Trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức nước CHDCND Lào, sáng 26/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi nói chuyện với các cán bộ Đại sứ quán, bà con Việt kiều và đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.
Đoàn đại biểu đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức CHDCND Lào - Ảnh VOV |
Trò chuyện với các cán bộ đại sứ quán, bà con Việt kiều và đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Lào không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa giáo dục...
Hai bên tổ chức thành công cuộc gặp thường niên cấp cao giữa Bộ Chính trị; các kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào, ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận, Kế hoạch hợp tác giám sát để thực hiện hiệu quả các hiệp định đã kí kết; trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao cũng như giữa các bộ ngành và nhân dân hai nước.
Việt Nam đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Lào và là đối tác thương mại hàng đầu của Lào. Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, các cơ quan bên cạnh đại sứ quán, các doanh nghiệp và bà con Việt kiều ta tại Lào đã đóng góp hết sức quan trọng vào những thắng lợi trong quan hệ giữa Việt Nam và Lào. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao và biểu dương các cán bộ Đại sứ quán, bà con Việt kiều và đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào về những đóng góp to lớn đó.
Tại đây, Chủ tịch Quốc hội cũng đã thông báo với các cán bộ Đại sứ quán, bà con Việt kiều và đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào về nội dung của kì họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV. Về công tác của đại sứ quán, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hiện nay, Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo xây dựng Đề án “Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN”.
Điểm mới là việc ký kết và thực hiện các Hiệp định tự do thương mại song phương thế hệ mới với những tiêu chuẩn cao hơn, rộng hơn về thị trường, về thuế quan cũng như các tiêu chuẩn dịch vụ, lao động…Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cán bộ đại sứ quán đóng góp về lý luận và thực tiễn về những vấn đề cần phát huy, những vấn đề cần rút kinh nghiệm để tận dụng những cơ hội và hóa giải các khó khăn tồn tại, phục vụ công cuộc xây dựng phát triển của đất nước.
Năm nay là năm bản lề của cả nước ta và nước bạn Lào, hai nước đều tiến hành Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và các chức danh lãnh đạo; vì vậy, công việc cũng nhiều hơn; số lượng đoàn thăm viếng lẫn nhau cũng nhiều hơn. Sang năm hai nước sẽ tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 40 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào. Cán bộ, nhân viên trong Đại sứ quán cần nỗ lực hơn nữa, tăng cường đoàn kết, trách nhiệm, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Đảng, Nhà nước và Quốc hội luôn dành sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hoạt động một cách thuận lợi nhất nhằm góp phần phục vụ công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, các vụ việc liên quan đến công tác bảo hộ công dân ngày càng nhiều. Do đó, Đại sứ quán cần tăng cường, chủ động và đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ công dân, Kiều bào cả về tinh thần, thông tin và pháp lý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên đất Lào - Ảnh: VOV |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: “Đại sứ quán phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tổ chức các lớp học tiếng Việt cho con em Kiều bào. Đây là việc làm hết sức cần thiết, ở đâu có người Việt Nam ở đó phải có văn hóa người Việt Nam, do đó, Đại sứ quán phải hết sức quan tâm vì việc này có ý nghĩa trong việc vận động bà con hướng về Tổ quốc; góp phần duy trì và phát huy bản sắc dân tộc. Đại sứ quán cần trở thành ngôi nhà chung, là mái ấm nuôi dưỡng tình cảm dân tộc, quê hương, cũng là nơi bảo vệ quyền lợi của công dân, kiều bào Việt Nam tại nước ngoài”.
Với đại diện doanh nghiệp và bà con Việt kiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Đảng, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam và cử tri cả nước rất quan tâm theo dõi cuộc sống của bà con Việt kiều tại nước ngoài. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam; thành công của bà con người Việt cũng là thành công của đất nước Việt Nam.
Đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam tại Lào có truyền thống yêu nước nồng nàn, luôn hướng về Tổ quốc, lao động cần cù, sáng tạo, có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước Lào anh em và góp phần quan trọng vun đắp và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào.
Chủ tịch Quốc hội cũng biểu dương một số doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã kinh doanh làm ăn thành công, chấp hành nghiêm pháp luật sở tại, đóng góp vào phát triển kinh tế của Lào cũng như của Việt Nam. Đề nghị các doanh nghiệp nỗ lực phấn đấu hơn nữa, vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa xây dựng hình ảnh tốt đẹp của doanh nhân Việt Nam trên đất bạn Lào.
Thay mặt cho các cán bộ, công nhân viên của đại sứ quán, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Lào đã hứa với Chủ tịch Quốc hội và đoàn đại biểu cấp cao sẽ đoàn kết một lòng, chung tay, chung sức thực hiện có kết quả mà Đảng nhà nước, Quốc hội giao cho.
Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, cán bộ, công nhân viên đại sứ quán không ngùng chăm lo phát huy truyền thống dân tộc, đặc biệt là chăm lo dạy tiếng Việt cho con em Việt kiệu. Hàng năm, Chính phủ Việt Nam đã dành 30 suất học bổng cho con em Việt kiều được về Việt Nam học tập, Đại sứ mong muốn được nhiều hơn nữa suất học bổng cho các con em Việt Kiều tại đây.
* Cũng trong sáng 26/9, ngay sau khi đến sân bay quốc tế Wattay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội đã đến dự lễ khai mạc Triển lãm ảnh đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên đất Lào.
Cách đây 55 năm, sau khi được sự chấp thuận của hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào, quân đội và nhân dân hai nước đã phối hợp mở tuyến đường chiến lược Tây Trường Sơn, mở tuyến chi viện đi qua đất bạn Lào anh em. Từ thế độc tuyến Đông Trường Sơn, hai nước đã phối hợp mở thêm tuyến đường Tây Trường Sơn, mở ra một chiến trường rộng lớn trải dài trên 11 tỉnh của Việt Nam và 7 tỉnh Nam Lào, thực hiện nhiệm vụ chiến lược nhằm tạo cơ sở vật chất, tạo điểm tựa vững chắc cho cách mạng của hai nước đồng thời là cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam Việt Nam.
Trải qua 16 năm (từ 1959 đến 1975) chiến đấu ác liệt, gian khổ, hy sinh xương máu, bộ đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào tại dãy Trường Sơn đã làm nên tuyến đường huyền thoại - đây chính là điểm tựa và bàn đạp để cách mạng của hai nước Việt Nam - Lào phát triển, đi tới thắng lợi, giành độc lập tự do cho dân tộc. Có thể nói, đường Tây Trường Sơn chính là biểu tượng sinh động và minh chứng cho tình đoàn kết chiến đấu giữa giữa Đảng, quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Hoạt động này có ý nghĩa chính trị quan trọng, diễn ra đúng vào thời điểm hai nước Việt Nam - Lào đang tích cực chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 40 năm ngày ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào vào năm 2017.
Theo VOV