Sau gần sáu ngày làm việc, sáng 18/10, Phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã bế mạc sau khi các đại biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh; dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh sau gần sáu ngày làm việc tích cực, khẩn trương (đợt 1 từ ngày 3-6/10; đợt 2 từ ngày 17-18/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình của Phiên họp thứ Tư.
Tại đợt 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV; các dự án luật và một số báo cáo để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2; đồng thời đã xem xét quyết định một số vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong đợt 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017; kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 và mục tiêu, phương hướng huy động sử dụng vốn vay, quản lý nợ công cho giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế cho giai đoạn tới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính và Ngân sách, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẩn trương hoàn chỉnh các báo cáo, các dự án luật và hồ sơ liên quan để gửi tới các vị đại biểu Quốc hội kịp phục vụ cho kỳ họp thứ 2.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nhiệm kỳ 2016-2020; đề nghị Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Bộ Ngoại giao nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Ban Thư ký và Quyết định thành lập Nhóm nữ nghị sĩ, nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam; đề nghị Ban Công tác đại biểu tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình ký ban hành.
Ngay sau khi kết thúc phiên họp, đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan theo sự phân công, chỉ đạo hoàn thành tất cả các công việc được giao để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Đề nghị Chính phủ rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ quan điểm xuyên suốt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội là luôn ủng hộ Chính phủ để cùng nhau "chung lưng, đấu cật" giải quyết những khó khăn của đất nước; trong đó tạo mọi điều kiện để tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp và thực hiện một mục tiêu phát triển đất nước.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự án luật này nếu căn cứ vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì về quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời gian và chất lượng chưa đạt. Đồng thời, theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì thủ tục rút gọn cũng quy định rất chặt chẽ. Nhưng những vấn đề Chính phủ nêu trong dự án luật này (một luật sửa ba luật) có các vấn đề chưa phải cấp bách.
Nhiều nội dung nếu Chính phủ hướng dẫn đầy đủ, chi tiết các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng thì sẽ giải quyết được những vấn đề cần sửa đổi trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Hơn nữa ba Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng chỉ mới có hiệu lực thi hành được hơn một năm và chưa thấy có vấn đề gì vướng mắc quá lớn.
Ngoài ra, còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Những ý kiến đó nếu không được xem xét một cách thận trọng thì không nhưng không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mà còn gây lên cản trở cho doanh nghiệp. Từ những lý do trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện tiếp vì chưa đủ điều kiện để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.
Cần thiết ban hành nghị quyết
Thời gian còn lại của phiên họp buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để góp phần phát triển du lịch, môi trường đầu tư kinh doanh.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 với chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, trong đó có việc xây dựng và triển khai cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Theo đó, toàn bộ quá trình từ nộp hồ sơ, xem xét giải quyết và thông báo kết quả cấp thị thực cho người nước ngoài đều thực hiện bằng phương tiện điện tử.
Đồng thời, người nước ngoài được giải quyết cấp thị thực sẽ được cung cấp mã khóa để truy cập Cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực để nhận kết quả xin thị thực điện tử, thanh toán lệ phí thị thực qua tài khoản và tự in thị thực điện tử. Quy định cấp thị thực điện tử như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người nước ngoài, cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh.
Cơ bản tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội như nội dung tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng việc tiến tới áp dụng hình thức thị thực điện tử đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, nhanh chóng, thuận tiện và tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho kích cầu du lịch, thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế là cần thiết và phù hợp với chủ trương của Đảng về đổi mới, hội nhập quốc tế. Đồng thời, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết này là phù hợp với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, nội dung tờ trình cũng như các văn bản trong hồ sơ dự án Chính phủ trình chưa nêu bật được thực trạng khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập hiện nay trong việc cấp thị thực theo quy định của pháp luật hiện hành để làm căn cứ cho sự cần thiết ban hành Nghị quyết.
Trong khi đó, tại Báo cáo đánh giá tác động, Chính phủ báo cáo có nhiều tích cực trong việc tổ chức thực hiện Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nhất là việc cấp thị thực cho người nước ngoài đã bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản hóa về trình tự, thủ tục giải quyết nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam lại không đúng với quy định về hình thức, điều kiện, thẩm quyền cấp thị thực của Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo bổ sung nội dung Tờ trình bảo đảm đầy đủ và chặt chẽ.
Cho ý kiến về dự thảo nghị định này, đại đa số ý kiến đều cho rằng việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là rất cần thiết. Đây là một trong những nội dung cải cách hành chính, tăng cường hội nhập mà Việt Nam đang thúc đẩy. Nội dung này chưa được quy định trong Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Cho nên việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết là đúng thẩm quyền.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần phải cân nhắc vấn đề này. Bởi hiện nay nước ta đang đơn phương miễn thị thực có thời hạn cho một số nước trên cơ sở là có đi có lại hoặc là để thu hút khách du lịch. Việc cấp thị thực điện tử có thật sự thúc đẩy hoạt động du lịch hoạt động hay không thì cần phải bàn thêm trong khi cơ sở hạ tầng, nhân lực của ta thì chưa được làm rõ.
Thảo luận về việc áp dụng thí điểm đối với tất cả người nước ngoài, không phân biệt đối tượng và phạm vi cả nước, cửa khẩu đều có thể chấp nhận visa điện tử, các ý kiến đề nghị phải làm rõ tính khả thi của nội dung này và cơ sở hạ tầng của Việt Nam có cho phép hay không. Ngoài ra, các cửa khẩu hiện nay do Biên phòng phụ trách thì có thể thực hiện được nhiệm vụ này hay không? Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để bổ sung cho hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết.
Về thời gian thí điểm, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với thời gian thí điểm là hai năm nếu được Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm nội dung kết thúc thí điểm phải tổng kết, báo cáo Quốc hội về kết quả thí điểm để có cơ sở sửa đổi, bổ sung.
Đối với quy trình của dự thảo Nghị quyết, các đại biểu cho rằng dự án luật chưa có trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2016; đồng thời chưa có trong chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Do đó, để Quốc hội xem xét thì Ban soạn thảo cần phải bổ sung vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của chương trình kỳ họp thứ 2.
Thời gian từ nay đến kỳ họp thứ 2 còn rất ngắn. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo phải khẩn trương hoàn thiện, bổ sung hồ sơ Nghị quyết theo quy định; làm rõ phạm vi, nội dung của dự thảo Nghị quyết để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Phát biểu kết luận nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ yêu cầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh phải phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo, các Bộ, ngành liên quan để chuẩn bị thật đầy đủ hồ sơ này để xin ý kiến đại biểu Quốc hội bổ sung dự án này vào chương trình kỳ họp thứ 2.
Theo TTXVN/Vietnam+