Tuổi đã ngoài 80 nhưng thao tác sử dụng các nhạc cụ, nhất là trống đôi của nghệ nhân Ma Ngun, người dân tộc Chăm H’roi (xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa) vẫn còn khá nhanh nhẹn và tinh tường.
Nghệ nhân Ma Ngun (bên trái) múa trống đôi trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên lần thứ IX - Ảnh: THIÊN LÝ |
Người “giữ hồn” của buôn làng
Ma Ngun không nhớ rõ những nhạc cụ làm bằng tre, trúc đã trở nên gắn bó và thân thiết với ông tự bao giờ. Có lẽ, được sinh ra và lớn lên ở rừng thiêng núi thẳm nên những âm thanh đó dường
Ông Phạm Tấn Thuật, cán bộ VH-XH xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) cho biết: “Ma Ngun là một trong những nghệ nhân cao tuổi nhất ở xã Cà Lúi. Hiện nay, ông được xem là “của hiếm” khi sử dụng được hết các loại nhạc cụ của người đồng bào dân tộc Chăm H’roi, đặc biệt là trống đôi. Cho nên, việc truyền lại và phát huy các giá trị tinh thần của âm nhạc dân tộc là điều cần thiết”. |
như đã ăn sâu vào máu thịt của ông. Trong ngôi nhà được làm bằng gỗ đơn sơ và mộc mạc, những người khách thập phương có thể nhanh chóng tìm thấy nhiều nhạc cụ được treo lủng lẳng bên góc nhà. Cái nhỏ thì bằng chiếc bầu đựng nước, cái lớn ít nhất cũng bằng thân con bê, còn cái giản dị chỉ là ống tre được đâm thủng dăm ba lỗ... Nhưng Ma Ngun luôn trân trọng và nâng niu chúng. Ông cất giữ chúng phía trên bếp lửa, gần nơi mà các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau sau một ngày làm việc vất vả, cũng là nơi mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng của người đồng bào dân tộc Chăm H’roi.
Ma Ngun nhớ lại và bắt đầu kể: “Lúc nhỏ, nghe những người lớn tuổi chơi các loại nhạc cụ, tôi cũng tò mò bắt chước làm theo. Dần dần, nghe và hiểu được âm điệu của từng loại nhạc cụ, tôi mới cảm thấy say mê và thích thú với món nghề này. Nhưng nhiều lần vì chiến tranh loạn lạc, tôi đành phải tạm gác sở thích của mình lại. Sau này, niềm đam mê mãnh liệt đã thôi thúc tôi gắn bó với các nhạc cụ dân tộc đến tận bây giờ”.
Mặc dù, Ma Ngun chưa hề học qua bất kỳ trường, lớp nhạc nào nhưng ông lại là một trong những người chơi và làm được nhiều nhạc cụ nhất ở địa phương. Ngoài sáo, đàn bầu (goog) và đàn trơn (hay còn gọi là đàn đá), ông còn là người múa trống đôi giỏi nhất nhì buôn làng. Hiện trong thôn Ma Lăng và cả các thôn xung quanh, rất ít người vừa chơi vừa biết làm trống đôi như Ma Ngun.
Ngày trước, ông vẫn thường lặn lội lên rừng, đi tìm những thân tre chắc khỏe, mang về vót thành những thanh nan vững chãi. Ông còn chia sẻ bí quyết để tạo nên một trống đôi tốt là cần phải sử dụng da bò căng láng, bóng mịn. Như vậy, trống mới phát ra những âm thanh vừa mạnh mẽ, dứt khoát lại vừa da diết, sâu lắng. Bây giờ, tuổi già sức yếu, Ma Ngun không còn đi nhiều nhưng cứ hễ có lễ hội hay sinh hoạt buôn làng, ông đều tham gia biểu diễn múa trống đôi. Ông cùng người bạn diễn hòa quyện vào âm thanh của trống vừa phô diễn được các động tác múa kết hợp với một số kỹ thuật vuốt nhanh trên mặt trống, sự nhanh nhạy của bước chân, mềm dẻo của hình dáng, tạo sự uyển chuyển của toàn cơ thể, trong đó bao gồm cả chân, tay, vai và đầu đầy ngẫu hứng, sáng tạo.
Nặng lòng với nhạc cụ dân tộc
Càng yêu những giai điệu núi rừng bạc ngàn, Ma Ngun lại càng day dứt và trăn trở với việc truyền lại cho lớp trẻ tình yêu và niềm đam mê với nhạc cụ của dân tộc mình. Ma Ngun vẫn hằng mong các giá trị quý báu mà cha ông đã sáng tạo sẽ được lưu truyền và phổ biến rộng rãi, được sống thật sự và mãi mãi trong tâm hồn của những người trẻ hiện đại. Vì vậy, hễ bọn trẻ nào có ý định học các loại nhạc cụ, ông đều sẵn lòng chỉ dạy tận tình, thậm chí ông còn tranh thủ động viên thêm một số thanh niên, trai tráng trong buôn làng đến học.
Anh Ma Dế, một trong những học trò của Ma Ngun, vui vẻ nói: “Hơn 1 năm trước, khi thấy Ma Ngun múa trống đôi biến tấu nhịp nhàng theo tiếng trống lại pha trộn sự hào hùng, lãng mạn, tôi không khỏi bị cuốn hút theo điệu nhạc. Từ đó, tôi quyết tâm theo ông học trống đôi. Theo năm tháng, tình yêu của tôi dành cho nhạc cụ dân tộc ngày càng lớn dần. Tôi hy vọng sẽ có nhiều người sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ của dân tộc mình để hiểu được giá trị của chúng một cách sâu sắc và toàn diện”.
Vì vậy, những nghệ nhân như Ma Ngun thường được dân làng ví như bảo tàng âm nhạc dân tộc sống, là người mang trách nhiệm gìn giữ và truyền lại các giá trị văn hóa dân tộc Chăm H’roi cho các thế hệ mai sau.
THIÊN LÝ