Đó là Oi Hiền ở thôn Phú Lợi, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân và già làng Y Cái ở buôn Hố Hầm, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa. Trong quá khứ, họ là những con người kiên trung, bất khuất. Hòa bình lập lại, họ tiếp tục mẫu mực trong cuộc sống, xứng đáng là những người uy tín tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số.
OI HIỀN (MA NGHĨA): Làm gương trước thì nói bà con mới nghe
Già làng Oi Hiền (bìa trái) - Ảnh: HÀ THU |
Là người dân tộc Ba Na, là cán bộ hưu trí, người có uy tín nhiều năm liền, Oi Hiền ở thôn Phú Lợi, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, chia sẻ: “Tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, tôi đã chứng kiến mọi ngọt bùi cay đắng của đồng bào trong cảnh chiến tranh. Được sống đến hôm nay trong thời kỳ đất nước hòa bình yên ổn, tôi càng quý trọng, chăm lo cuộc sống, bảo vệ hạnh phúc của mình cũng như của dân làng”. Với tâm niệm “phải làm gương trước thì mọi người mới noi theo”, hơn nửa thế kỷ qua, Oi Hiền luôn mẫu mực nói trước, làm trước. Những năm tháng kháng chiến anh dũng, ông là người đứng mũi chịu sào trong nhiều cuộc chống càn của giặc. Không phải là người cao to, nhưng lúc nào ông cũng nhận nhiệm vụ mang vác nhiều súng, đạn chuyển cho bộ đội đánh giặc. Những việc làm tuy nhỏ nhưng có sức nặng hơn nghìn lời nói ấy đã được nhiều người nể phục.
Đến nay, chuyện hai vợ chồng ông tự khai hoang để trồng lúa nước từ mấy chục năm trước vẫn được nhiều người dân nhắc lại. Đó là vào năm 1974, kinh tế gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Với suy nghĩ hai vợ chồng đều là đảng viên thì không thể chịu cái đói đeo đẳng mãi, ông bàn với vợ phải khai hoang những vùng đất thấp còn bỏ không nhưng dễ đón nước trời để trồng lúa nước. Sau thời gian khá dài với sự cần mẫn, chịu khó, ông đã khai khẩn được khoảng 10ha đất trồng lúa. Nhờ vậy, trước mắt phần nào giải quyết được cái ăn trong những ngày giáp hạt cho gia đình. “Cái bụng của Oi Hiền no mà hàng xóm còn đói thì ông ấy không chịu được. Oi Hiền đã đi gặp nhiều người nói về cách làm đất, cách lấy nước trời cùng những kỹ thuật trồng trọt để chúng tôi biết. Khi thấy được cái lợi từ lúa nước, nhiều người trong thôn đã làm theo. Giờ trong thôn không còn hộ đói như trước nữa, chúng tôi rất biết ơn ông”, mí Lương, một người dân thôn Phú Lợi, cho biết. Đối với những người neo đơn, già cả không khai phá đất hoang được, ông tự nguyện chuyển cho họ vài sào để trồng lúa. Nhờ vậy, nhiều người đã định canh định cư, yên ổn làm ăn, xây dựng thôn buôn ngày thêm ấm no hạnh phúc.
Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hôm nay, Oi Hiền và gia đình đều luôn thực hiện tốt mọi chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước; hương ước, quy ước của thôn đề ra. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nhiều năm nay, ông và gia đình luôn nêu gương trước. Ông đã giải thích cho nhiều người hiểu được những tác hại của việc cúng bái bắt ma lai. Đó là những hủ tục cần được xóa bỏ, ảnh hưởng không tốt đến đời sống, tình cảm, tình đoàn kết trong cộng đồng, tác hại lớn hơn là ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế xã hội. Không chỉ nói suông, bản thân ông và người thân trong gia đình khi có bệnh đau đều đến bệnh viện, trạm y tế để được bác sĩ khám bệnh, cấp thuốc. Học theo Oi Hiền, nhiều năm nay, toàn thôn Phú Lợi đã thực hiện nếp sống mới, trẻ em được đến trường học hành tử tế, có nhiều người thành đạt, nắm giữ cương vị chủ chốt của huyện, của tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đồng Xuân La Văn Hảng, từ trước tới nay, Oi Hiền luôn xứng đáng với niềm tin của người dân ở đây. Nhiều việc, chính quyền, các ngành chức năng, Mặt trận phải nhờ ông đến để giải thích cho bà con thì mới hiệu quả.
Y CÁI: Muốn hòa giải thành, phải biết pháp luật
Già làng Y Cái mời khách uống rượu cần - Ảnh: HÀ THU |
Trong tiết mục biểu diễn cồng chiêng mở màn cho Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm tại buôn Hố Hầm (xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa), Y Cái thường tham dự. Tuy đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông còn rất nhanh nhẹn, nhịp nhàng với điệu cồng chiêng cùng những chàng trai trẻ trong buôn. Đã 94 tuổi nhưng hiện Y Cái vẫn rất minh mẫn, quắc thước trong từng cử chỉ đến lời nói. Ông được bà con nể phục bởi không chỉ là một già làng mẫu mực mà còn là người hiểu luật, hòa giải thành hàng trăm vụ việc mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn. Y Cái cho biết: “Được người dân tín nhiệm hàng chục năm nay, già mừng lắm. Qua đó, già càng thấy được trọng trách của mình đối với buôn làng. Có những điều chưa hiểu thì hẹn với họ lần sau sẽ giải thích. Những điều đó, già đã nhờ cán bộ, con cháu trong dòng họ giải thích dùm để về truyền đạt lại với bà con. Già thấy muốn giúp bà con, mình phải hiểu luật. Vì vậy, đã chừng này tuổi rồi nhưng hễ có cán bộ bảo đi học tập, tập huấn là già lại đi ngay”.
Trong đời mình, Y Cái không thể nhớ hết đã hòa giải thành bao nhiêu vụ việc, từ chuyện hôn nhân cận huyết thống, tranh chấp đất đai dòng họ, ly hôn, trả của… cho đến cha con, anh em trong nhà xích mích nhau. Nhiều vụ việc không chỉ người dân của buôn Hố Hầm mà toàn xã Hòa Hội vẫn luôn nhắc nhớ ông với nhiều ấn tượng. Đặc biệt, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, việc làm đường bê tông nông thôn ở xã Hòa Hội ghi dấu ấn rất đậm nét về công tác hòa giải của Y Cái. Lâu nay, muốn làm một con đường trong thôn thì không thể tránh được việc phải lấn vào đất vườn của người dân. Nhưng vì không hiểu được đó là chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nên một số người đã định làm đơn kiện để đòi đền bù. Khi nghe cán bộ Mặt trận báo lại sự việc, ông đã không quản sớm chiều, tranh thủ đến từng nhà nói cho họ hiểu để họ đồng thuận vì đó là việc làm có lợi cho cộng đồng. Lúc đầu, nhiều người không chịu. Họ cho rằng lợi đâu chưa thấy nhưng rõ ràng là đã bị mất đất, mất hoa màu, ảnh hưởng đến cái ăn, cái mặc trong gia đình. Thấy vậy, ông về vận động con cháu trong dòng họ hiến đất, xây dựng trước một đoạn đường để làm gương. Khi đến mùa thu hoạch, xe lớn, xe nhỏ chở nông sản vào tận trong sân. Lúc đó, người dân mới hiểu được cái lợi của việc làm đường như ông nói và không còn ai nghĩ đến chuyện làm đơn đi kiện cán bộ nữa. Đến nay, riêng buôn Hố Hầm gần 100% tuyến giao thông được bê tông hóa. Toàn buôn nỗ lực thực hiện xây dựng cảnh quan môi trường “sáng, xanh, sạch, đẹp”.
Hay như chuyện vợ chồng Y Bưng, Mí Hoa. Có kẻ xấu tung tin Mí Hoa có quan hệ tình cảm với một người trong xã. Dù đã được Mí Hoa giải thích nhiều lần nhưng Y Bưng vẫn một mực không chịu. Sau nhiều ngày tìm cách bắt quả tang vợ ngoại tình, kết quả đâu chưa thấy, Y Bưng đã làm bạn với rượu hồi nào không hay, chuyện ruộng rẫy vì thế cũng quên luôn, dẫn đến cảnh nhà sa sút, con cái nheo nhóc. Mí Hoa khóc hết nước mắt, đòi tự vẫn nhưng cũng không thể lay chuyển được ông chồng đã bị ma men quyến dụ. Có người chỉ bảo, Mí Hoa liền tìm đến nhờ già làng Y Cái. Sau nhiều ngày tìm hiểu sự việc, Y Cái biết được đó là lời đơm đặt của một người trước đây từng đem lòng yêu mến vợ của Y Bưng nhưng không được chấp nhận. Với uy tín của mình cùng sự kiên trì thuyết phục, dần dà, Y Cái đã giúp Y Bưng hiểu hết sự tình. Sau đó, Y Bưng ân hận với sự nông nổi của mình, lại chí thú làm ăn như trước. “Nếu không có già làng Y Cái, thật chúng tôi không biết phải làm sao. Chuyện xảy ra đã lâu nhưng tôi thì nhớ mãi để tự răn mình và biết ơn già nhiều lắm”, Y Bưng nói mà không giấu được vẻ ăn năn trên khuôn mặt.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Hội Đặng Thị Thơm, Y Cái là người đồng bào dân tộc thiểu số Chăm H’roi, luôn thể hiện vai trò đầu tàu, gương mẫu của một già làng uy tín tiêu biểu nhiều năm liền. Những cống hiến, đóng góp của ông thể hiện rõ nét nhất là trong công tác hòa giải, góp phần hạn chế được đơn thư khiếu kiện vượt cấp và bảo vệ sự bình yên cho buôn, cho xã.
HÀ ANH