Thứ Ba, 08/10/2024 07:33 SA
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu
Thứ Sáu, 05/08/2016 09:38 SA

LTS: Ban Tuyên giáo Trung ương vừa xây dựng tài liệu tuyên truyền về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu. Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc tài liệu này.

 

I. TỔNG QUAN VỀ HIỆP ĐỊNH (HIỆP ĐỊNH VN-EAEU FTA)

 

1. Về đối tác Liên minh Kinh tế Á - Âu

 

Liên minh Kinh tế Á - Âu bao gồm 5 thành viên chính thức là Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan. Với tổng diện tích hơn 20 triệu km2, dân số khoảng hơn 183 triệu người và GDP đạt khoảng 2.200 tỉ USD. Tài nguyên thiên nhiên của các nước trong Liên minh Kinh tế Á - Âu chủ yếu là dầu mỏ, than đá, quặng sắt… Các sản phẩm chính mà Liên minh Kinh tế Á - Âu nhập khẩu từ Việt Nam bao gồm điện thoại và linh kiện, máy vi tính và sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả… Các sản phẩm xuất khẩu chính sang Việt Nam gồm xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc thiết bị…

 

2. Quá trình đàm phán hiệp định

 

- 28/3/2013: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan chính thức được khởi động đàm phán.

 

- Từ ngày 20-25/6/2013, phiên đàm phán thứ hai Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Belarus, Kazakhstan và Nga đã được diễn ra tại Matxcova, Liên bang Nga.

 

- Chiều 13/9, tại thủ đô Minsk của Belarus, phiên đàm phán thứ ba Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam

 

- Liên minh Hải quan (gồm Nga, Kazakhstan, Belarus).

 

- Ngày 14/2/2014, phiên đàm phán thứ tư cấp Bộ trưởng Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Belarus, Kazakhstan và Nga tại TP Đà Nẵng đã kết thúc.

 

- Từ ngày 31/3 - 4/4, phiên đàm phán thứ 5 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan - gồm 3 nước Belarus, Kazakhstan và Nga đã diễn ra tại TP Almaty của Kazakhstan.

 

- Phiên đàm phán thứ 6, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan) đã diễn ra tại Sochi, Nga từ ngày 16-20/6/2014 với 8 nhóm đàm phán.

 

- Phiên đàm phán thứ 7 được tổ chức từ ngày 15-19/9 tới tại Liên bang Nga.

 

- Phiên đàm phán thứ 8 được diễn ra từ ngày 8-14/12 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Kiên Giang (huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), đã kết thúc cơ bản và toàn diện cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan.

 

- Ngày 15/12/2014: Hai bên đã ký Tuyên bố chung cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu.

 

- Ngày 29/5/2015: Hai bên chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu.

 

Tổng cộng có 8 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ ở cấp kỹ thuật.

 

3. Kết quả

 

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (Liên minh) là hiệp định có ý nghĩa chiến lược mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh nói chung và với từng nước thành viên nói riêng. Các bên đã ký kết hiệp định với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích, có tính đến điều kiện cụ thể của từng bên.

 

Về hàng hóa, Liên minh đã dành cho Việt Nam ưu đãi, tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản và hàng công nghiệp như dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến.

 

Một nội dung quan trọng của hiệp định này là phía Liên minh sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho hầu hết các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Cùng với việc xóa bỏ thuế quan, hai bên sẽ triển khai tích cực Chương về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật (SPS), trong đó có các nội dung về công nhận tương đương đối với các biện pháp hoặc hệ thống quản lý trong lĩnh vực liên quan, công nhận lẫn nhau về các khái niệm về thích ứng với điều kiện khu vực, sử dụng kết quả kiểm toán, thông tin của các tổ chức quốc tế lớn; thúc đẩy hợp tác, triển khai các sáng kiến thuận lợi hóa thương mại và hỗ trợ kỹ thuật và thiết lập cơ chế tham vấn hiệu quả giữa hai bên.

 

Phía Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải… Các mặt hàng này nhìn chung đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước. Riêng đối với các mặt hàng nông sản, tuy là các mặt hàng được phía Liên minh coi thuộc diện ưu tiên và đã được Việt Nam đồng ý mở cửa ngay, chẳng hạn như sữa và các sản phẩm sữa, một số sản phẩm ngũ cốc…, nhưng trong bối cảnh hiện nay, do sản xuất nông nghiệp của phía bạn chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa và chưa tập trung cho xuất khẩu nên dự báo trong 5 năm đầu thực thi hiệp định, ngành Nông nghiệp Việt Nam sẽ không bị tác động rõ rệt bởi việc nhập khẩu mặt hàng nông sản từ Liên minh.

 

Về tổng thể, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.

 

Theo đánh giá bước đầu của Liên minh, sau khi hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10-12 tỉ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỉ USD). Theo nghiên cứu của Việt Nam trước khi khởi động đàm phán, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh ước tính sẽ tăng khoảng 18-20% hàng năm.

 

Những nội dung về sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, phát triển bền vững… của hiệp định chủ yếu mang tính hợp tác và không vượt quá những cam kết của Việt Nam trong WTO và tại các FTA đã ký hoặc đàm phán, tạo khuôn khổ để hai bên có thể xem xét hợp tác sâu hơn khi thấy phù hợp.

 

Có thể nói, Liên minh Kinh tế Á - Âu có dân số hơn 183 triệu người với tổng GDP khoảng 2.200 tỉ USD, tuy là một tổ chức kinh tế mới được thành lập nhưng có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ hướng tới một không gian kinh tế thống nhất. Việc ký kết hiệp định tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong quan hệ hợp tác toàn diện với các nước thành viên Liên minh. Về mặt kinh tế, mục tiêu chủ yếu của Việt Nam trong đàm phán, ký kết và các cam kết hội nhập kinh tế nhằm đạt được lợi ích căn bản về kinh tế thông qua việc nâng cao sức cạnh tranh của sản xuất trong nước, tạo cơ hội cho thúc đẩy thương mại, dịch vụ, đầu tư, đa dạng hóa các thị trường xuất nhập khẩu, tránh sự phụ thuộc vào một thị trường.

 

II. CÁC NỘI DUNG CHÍNH CỦA HIỆP ĐỊNH

 

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu bao gồm 16 chương và các phụ lục, được chia thành hai nhóm: Nhóm về hàng hóa: các chương Thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Phòng vệ thương mại, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Thuận lợi hóa và hải quan…; Nhóm khác: Các chương Thương mại Dịch vụ, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Thương mại điện tử, Cạnh tranh, Pháp lý và thể chế. Riêng Chương Thương mại Dịch vụ, Đầu tư và di chuyển thể nhân được đàm phán song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga và các cam kết đạt được chỉ áp dụng song phương giữa hai nước (không áp dụng cho các đối tác khác trong Liên minh Kinh tế Á - Âu). Các phụ lục về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ…

 

Hiệp định gồm những nội dung chính sau:

 

1. Các cam kết về thuế quan

 

1.1 Cam kết của Liên minh Kinh tế Á - Âu

 

Cam kết mở cửa thị trường hàng hóa (qua loại bỏ thuế quan) của Liên minh Kinh tế Á - Âu cho Việt Nam có thể chia thành các nhóm sau:

 

- Nhóm loại bỏ thuế quan ngay sau khi hiệp định có hiệu lực (EIF): gồm 6.718 dòng thuế, chiếm khoảng 59% biểu thuế.

 

- Nhóm loại bỏ thuế quan theo lộ trình cắt giảm từng năm và sẽ loại bỏ thuế quan ở năm cuối của lộ trình (muộn nhất là đến 2025): gồm 2.876 dòng thuế, chiếm khoảng 25% biểu thuế.

 

- Nhóm giảm ngay sau khi hiệp định có hiệu lực 25% so với thuế hiện tại và sau đó giữ nguyên: bao gồm 131 dòng thuế, chiếm khoảng 1% biểu thuế.

 

- Nhóm không cam kết (N/U): bao gồm 1.453 dòng thuế, chiếm 13% biểu thuế (nhóm này được hiểu là EAEU không bị ràng buộc phải loại bỏ hay giảm thuế quan, nhưng có thể đơn phương loại bỏ/giảm thuế nếu muốn).

 

- Nhóm áp dụng biện pháp Phòng vệ ngưỡng (Trigger): gồm 180 dòng thuế, chiếm khoảng 1,58% biểu thuế;

 

Đây là biện pháp nửa giống Hạn ngạch thuế quan (có ngưỡng giới hạn về số lượng), nửa giống Phòng vệ (có thủ tục tham vấn đánh giá về khả năng gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa nơi nhập khẩu).

 

+ Sản phẩm áp dụng: Một số sản phẩm trong nhóm dệt may, da giày và đồ gỗ được quy định trong Phụ lục về các sản phẩm áp dụng Biện pháp phòng vệ ngưỡng trong hiệp định.

 

+ Quy tắc áp dụng: Đối với mỗi sản phẩm, mỗi năm sẽ áp dụng một ngưỡng mà nếu khối lượng nhập khẩu sản phẩm đó vào Liên minh vượt quá ngưỡng quy định cho năm đó thì phía Liên minh sẽ ngay lập tức thông báo bằng văn bản cho phía Việt Nam.

 

Nếu quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng, Liên minh phải thông báo cho Việt Nam ít nhất là 20 ngày kể từ ngày ra quyết định, và biện pháp phòng vệ ngưỡng sẽ chỉ có hiệu lực ít nhất sau 30 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng được đưa ra.

 

Nếu bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng, các sản phẩm liên quan sẽ không được hưởng thuế suất ưu đãi theo hiệp định nữa mà sẽ bị áp thuế MFN trong thời hạn hiệu lực của quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng.

 

Lưu ý: Một trong hai bên (Việt Nam hoặc Liên minh) có thể yêu cầu bên kia tham vấn hoặc cung cấp các thông tin yêu cầu nhằm làm rõ các điều kiện áp dụng biện pháp phòng vệ này.

 

+ Thời gian áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng: Thông thường quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng có hiệu lực (được áp dụng) trong 6 tháng; nhưng nếu khối lượng nhập khẩu sản phẩm bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng vượt quá 150% mức ngưỡng theo quy định vào ngày bắt đầu áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng, thì thời gian áp dụng biện pháp này có thể được kéo dài thêm 3 tháng.

 

- Nhóm Hạn ngạch thuế quan: Liên minh áp dụng hạn ngạch đối với gạo.

 

1.2. Cam kết của Việt Nam

 

Cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của Việt Nam cho Liên minh chia làm 4 nhóm:

 

- Nhóm loại bỏ thuế quan ngay sau khi hiệp định có hiệu lực (EIF): chiếm khoảng 53% biểu thuế.

 

- Nhóm loại bỏ thuế quan theo lộ trình cắt giảm từng năm và sẽ loại bỏ thuế quan ở năm cuối của lộ trình (muộn nhất là đến 2026): chiếm khoảng 35% tổng số dòng thuế, cụ thể:

 

+ Nhóm đến năm 2018 loại bỏ thuế quan hoàn toàn: 1,5% tổng số dòng thuế trong biểu thuế (chế phẩm từ thịt, cá và rau củ quả, phụ từng máy nông nghiệp, máy biến thế, ngọc trai, đá quý…).

 

+ Nhóm đến năm 2020 loại bỏ thuế quan hoàn toàn: 22,1% tổng số dòng thuế trong biểu thuế (giấy, thủy sản, đồ nội thất, máy móc thiết bị điện, rau quả, sản phẩm sắt thép…).

 

- Nhóm không cam kết (U): Chiếm khoảng 11% tổng số dòng thuế trong biểu thuế.

 

- Nhóm cam kết khác (Q): các sản phẩm áp dụng Hạn ngạch thuế quan, Việt Nam áp dụng hạn ngạch đối với trứng và lá thuốc lá chưa chế biến.

 

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu có hiệu lực vào năm nào thì các bên sẽ áp dụng luôn mức thuế theo cột thuế của năm đó như được ghi trong các biểu trong các Phụ lục kèm theo hiệp định.

 

(Còn nữa)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek