay.
Cần có chính sách đối với các công trình thủy điện, thủy lợi tham gia phòng chống hạn hán
Các đại biểu nhận định, Việt Nam là quốc gia chịu tác động trực tiếp của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng, ẩm, điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, tổng lượng mưa trong năm lớn nhưng phân bố không đều về thời gian và không gian. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và gia tăng dân số, sự phát triển về kinh tế - xã hội, yêu cầu về cấp nước, tiêu nước càng trở nên cấp thiết. Phát triển thủy lợi là phát triển công trình hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng làm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, cấp nước cho dân sinh và các ngành kinh tế khác, tiêu nước chống ngập lụt, góp phần phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật Thủy lợi trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết.
Cơ bản đồng tình với chính sách trong hoạt động thủy lợi như trong dự thảo luật, song với quy định Nhà nước có chính sách trong hoạt động thủy lợi, trong đó ưu tiên đầu tư các công trình có quy mô lớn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới, hải đảo, các đại biểu Bố Thị Xuân Linh và Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng quy định như vậy là chưa đầy đủ mà cần bổ sung chính sách ưu tiên đối với các công trình trọng điểm và công trình kinh tế trọng điểm. Chỉ ra thực tế thời gian qua, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại lớn, đại biểu Linh đề xuất bổ sung thêm quy định nhà nước cần có chính sách đối với các công trình thủy điện, thủy lợi tham gia phòng chống hạn hán.
Cần làm rõ trách nhiệm an toàn...
Đại biểu Linh cho rằng dự thảo luật vẫn “khuyết” quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do các tổ chức, cá nhân trong quá trình xử lý khai thác công trình thủy lợi gây ra. Phân tích của đại biểu cho thấy thời gian qua, quy trình xả lũ tại các địa phương gây thiệt hại lớn, do vậy cần phải quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho từng chủ thể và mức bồi thường cụ thể đối với những trường hợp gây thiệt hại. Liên quan tới vấn đề này, các đại biểu Lê Thị Thủy, Vũ Trọng Kim (Hải Dương), Hồ Thanh Bình (An Giang) bày tỏ mối quan ngại về việc vận hành đập thủy điện. Đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng việc chỉ đạo vận hành hồ chứa thủy điện phải bảo đảm an toàn cho khu vực hạ du. Theo đại biểu Hồ Thanh Bình, việc vận hành các hồ đập có liên quan tới đời sống dân sinh. Về mặt kỹ thuật, hoàn toàn có thể biết được lượng nước trong hồ là bao nhiêu, khi xả ra biết được quy mô tác động thế nào. Chính phủ phải quy định rõ việc vận hành đập an toàn, quy định không rõ sẽ không ai có trách nhiệm và không có cách nào để đánh giá. Cần quy định đánh giá quy mô tác động của từng công trình và tác động đối với xung quanh khi xảy ra sự cố, từ đó, trong quy trình về vận hành đập có quy định như ở mức nào có cảnh báo nào, thông báo cho ai, trong thời gian bao lâu, phải có giám sát, theo dõi, phục vụ lợi ích của cả người vận hành đập và dân cư, các hoạt động sản xuất xung quanh.
Đề xuất “một ông chủ” trong chỉ đạo vấn đề vận hành hồ đập, từ an toàn trong vận hành đến phục vụ tưới tiêu, đảm bảo cho quá trình vận hành tốt, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng nên giao cho Bộ NN-PTNT toàn bộ các công việc, từ thiết kế xây dựng đập cho đến vận hành đập, giữ đảm bảo an toàn, đặc biệt là vùng hạ du khi có mưa bão. Việc để cho Bộ Công thương ra văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện theo quy định tại khoản 4 Điều 68 dự thảo luật là không phù hợp.
Chuyển từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ
Cơ bản đồng tình với quy định về trách nhiệm lập, thẩm quyền phê duyệt quy hoạch điều chỉnh quy hoạch, công bố và quản lý thực hiện quy hoạch thủy lợi, song, đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho rằng quy định như dự thảo luật là người dân chỉ có quyền giám sát thực hiện quy hoạch thủy lợi là chưa đầy đủ, người dân cần phải được tham gia vào ngay từ khâu đầu, ngay từ khâu lập quy hoạch cho đến quá trình triển khai thực hiện.
Đồng tình với cơ chế chuyển từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ nhằm nâng cao ý thức sử dụng công trình thủy lợi, đại biểu đề nghị trong chính sách giá dịch vụ thủy lợi cần phải bổ sung quy định chính sách giá dịch vụ, nguyên tắc định giá cụ thể hơn. Ngoài quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí cho tổ chức, cá nhân trong trường hợp phòng, chống thiên tai, cần bổ sung thêm quy định Nhà nước có chính sách khắc phục thiên tai.
Nhìn nhận chuyển từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi là một chủ trương đúng đắn, đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) đề nghị cần quy định cách tính giá phù hợp, bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ. Đồng quan điểm này, đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) cho rằng cần làm rõ hơn vấn đề giá dịch vụ, phải tính cụ thể, chặt chẽ vấn đề này trong luật. Cho rằng dự thảo luật chưa quy định về đầu ra của nước thải từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, các công trình thủy lợi phục vụ cho hoạt động này phải đảm bảo những gì, đại biểu Hồ Thanh Bình nhận định, trong hướng phát triển nông nghiệp sắp tới, đáp ứng yêu cầu về cạnh tranh chất lượng của hàng nông sản, về an toàn thực phẩm, cần phải tính trước và có quy định nhằm khuyến khích, tạo hành lang pháp lý để hoạt động sản xuất nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu nền nông nghiệp.
(TTXVN)