2. Các cam kết về xuất xứ
2.1. Quy tắc xuất xứ
Để được hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định này, hàng hóa phải đáp ứng được các quy tắc xuất xứ của hiệp định. Cụ thể, hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một bên (Việt Nam hoặc Liên minh) nếu:
- Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một bên.
- Được sản xuất toàn bộ tại một hay hai bên, từ những nguyên vật liệu có xuất xứ từ một hay hai bên.
- Được sản xuất tại một bên, sử dụng nguyên vật liệu không có xuất xứ nội khối nhưng đáp ứng được các yêu cầu về Quy tắc xuất xứ cụ thể từng mặt hàng được quy định trong hiệp định.
Nói chung, Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu khá đơn giản, thông thường hàng hóa chỉ cần có hàm lượng giá trị gia tăng - VAC > 40% (một số có yêu cầu VAC > 50-60%) hoặc có sự chuyển đổi mã HS ở cấp độ 2, 4, 6 số là được hưởng ưu đãi thuế quan.
* Chú ý, VAC được tính theo công thức: (Trị giá FOB - Trị giá nguyên vật liệu không có xuất xứ)/Trị giá FOB x 100%.
Ngoài ra, hiệp định có quy định về tỉ lệ không đáng kể (De Minimis) cho phép hàng hóa không đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi mã HS vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan nếu có hàm lượng nguyên liệu không có xuất xứ không vượt quá 10% giá FOB của hàng hóa.
2.2. Vận chuyển trực tiếp
Hàng hóa có xuất xứ được hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định này nếu được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu sang nước nhập khẩu đều là thành viên của hiệp định, trừ một số trường hợp được vận chuyển qua lãnh thổ của một hay nhiều nước thứ 3 nhưng phải thỏa mãn các điều kiện:
- Quá cảnh qua lãnh thổ của một nước thứ 3 là cần thiết vì lý do địa lý hoặc các yêu cầu về vận tải có liên quan.
- Hàng hóa không tham gia vào giao dịch thương mại hoặc tiêu thụ tại đó.
- Hàng hóa không trải qua các công khoản nào khác ngoài việc dỡ hàng, bốc lại hàng, lưu kho hoặc các công khoản cần thiết khác để bảo quản điều kiện của hàng hóa.
2.3. Mua bán trực tiếp
Hiệp định cho phép hàng hóa được xuất hóa đơn bởi một bên thứ 3 (pháp nhân có đăng ký tại một nước thứ 3 không phải thành viên của hiệp định), nếu đáp ứng đầu đủ các yêu cầu về quy tắc xuất xứ thì vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan, trừ trường hợp nước thứ 3 đó thuuộc danh sách 30 quốc đảo được nêu rõ ở trong hiệp định. Danh sách này có thể được các bên sửa đổi và thống nhất bằng các nghị định thư sau này.
2.4. Chứng nhận xuất xứ
Về thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi (C/O), trong khi một số FTA thế hệ mới như TPP, FTA Việt Nam - EU hướng tới việc áp dụng cơ chế doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, thì Hiệp định VN - EAEU FTA vẫn áp dụng quy trình cấp chứng nhận xuất xứ thông qua một cơ quan có thẩm quyền do Nhà nước quy định như trong các FTA ký trước đây mà Việt Nam đang thực hiện.
Theo hiệp định này, Việt Nam và Liên minh đã cam kết sẽ nỗ lực để áp dụng hệ thống xác minh và chứng nhận xuất xứ điện tử (EOCVS) trong vòng tối đa 2 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu mạng ghi lại thông tin của tất cả giấy chứng nhận xuất xứ được cấp bởi cơ quan được ủy quyền, và cơ quan hải quan nước nhập khẩu có thể truy cập và kiểm tra tính hiệu lực và nội dung của bất kỳ giấy chứng nhận xuất xứ đã được cấp nào. (Mẫu C/O được đính kèm theo văn bản hiệp định).
2.5. Tạm ngừng khi có ưu đãi
Khi có tình trạng gian lận xuất xứ có tính hệ thống, hoặc bên xuất khẩu từ chối không chính đáng và có hệ thống việc xác minh (bằng văn bản hoặc thực tế) của bên nhập khẩu về tình trạng gian lận, giấy chứng nhận xuất khẩu thì bên nhập khẩu có thể tạm ngừng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa và nhà xuất khẩu có liên quan.
Nếu tình trạng gian lận có hệ thống trên không chấm dứt, nước nhập khẩu có thể tạm ngừng ưu đãi đối với hàng hóa giống hệt được phân loại theo dòng thuế tương tự ở cấp 8-10 số (giống nhau về mọi mặt bao gồm tính chất vật lý, chất lượng và danh tiếng).
Tạm ngừng ưu đãi có thể được áp dụng đến khi bên xuất khẩu cung cấp các chứng từ thuyết phục, nhưng thời hạn không quá thời gian 4 tháng và có thể được gia hạn tối đa 3 tháng.
3. Các nội dung khác
Các cam kết về dịch vụ, đầu tư và di chuyển thể nhân được đàm phán song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Hiện tại nội dung cụ thể cam kết (danh mục các lĩnh vực/biện pháp mở cửa vẫn chưa được công bố).
Các nội dung cam kết khác của hiệp định về sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, phát triển bền vững... chủ yếu mang tính hợp tác và không vượt quá những cam kết của Việt Nam trong WTO và tại các FTA đã ký hoặc đang đàm phán.
III. Tác động của hiệp định
1. Tác động về chính trị và kinh tế
1.1. Về chính trị, việc ký kết hiệp định tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong quan hệ hợp tác toàn diện với các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu, đặc biệt là trong việc thực hiện quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Liên bang Nga, nước có vai trò dẫn dắt trong liên minh; góp phần tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đối với liên minh Kinh tế Á - Âu, Việt Nam, nước có vị thế quan trọng trong ASEAN, trở thành nước đầu tiên trên thế giới ký FTA. Việc ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Ấ - Âu là một trong những ưu tiên hàng đầu của liên minh về hội nhập kinh tế với thế giới trong giai đoạn hiện nay, qua đó liên minh kỳ vọng sẽ mở rộng được quan hệ thương mại, đầu tư với khu vực Đông Nam Á trong Chiến lược tăng cường quan hệ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
1.2. Về kinh tế, việc thực hiện cắt giảm thuế quan theo các cam kết FTA nói chung và theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu nói riêng, sẽ có tác động giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó làm gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, góp phần tác động lan tỏa đa chiều trong toàn bộ nền kinh tế, trong đó có việc tăng thu ngân sách Nhà nước từ các sắc thuế nội địa khác, tạo công ăn việc làm cho người lao động và tăng tính chủ động của nền kinh tế.
Trong giai đoạn tới, khi thực hiện hiệp định, việc phía Liên minh xóa bỏ thuế ngay đối với nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn của Việt Nam sang liên minh như dệt may, giày dép, nông sản, thủy sản, hàng điện tử... sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đồng thời góp phần tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu không nhiều từ liên minh, chủ yếu tập trung vào xăng dầu, sắt thép và Việt Nam đang xuất siêu. Phần lớn các hàng hóa mà Việt Nam và Liên minh trao đổi với nhau là mang tính hỗ trợ bổ sung, không cạnh tranh nhau. Dự kiến, sau khi hiệp định chính thức có hiệu lực, một số mặt hàng của Liên minh sẽ cạnh tranh với hàng hóa của các đối tác khác trên thị trường Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam có thêm lựa chọn về chủng loại, giá cả.
Ngoài ra, trong quá trình đàm phán hiệp định, hai bên cũng đã đạt được các mục tiêu của mình. Về phía Việt Nam, đó là mục tiêu mở rộng cơ hội thị trường cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên Liên minh, từ đó có thể thâm nhập sang các nước thuộc Liên Xô cũ. Tiếp đến là mục tiêu thu hút đầu tư trong những lĩnh vực phía Liên minh có thế mạnh như khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất năng lượng, chế tạo máy, hóa chất...
Đồng thời, thông qua hiệp định, Việt Nam cũng có cơ hội đẩy mạnh và mở rộng đầu tư sang các nước Liên minh về công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, khai thác dầu khí... Ngoài ra còn mở rộng cơ hội tiếp thu công nghệ tiên tiến trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tăng cường các quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh, đặc biệt là củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Về phía Liên minh, tham gia Hiệp định là mong muốn mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa và đầu tư vào Việt Nam, một nước có quan hệ hợp tác truyền thống, tin cậy từ lâu đời. Liên minh mong muốn thông qua FTA với Việt Nam để mở rộng thị trường sang các nước khu vực ASEAN nói riêng và châu Á - Thái Binh Dương nói chung. Tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam sẽ là bước đi ban đầu để Liên minh có cơ sở trước khi xem xét, quyết định việc mở rộng quan hệ thương mại tự do với các nước khác.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hiện đại và toàn diện với sự linh hoạt cần thiết, có mức độ cam kết cao, bảo đảm cân bằng lợi ích và tính đến điều kiện cụ thể của từng bên; là bước đột phá cho quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên Liên minh.
Cùng với các FTA khác, hiệp định sẽ hỗ trợ việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam sang Liên minh, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư sang các nước khác thuộc khối Cộng đồng các Quốc gia độc lập (SNG), mà nhiều nước trong số đó đang tiếp tục bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của Liên minh.
2. Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam
2.1. Cơ hội
Việt Nam hiện đang cùng lúc đàm phán rất nhiều FTA với các đối tác lớn. Mỗi FTA lại đem đến cho doanh nghiệp những cơ hội khác nhau.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu được kỳ vọng sẽ mang lại các lợi ích lớn về thương mại hàng hóa bởi ít nhất 4 lý do:
Thứ nhất, Liên minh, trong đó đặc biệt là Nga, một thị trường rộng lớn hiện vẫn tương đối đóng với hàng hóa nước ngoài (thông qua hàng rào thuế quan cao). Cụ thể, dù đã gia nhập WTO nhưng mức thuế nhập khẩu trung bình vào Nga vẫn còn cao, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp. Hiệp định có thể khai thông hàng rào thuế quan cao này.
Thứ hai, Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên của EAEU đến thời điểm này. Trên thực tế, khu vực EAEU đã từng đàm phán FTA với một số nước những không đạt được tiến triển và bị đình trệ hoặc hủy bỏ. Vì vậy, nếu ký được FTA với khu vực này, hàng hóa Việt Nam sẽ có lợi thế đặc biệt.
Thứ ba, cơ cấu sản phẩm giữa Việt Nam và các nước EAEU là tương đối bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp. Do đó những tác động bất lợi truyền thống của việc mở cửa thị trường Việt Nam cho đối tác qua FTA sẽ được giảm bớt nhiều.
Thứ tư, hiện tại mạng lưới người Việt sống, học tập và làm việc tại Nga tương đối đông đảo, các doanh nghiệp có thể tận dụng các kinh nghiệm và mối quan hệ từ mạng lưới này để tiếp cận thị trường này.
Đặc biệt đối với các cam kết về thuế quan, cơ hội mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng lớn:
- Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn cắt giảm thuế nhập khẩu sâu trong một số FTA làm cho thuế suất thấp, chính vì thế các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam nhiều hơn. Hơn nữa, các sản phẩm của Việt Nam không lo ngại sản phẩm cạnh tranh từ EAEU mà điều này còn làm đa dạng hóa sản phẩm cho người tiêu dùng.
- Đối với những mặt hàng là nguyên liệu đầu vào cho gia công, chế biến phục vụ xuất khẩu việc cắt giảm thuế sẽ giúp giảm chi phí, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh, từ đó thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu.
- Thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực, đổi mới công nghệ để tái cơ cấu doanh nghiệp và nền kinh tế.
(Còn nữa)