Bất kể thời gian nào trong giờ hành chính khi chúng tôi đến Trường phổ thông Duy Tân, đều gặp được thầy Phạm Văn Tín, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị, Phó Hiệu trưởng thường trực nhà trường, mà không cần phải liên hệ trước. Thầy luôn đi sớm về muộn, gương mẫu và thân thiện. Hơn 13 năm gắn bó với trường, người thầy 64 tuổi này đã có nhiều cách làm hay để cảm hóa học sinh cá biệt, đưa chất lượng giáo dục toàn diện của trường đi lên.
Đưa học sinh cá biệt về đúng hướng
Trước khi làm cán bộ quản lý, thầy Tín từng có giai đoạn làm giáo viên. Năm 1975, với tấm bằng cử nhân Hóa học Trường đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, thầy Tín về quê công tác tại Trường THPT Ngô Gia Tự (TP Tuy Hòa). Năm 1980, thầy cùng vợ con vào Nam lập nghiệp. 51 tuổi, khi kinh tế gia đình đã ổn định, hai con trai tốt nghiệp đại học, thành đạt, thầy Tín về quê với mong muốn cống hiến phần đời còn lại cho giáo dục quê hương.
Năm 2003, được sự mời gọi của Hội đồng quản trị Trường phổ thông Duy Tân, thầy về làm Phó Hiệu trưởng. Không chỉ làm tốt công tác quản lý, thầy Tín còn để lại dấu ấn sâu đậm trong việc giáo dục, cảm hóa nhiều học sinh quậy phá, cá biệt trở thành những học sinh ngoan. Suy nghĩ đuổi học học sinh sẽ đẩy các em ra đời sớm, gián tiếp góp phần làm gia tăng tội phạm cho xã hội, nên chưa bao giờ thầy ra quyết định đuổi học các em. Mỗi khi học sinh vi phạm kỷ luật, thầy đều tìm hiểu rõ nguyên nhân, hoàn cảnh gia đình, sau đó gặp các em để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Bằng tình yêu thương học trò, thầy và giáo viên chủ nhiệm đã ân cần động viên, phân tích cho các em hiểu chuyện, từ đó vươn lên trong học tập, rèn luyện đạo đức tốt.
“Nếu không nhận được sự gần gũi, quan tâm và động viên của thầy Tín và các thầy cô giáo ở trường, chắc tôi đã nghỉ học từ năm lớp 10 rồi”, đó là chia sẻ của N.T.T, từng là học sinh cá biệt của trường, hiện là kỹ sư công nghệ thông tin làm việc tại TP Hồ Chí Minh. T kể, năm học lớp 10, cha mẹ ly hôn, gia đình tan vỡ, T rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý. Tính cách trở nên lầm lỳ, T còn thường xuyên tụ tập bạn bè chơi bời, trốn học, đánh nhau, quậy phá. Sau khi tìm hiểu được nguyên nhân, cô giáo chủ nhiệm và thầy Tín đã chủ động tìm đến gia đình, gặp riêng T động viên. “Thái độ bao dung, cử chỉ ân cần với học sinh của thầy đã làm tôi cảm phục. Tôi nhận thấy mình sai và cần phải thay đổi. Từ đó, nhờ sự kèm cặp của thầy cô giáo, sự quan tâm của gia đình, tôi dần vào khuôn khổ, học hành tiến bộ, thi đậu đại học. Có được ngày hôm nay, tôi mang ơn thầy Tín và các thầy cô giáo rất nhiều”, T bộc bạch.
Ông Phan Văn Hải, phụhuynh học sinh P.V.N từng là một học sinh cá biệt của trường, cho biết: “Do gia đình cưng chiều nên con trai tôi đâm ra hư hỏng, theo bạn chơi điện tử, học hành sa sút. Vợ chồng tôi đưa cháu vào Trường phổ thông Duy Tân học với hy vọng trường dạy hai buổi sáng, chiều, có quản nhiệm sẽ quản lý cháu tốt hơn. Năm lớp 11, cháu vẫn còn mê chơi, tập tành hút thuốc, uống rượu, bỏ học, gia đình nói không nghe… Nhờsựquan tâm, dìu dắt tận tình, đầy yêu thương, nhưng vô cùng nghiêm khắc của các thầy cô giáo, nhất là thầy Tín, đạo đức và học lực của cháu đã khá lên rất nhiều. Cháu bây giờ đã nên người, trở thành một chiến sĩ công an”.
Tạo niềm tin nơi học trò
Chia sẻ bí quyết cảm hóa nhiều học sinh cá biệt nên người, thầy Tín cho hay: Ban giám hiệu luôn tìm hiểu hoàn cảnh riêng của từng em học sinh chậm tiến, phân loại đối tượng theo hoàn cảnh, tính cách của từng học sinh, từ đó tạo điều kiện cho các em tiến bộ. Trong quá trình đó, các thầy cô giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm - quản nhiệm lớp, gần gũi, chia sẻ với các em với tình cảm chân thành, yêu thương. Với những em vi phạm, sau khi xét kỷ luật xong, nhà trường làm công tác tư tưởng, động viên các em rèn luyện tốt để cuối năm xóa kỷ luật. “Qua nhiều năm làm công tác giáo dục học sinh cá biệt và chậm tiến, tôi nhận thấy rằng không thể dùng biện pháp mạnh mà cần phải gần gũi để hiểu và điều quan trọng là phải tạo lòng tin cho các em. Người thầy phải thực sự trở thành người bạn, người thân để chia sẻ, thấu hiểu và động viên các em”, thầy Tín chia sẻ.
Trường phổ thông Duy Tân có chất lượng đầu vào lớp 10 thấp, nhiều học sinh chưa ngoan, nên để quản lý học sinh, đầu năm học, thầy Tín yêu cầu giáo viên chủ nhiệm - quản nhiệm cho các em viết lý lịch trích ngang khá đặc biệt, trong đó, liệt kê các địa điểm thường đến vui chơi, danh sách 5-10 bạn thân… Đây là cách để thầy cô giáo, gia đình quản lý khi các em xảy ra “sự cố” như bỏ đi chẳng hạn. Đặc biệt, với một số học sinh lêu lỏng, gia đình nói không nghe, thầy vận động phụ huynh đưa các em vào ở nội trú để quản lý. Ngoài ra, thầy chỉ đạo ban quản lý khu nội trú, Đoàn trường cùng các tổ chức trong trường thường xuyên tổ chức sân chơi, hoạt động TDTT, văn hóa văn nghệ để tạo môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, thu hút các em tham gia, rèn luyện kỹ năng. Những năm qua, cách làm của thầy đã phát huy tác dụng rất tốt, mang lại hiệu quả giáo dục cao cho trường. Nhờ đó, học sinh của trường đã tiến bộ, kỷ cương trường lớp được củng cố, tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT luôn nằm tốp đầu các trường trong tỉnh. Trường dần khẳng định được uy tín, vị trí trong lòng phụ huynh.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Ngô Ngọc Thư nhận xét: “Với bề dày kinh nghiệm, lòng nhiệt tình, thầy Tín đang phát huy tốt năng lực quản lý của mình. Sự gần gũi, lòng bao dung và thương yêu học trò của thầy Tín và các giáo viên Trường phổ thông Duy Tân đã giúp nhiều học sinh cá biệt của trường trở nên tiến bộ, tình hình học sinh vi phạm kỷ luật cũng giảm đáng kể. Nhờ vậy, năm 2014, trường vinh dự nhận bằng khen của Bộ Công an vì có thành tích trong phong trào an ninh trật tự trường học; năm 2015, nhận cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ; năm 2016, nhận Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước. Bản thân thầy Tín được các cấp, ngành ghi nhận, đồng nghiệp và học trò quý trọng. Tôi tin rằng với sự tận tụy của thầy Tín, những học sinh cá biệt sẽ nên người và thành đạt”. |
HÀ MY