Trên vùng đất lúa khô cằn, ông Trần Trung Bình ở thôn Nông Nghiệp, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) đã mạnh dạn chuyển sang trồng các loại hoa màu phù hợp, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại nguồn thu gần 200 triệu đồng mỗi năm.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông ở thôn Nông Nghiệp, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa), đến năm 1985, sau khi lập gia đình, vợ chồng ông Trần Trung Bình bôn ba nhiều nơi để mưu sinh. Ông Bình cho biết: Hồi đó, vợ chồng tôi tìm về Sông Hinh để làm rẫy kiếm sống nhưng căn bệnh sốt rét rừng thường xuyên hành hạ. Đến năm 2005, vợ chồng tôi quay về quê nhà lập nghiệp. Ban đầu tôi thuê mấy sào đất của HTX trồng lúa, đồng thời vay thêm 10 triệu đồng của Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh huyện Tây Hòa để mua bò và gà về nuôi. Sau mấy vụ liền sản xuất, cây lúa cho năng suất thấp, không có hiệu quả. Gia đình tôi chuyển sang trồng bắp, dưa hấu phủ bạt, dưa leo, khổ qua… Theo ông Bình, vì vùng đất nơi ông sản xuất thường xuyên bị thiếu nước nên cây trồng không đạt năng suất. Để có nước tưới, ông đã bỏ tiền đào giếng, mua máy bơm dầu để bơm tưới, nhưng vì chi phí chạy máy bơm dầu cao nên lợi nhuận không còn. Đến khi được địa phương đầu tư kéo điện đến vùng này thì việc sản xuất mới bắt đầu ổn định.
Trên diện tích 1,5ha đất ruộng thuê được của HTX, gia đình ông Bình trồng được 16 sào lúa. Bình quân mỗi năm thu hoạch được khoảng 14 tấn lúa, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận 40 triệu đồng. Tất cả diện tích còn lại ông chuyển hết sang trồng hoa màu. Trong đó, 7 sào chuyên trồng dưa hấu phủ bạt, 2 sào trồng dưa leo và 5 sào trồng khổ qua, còn cây bắp là cây trồng luân canh giúp đất phục hồi sau vụ sản xuất. Tất cả các loại hoa màu này đều có thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 50 ngày (kể từ khi xuống giống) là thu hoạch. Khoảng nửa tháng sau thu hoạch, ông Bình làm đất và bắt đầu trồng vụ mới. Mỗi năm, trên diện tích 14 sào đất này, gia đình ông canh tác được 4 vụ liên tục.
Để có được kiến thức và kinh nghiệm sản xuất, thời gian qua, ông Bình thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, các buổi hội thảo đầu bờ, mô hình sản xuất hoa màu do địa phương tổ chức. Ngoài ra, ông còn thường xuyên tìm hiểu thêm kiến thức, thông tin trên các trang mạng, báo đài để ứng dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Ông Bình cho hay: Từ những kiến thức tích lũy được cộng với kinh nghiệm của mình, tôi rút ra được phương pháp canh tác riêng cho từng loại cây, từng giai đoạn sinh trưởng để chăm sóc cây đạt hiệu quả hơn. Hiện nay, năng suất thu hoạch các loại hoa màu của gia đình luôn đạt cao. Cụ thể, dưa hấu đạt 1,5 tấn/sào, dưa leo 2 tấn/sào, khổ qua 1 tấn/sào…
Ngoài ra, để các loại nông sản của gia đình có được giá bán cao, ông Bình còn tính toán cụ thể thời điểm xuống giống của mỗi loại. Theo ông Bình, các loại dưa hấu, dưa leo thường được tiêu thụ mạnh vào các dịp lễ hoặc ngày rằm, đầu tháng, nên ông tính thời điểm thu hoạch đúng vào các dịp này để đón giá. Đồng thời khi sản xuất phải chia nhỏ vụ trồng để thời gian thu hoạch kéo dài, hạn chế tình trạng hoa màu thu hoạch không kịp bị già cỗi, mất giá. Với cách “quy hoạch” cụ thể trong sản xuất, gần như vụ sản xuất nào gia đình ông Bình cũng “thắng”, mang lại nguồn thu nhập khá cao. Bình quân, mỗi năm từ trồng hoa màu, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Bình thu khoảng 150 triệu đồng.
Để tăng nguồn thu, hiện nay, ông Bình còn nuôi thêm 4 con bò thịt. Nguồn thức ăn cho bò được ông tận dụng từ phụ phẩm nông nghiệp như rơm, thân bắp, dưa đèo (loại dưa dạt lại). Ngoài ra, mỗi năm ông còn nuôi 2 lứa gà ta, mỗi lứa 500-700 con thả dưới vườn bắp để bán vào dịp mùng 5 tháng 5 và tết âm lịch, từ chăn nuôi cũng cho lợi nhuận hơn 60 triệu đồng.
Ông Châu Minh Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bình 1, nhận xét: Trên diện tích ruộng lúa khô hạn, gia đình ông Trần Trung Bình đã mạnh dạn chuyển sang trồng hoa màu kết hợp chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao với nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Năm 2015, ông Trần Trung Bình là gương nông dân điển hình sản xuất giỏi, được Hội Nông dân huyện Tây Hòa tuyên dương.
SƠN CA